Cho trẻ ăn trái cây: Cần lưu ý những gì?  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ

 Trái cây là nguồn cung cấp vitamin vô cùng phong phú cho trẻ nhỏ, tuy nhiên, việc chọn lựa và cho con ăn trái cây như nào là hợp lý thì không phải bà mẹ nào cũng biết

Chọn trái cây an toàn

Bên cạnh những loại trái cây có nguồn gốc trong nước, còn có rất nhiều loại trái cây lạ được nhập khẩu từ các nước Thái Lan, Mỹ, Úc, Nhật Bản và đặc biệt là Trung Quốc, Đài Loan… được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng vì màu sắc đẹp và mùi vị lạ.

Tốt nhất, để an toàn cho sức khỏe của trẻ, bạn nên chọn những trái cây tươi theo mùa, nên hạn chế những loại trái mùa, không rõ nguồn gốc, xuất sứ. Trái cây phải còn có cuống tươi, màu sắc tự nhiên, cầm trên tay nặng và chắc. Với một số loại quả có tinh dầu khi dùng móng tay bấm nhẹ, tinh dầu bắn ra là quả đạt chất lượng, không bị ngâm.

Trái cây mua về phải được rửa sạch trước khi cho bé ăn, tốt nhất là ngâm trong nước một thời gian. Bạn cũng đừng quên rằng thực đơn trái cây cho bé cần được thay đổi thường xuyên, đừng lúc nào cũng chỉ cho bé ăn mỗi một loại trái.

Nên rửa trái cây thế nào?

Ngày nay, việc dùng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt là điều không thể tránh khỏi, vì vậy khi mua trái cây về, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bạn nên rửa trái cây đúng cách.

Cách tốt nhất là bạn hãy rửa trái cây dưới vòi nước, xả trực tiếp để các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản có trể trôi đi, dùng tay hoặc vải bông thật mềm lau nhẹ quanh quả để khử sạch bụi và vi trùng.

Tiếp đó bạn hãy dùng tay rửa thật sạch lớp vỏ của quả với nước muối pha loãng. Các chất sát trùng có trong muối sẽ tẩy sạch các ký sinh trùng còn lại trên vỏ quả.

                                  
 
                                            Cách rửa hoa quả tốt nhất là rửa trực tiếp dưới vòi nước chảy

Chú ý rửa kỹ phần núm quả vì đó là nơi tập trung nhiều vi khuẩn và hoá chất nhất. Cuối cùng, rửa lại bằng nước lạnh và để ráo.

Với những loại quả như chanh, cam, quýt… thuộc họ cam nên tráng qua nước sôi trước để tránh chất bảo quản trên bề mặt, sau đó mới rửa dưới vòi nước lạnh.

Lưu ý: Để khỏi giảm lượng vitamin, cần rửa trái cây nhanh. Sau khi rửa, chúng mất khả năng giữ được lâu vì phần vỏ ngoài đã bị tổn thương. Vì vậy, trái cây sau khi rửa không nên để lâu. Để không mất các chất bổ, khi gọt cần sử dụng dao bằng thép không gỉ.

Thời điểm thích hợp cho trẻ ăn trái cây

Nhiều người vẫn nhầm tưởng là ăn trái cây ngay sau bữa ăn chính là tốt, nhưng thực ra điều đó lại gây hại đến quá trình phát triển của trẻ. Nguyên nhân là trong một số loại trái cây có chứa lượng đường rất cao, nếu bị ứ lại trong bao tử sẽ gây đầy hơi, táo bón cho bé. Đối với trẻ sơ sinh, cho các bé ăn trái cây trước bữa ăn có thể làm ảnh hưởng đến khẩu vị và làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ bữa ăn chính của các bé.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên chung cho mọi người rằng: thời điểm ăn trái cây tốt nhất là trước bữa ăn khoảng 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ. Cơ thể và các chức năng của các bé khác với người lớn chúng ta nên khoảng thời gian này cần phải được kéo dài hơn, bạn nên cho bé ăn trái cây trước bữa ăn một tiếng đồng hồ và sau bữa ăn chừng hai tiếng.

Những loại trái cây nên hạn chế cho trẻ ăn

Bạn nên hạn chế cho trẻ ăn dứa, vải thiều…Thực ra những loại trái cây này sẽ tốt nếu bạn cho trẻ ăn đúng cách. Tuy nhiên cần lưu ý rằng trong dứa có chứa chất protease, chất này khi vào cơ thể dẫn tới hiện tượng co thắt mạch vành, chóng mặt, buồn nôn.  Ngoài ra các chất glycosides sinh học trong dứa còn có khả năng gây kích ứng niêm mạc miệng khiến trẻ bị rát lưỡi hay vòm họng.

Vậy nên, khi cho trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi ăn dứa, người lớn cần gọt sạch vỏ, bỏ mắt, cắt dứa thành từng miếng nhỏ và luộc qua bằng nước sôi. Tuy làm mất đi phần nào hương vị của dứa nhưng ngược lại sẽ đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe của con bạn.


Nên hạn chế cho trẻ ăn dứa vì dứa có chứa chất protease, chất này khi vào cơ thể dẫn tới hiện tượng co thắt mạch vành, chóng mặt, buồn nôn. 


Khi mới cho trẻ bắt đầu ăn dứa, tốt nhất chỉ nên cho bé ăn từng miếng nhỏ. Nếu không có bất cứ dấu hiệu gì bất thường thì mới tiếp tục cho bé ăn. Còn ngược lại phải ngừng ngay và đưa trẻ tới các cơ sở y tế.

Khi cho bé ăn vải thiều, hệ tiêu hóa và các cơ quan khác còn yếu nên dễ khiến trẻ bị đổ mồ hôi, khát nước, buồn nôn, chóng mặt, nhìn mờ, lạnh tứ chi, mệt mỏi. Nặng hơn thì sẽ hôn mê, co giật, co đồng tử và nếu không kịp thời hô hấp sẽ nguy hiểm tới tính mạng.

Chính vì vậy, người lớn nên chú ý không cho trẻ ăn quá nhiều vải. Nếu ăn, chỉ cho bé ăn lượng vừa phải và dùng sau bữa ăn.

Minh Thúy - Dinhduong.com.vn

Cập nhật: 22/04/2013
Lượt xem: 18219
Lên trên
Đánh giá dinh dưỡng
( Cho người trưởng thành )
Cân nặng
kg
Chiều cao
m
Kết quả B.M.I
Đánh giá
Mặt trời bé thơ - Viện Dinh dưỡng (NIN)
Địa chỉ: 48B, Tăng Bạt Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3971 7090 - Fax : (84-4) 3971 7885 - Email: ninvietnam@viendinhduong.vn
© 2011 mattroibetho.vn. Số đăng ký 180/GP-TTĐT. Cấp ngày 10/10/2011 - Thiết kế website bởi BICWeb.vn™