Vitamin A với sự phát triển của trẻ
Vitamin A có nhiều chức năng quan trọng đối với cơ thể nhưng với người lớn tình trạng thiếu vitamin A gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe ít xảy ra do vitamin A được dự trữ tốt ở gan và có thể được huy động sử dụng trong một thời gian dài. Do vậy thường chỉ gặp thiếu vitamin A ở trẻ em. Vitamin A có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển của trẻ. Thiếu vitamin A làm giảm tăng trưởng, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn và tăng nguy cơ tử vong ở trẻ. Thiếu vitamin A dẫn đến bệnh khô mắt có thể để lại hậu quả mù lòa vĩnh viễn. Người mẹ nuôi con bú, nhất là trong 6 tháng đầu bị thiếu vitamin A dẫn tới sữa mẹ cung cấp không đủ vitamin A cho trẻ, ảnh hưởng không tốt tới quá trình lớn của bé.Nguyên nhân bị thiếu vitamin A- Do khẩu phần ăn bị thiếu hụt vitamin A: một chế độ ăn nghèo nàn với nhiều chất bột, ít thức ăn động vật (những thức ăn có hàm lượng vitaninA cao) như thịt, cá, trứng, tôm…, thiếu dầu mỡ làm giảm hấp thu vitamin A (vitamin A hòa tan trong dầu, mỡ). Sự thiếu hụt này thường xảy ra trong giai đọan trẻ ăn bổ sung. Sữa mẹ là nguồn vitamin A quan trọng của trẻ nhỏ. Trẻ không được bú mẹ có nguy cơ cao bị thiếu vitamin A.
- Tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm virut đặc biệt là khi trẻ lên sởi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng thiếu vitamin A. Trẻ bị nhiễm giun, nhất là giun đũa cũng là nguyên nhân dẫn đến thiếu vitamin A.
- Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng thường kèm theo thiếu vitamin A. Ngoài ra thiếu các vi chất khác như kẽm cũng ảnh hưởng tới chuyển hóa vitamin A trong cơ thể.
Các biểu hiện khi trẻ bị thiếu vitamin AThiếu vitamin A nhẹ làm giảm phát triển cơ thể, tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt là nhiễm khuẩn đường tiêu hóa (tiêu chảy) và nhiễm khuẩn đường hô hấp (viêm đường hô hấp). Thiếu vitamin A nặng ngoài việc làm giàm sức đề kháng của cơ thể, trẻ kém phát triển còn gây nên các tổn thương ở mắt. Các tổn thương đó nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. Triệu chứng lâm sàng của thiếu vitamin A tiến triển như sau (theo sự phân loại của Tổ chức Y tế thế giới):- Biểu hiện sớm nhất là quáng gà (Ký hiệu là XN): quáng gà là hiện tượng giảm thị lực trong điều kiện thiếu ánh sáng. Khi chiều chập chọang tối (lúc gà lên chuồng), trẻ mắc bệnh thường trở nên nhút nhát, chỉ ngồi yên tại chỗ, không dám đi lại hoặc chạy theo bạn đùa nghịch. Những đứa trẻ lớn hơn khi bị bệnh thường đi lại khó khăn vào buổi tối, hay vấp ngã, hay va vấp vào những đồ vật để trong nhà như nồi niêu, bàn ghế; đi lại trong nhà phải lần tường do nhìn không rõ. Những trẻ bé hơn chưa biết đi thì không biết tìm nhặt nhặt đồ chơi vào buổi tối , không biết tìm và cầm đúng thức ăn khi mẹ đưa cho mà phải quờ quạng, tối đến trẻ có thể theo người khác tưởng nhầm là mẹ. Nếu trẻ được phát hiện sớm thiếu vitamin A ở giai đọan quáng gà và được điều trị ngay bằng vitamin A liều cao thì bệnh sẽ khỏi nhanh chóng sau 2-3 ngày.
- Vệt Bitot (ký hiệu là X1B): là những vệt trắng, bóng trên màng tiếp hợp, thường có hình tam giác, như đám bọt xà phòng nhỏ, hay gặp ở kết mạc chỗ sát rìa giác mạc, có thể có ở 1 mắt hoặc cả 02 mắt. Vệt Bitot chính là những đám tế bào biểu mô kết mạc bị khô, dày lên, sừng hóa và bong vảy. Vệt Bitot là triệu chứng đặc hiệu của tổn thương kết mạc do thiếu vitamin A.
- Khô giác mạc (ký hiệu là X2): Giác mạc trở nên mất độ bóng, sáng, mờ đục như làn sương phủ, có thể sần sùi, giảm cảm giác của giác mạc. Khô giác mạc hay xảy ra ở nửa dưới giác mạc và thường có kèm theo cả khô kết mạc hoặc có vệt Bitot. Biểu hiện quan trọng nhất là trẻ sợ ánh sáng hay cụp mắt nhìn xuống, ra sáng thường nhắm mắt. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời ở giai đọan này có thể phục hồi hòan tòan mà không để lại di chứng. Nếu không được điêù trị kịp thời có thể dẫn tới lóet giác mạc gây biến chứng nặng nề.
- Loét nhuyễn giác mạc (ký hiệu là X3A và X3B): Lóet giác mạc là sự mất tổ chức một phần hay tất cả các lớp của giác mạc. Khi khô lóet giác mạc chưa sâu, chưa bị bội nhiễm nặng cần phải điều trị tích cực và kịp thời thì vết lóet liền nhanh, sẹo để lại nhỏ và mỏng, thị lực sẽ giảm ít. Trường hợp lóet sâu và rộng, giác mạc sẽ bị thủng gây phòi mống mắt, teo nhãn cầu và mù lòa vĩnh viễn.
- Sẹo giác mạc do khô mắt (ký hiệu là XS): là di chứng sau khi bị lóet giác mạc, tùy theo vị trí và mức độ sẹo (sẹo lồi, sẹo dúm) sẽ ảnh hưởng gây giảm thị lực hoặc gây mù lòa không hồi phục.
- Tổn thương đáy mắt do khô mắt (ký hiệu là XF): là tổn thương của võng mạc do thiếu vitamin A, biểu hiện tình trạng thiếu vitamin A mãn tính. Tổn thương thường gặp ở trẻ tuổi đi học có thể kèm theo quáng gà. Soi đáy mắt thấy hình ảnh võng mạc xuất hiện các chấm nhỏ màu trắng hoặc vàng rải rác, dọc theo các mạch máu võng mạc. Điều trị bằng Vitamin A sẽ hồi phục nhanh.
Một số hình ảnh tổn thương mắt khi thiếu Vitamin A
Các biện pháp phòng chống thiếu vitamin A
- Cải thiện để nâng cao chất lượng bữa ăn: Chế độ ăn hàng ngày cần cung cấp đủ vitamin A và caroten. Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ vì sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A tốt nhất đối với trẻ nhỏ. Chế độ ăn của trẻ cần được ưu tiên thức ăn động vật là loại thức ăn giàu vitamin A (trong 100 gam thịt gà có 120 mcg vitamin A; trong 100 gam lợn có 6000 mcg vitamiA; trong 100 gam cá trê có 93 mcg vitamin A; trong 100 gam lòng đỏ trứng gà có 960 mcg vitamin A…. Bữa ăn của trẻ cần có đủ dầu hoặc mỡ để giúp hấp thu tốt vitamin A. Một số rau, quả có màu vàng, đỏ, da cam chứa hàm lượng Bêta caroten cao, đáng chú ý nhất là: cà rốt, rau dền, xòai, dưa hấu, đu đủ chín, cà chua, gấc…. Caroten khi vào cơ thể sẽ được ưhuyển thành vitamin A. Nhưng theo các nghiên cứu gần đây không phải lúc nào caroten cũng chuyển được thành vitamin A và tỉ lệ chuyển đổi này không cao.
- Bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ: Trẻ từ 6-36 tháng được uống bổ sung viên nang vitamin A liều cao. Với trẻ trên 12 tháng đến 36 tháng uống bổ sung viên nang loại 200.000 đơn vị quốc tế (đvqt) mỗi năm 2 lần. Với trẻ từ 6 tháng đến dưới 12 tháng uống bổ sung viên nang loại 100.000 đvqt . Đối với bà mẹ sau đẻ trong vòng một tháng cần được bổ sung vitamin A liều cao một liều 200.000 đvqt. Trẻ dưới 5 tuổi khi bị tiêu chảy, viêm đường hô hấp, lên sởi cần được uống 1 liều vitamin A liều cao (200.000 đvqt).
- Tăng cường vitamin A trong một số thực phẩm: Nhiều nước trên thế giới và trong khu vực châu Á đã áp dụng tăng cường vitamin A vào một số thức ăn như mỡ Magarine, bột sữa gầy, đường, bột mì. Việt Nam cũng bắt tay tiến hành các nghiên cứu thử nghiệm tăng cường vitamin A vào một số thực phẩm (đường, dầu ăn...)
- Phát hiện và điều trị trẻ khô mắt: Trẻ có biểu hiện khô mắt do thiếu vitamin A cần phải được phát hiện và điều trị nhanh chóng, kịp thời. Tất cả các trường hợp mắc bệnh từ quáng gà, khô kết mạc, vệt Bitot đến khô lóet giác mạc đều được cấp tốc điều trị theo phác đồ của Tổ chức y tế thế giới như sau:
- Ngay lập tức cho uống 200.000 đvqt
- Ngày hôm sau uống tiếp 200.000 đvqt
- Một tuần sau uống nốt 200.000 đvqt
Trẻ dưới 12 tháng dùng nửa liều trên (mỗi lần uống 100.000 đvqt)Như vậy khi trẻ bị khô mắt cần được uống đủ 03 viên vitamin A liều cao trong phác đồ điều trị. Cũng không nên tự ý mua và sử dụng vitamin A một cách tùy tiện. Vitamin A là loại vitamin tan trong chất béo khi thừa sẽ tích lũy và gây ngộ độc cho cơ thể với các biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, rụng tóc, rối lọan kinh nguyệt ở người lớn; mệt mỏi, chậm tăng cân, tăng áp lực sọ não (thóp phồng căng, não úng thủy), đau xương… ở trẻ em.
Ts. Hoàng Kim Thanh - GĐ Trung tâm TTGDDD - Viện Dinh dưỡng