Vitamin là những chất hữu cơ có phân tử thấp cần thiết cho quá trình đồng hóa và sử dụng các chất dinh dưỡng cũng như tham gia xây dựng tế bào và tổ chức cơ thể. Vitamin phần lớn không tổng hợp được trong cơ thể mà phải đưa vào từ thức ăn. Nhu cầu về vitamin thấp nhưng bắt buộc phải có. Vitamin gồm 2 nhóm tan trong dầu mỡ và tan trong nước. Vitamin D là vitamin tan trong dầu mỡ. Ở đây ta bàn về sự thừa và thiếu vitamin D có ảnh hưởng như thế nào đối với cơ thể.
Vitamin D (Ergocanxiferon D2 và Cholecanxiferon D3) là loại vitamin tan trong dầu mỡ, có vai trò điều hòa chuyển hóa canxi và phốt pho trong cơ thể, làm tăng hấp thu và đồng hóa canxi lên tới 50 -80 %, cần thiết cho quá trình cốt hóa (tạo xương).
Nếu thiếu vitamin D: Trẻ em sẽ bị còi xương. Ta đã biết vitamin D2 được tích lũy dưới da (đó là dạng chưa hoạt động), sau khi được ánh nắng chiếu vào sẽ chuyển thành D3 là dạng hoạt động. Nhưng hoạt động này dao động tùy theo mùa trong năm và giờ trong ngày. Nếu vào những ngày mùa đông nhiều sương mù hoặc những ngày trời âm u không có nắng thì việc chuyển đổi D2 thành D3 rất khó khăn.
Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi nếu thiếu vitamin D thì các rối loạn ban đầu không điển hình như dễ bị kích thích, mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi, rụng tóc sau gáy, dần dần rõ hơn là chậm mọc răng, thóp liền chậm, dễ bị co giật, khi biết đứng trẻ sẽ bị cong cột sống, đi chân vòng kiềng. Ở xứ lạnh nguyên nhân chính là thiếu ánh sáng mặt trời. Biểu hiện lâm sàng thường rõ ở những trẻ bụ bẫm, lớn nhanh và không rõ ở những trẻ suy dinh dưỡng chậm lớn.
Nếu thiếu vitamin D: Khi dùng liều dùng cao D2 và D3 có thể gây độc. Các triệu chứng hay gặp là kém ăn, buồn nôn, nóng, đi tiểu nhiều, có khi táo bón khi tiêu chảy, ngừng lớn, xanh xao, thỉnh thoảng co giật khó thở. Trong nước tiểu nhiều canxi, phốt pho và các tế bào hình trụ. Ở trẻ em khi điều trị còi xương thấy xuất hiện một số trường hợp kháng vitamin D cũng như một số trường hợp lại nhạy cảm với nó. Ở những trẻ này chỉ cho từ 1000 đến 3000 đơn vị mỗi ngày đã xuất hiện triệu chứng ngộ độc.
Nhu cầu vitamin D của trẻ còn bú, phụ nữ có thai và cho con bú là 500 đơn vị/ ngày. Ở người trưởng thành là 100 đơn vị/ ngày. Nếu vượt trên mức nhu cầu một ít thì lượng vitamin D thừa sữ tích lũy ở gan và được phân giải qua một thời gian dài.
Vitamin D chỉ có ở thức ăn động vật như trứng, sữa, gan bò, gan lợn, cá, đặc biệt là cá thu.
Ảnh minh họa
|
Hàm lượng vitamin D trong một số thực phẩm.
Thực phẩm | Hàm lượng (Đơn vị quốc tế/ 100g thực phẩm tươi). |
Sữa mẹ (mùa hè) | 2 - 4 |
Sữa mẹ (mùa đông) | 0,3 – 2 |
Lòng đỏ trứng | 300 |
Gan bò | 100 |
Gan lợn | 90 |
Sữa bò | 4 |
Gan cá thu | 500 – 1.800 |
Trứng | 50 – 200 |
Như vậy vitamin D rất quan trọng cần chú ý cung cấp đầy đủ và cân đối với các chất dinh dưỡng khác, tránh hiện tượng quá thừa hoặc quá thiếu. Khi trẻ có các dấu hiệu của còi xương cần được các bác sĩ dinh dưỡng hoặc bác sĩ nhi khoa khám và tư vấn điều trị bằng cách kết hợp chế độ ăn đầy đủ vitamin D, canxi, cho trẻ tắm nắng buổi sáng và dùng vitamin D với liều thích hợp. Liều dùng vitamin D nhất định phải có sự chỉ định hướng dẫn của thầy thuốc.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng