Với chính sách nghỉ thai sản ưu việt, thời gian tới các bà mẹ có rất nhiều cơ hội để nuôi dưỡng trẻ nhỏ một cách tối ưu.
Tuy nhiên, để đạt được lợi ích tối đa ấy cần có sự phối hợp giữa các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ để người mẹ có thể nâng cao nhận thức cũng như áp dụng việc thực hành nuôi con bằng sữa mẹ.
Nâng cao nhận thức
Giá trị của nguồn dinh dưỡng đặc biệt từ sữa mẹ cùng những lợi ích đem lại sự an toàn, mạnh khỏe cho trẻ nhỏ và kinh tế cho mỗi gia đình đã được chứng minh. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trẻ em đã không được nhận đầy đủ các lợi ích đó.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao nguồn dinh dưỡng quý như thế lại không được các bà mẹ tận dụng cho đứa con yêu của mình? PGS.TS Lê Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng (SDD) cao ở Việt Nam có liên quan đến sự thiếu hiểu biết hoặc không tin rằng sữa mẹ thực sự tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Chị Thu Trang (Mễ Trì, Hà Nội) cho rằng sữa mẹ chỉ có một dung lượng, chất lượng nhất định, đến một ngưỡng nào đó nó sẽ nhạt và hết chất(!?). “Em thấy hiện nay người ta còn sản xuất sữa tốt dành cho bà bầu, đặc biệt là sữa dành cho trẻ em bổ sung rất nhiều thành phần hỗ trợ trí thông minh và thể chất khỏe mạnh của mẹ. Mình có tiền, có điều kiện tại sao không cho con uống sữa đó?”, chị Trang nói.
Không cổ suý cho việc dùng sữa bột thay thế cho sữa mẹ nhưng chị Ngọc Ly (Kiến An, Hải Phòng) cho rằng trẻ chỉ cần bú mẹ đến khoảng 9 tháng tuổi là ổn. “Càng cho con bú lâu sẽ khiến trẻ bám mẹ, sau này tính tự lập không cao và có tính cách kiểu “cậu ấm sứt vòi” - chị Ly quả quyết.
Theo PGS. TS Lê Bạch Mai các bà mẹ cần hiểu rõ lợi ích của sữa mẹ ngay từ trước và trong khi mang thai. Để có đủ sữa cho con, các bà mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng từ lúc có thai; sau khi sinh con cũng cần ăn đủ chất, uống nhiều nước, sữa, rau quả, cho con bú thường xuyên... Trong điều kiện người mẹ phải chia sẻ thời gian cho công việc, cần cố gắng duy trì ít nhất 3 lần bú/ngày cho bé... Khi đi làm có thể vắt sữa để vào bình tiệt trùng, để vào tủ lạnh cho bé, vì sữa mẹ có thể bảo quản trong bình vài giờ ở nhiệt độ bình thường và trong vòng 24 giờ trong tủ lạnh.
Hành động vì thế hệ tương lai khỏe mạnh
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, tất cả trẻ nhỏ cần được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục nuôi bằng sữa mẹ đến 2 năm hoặc lâu hơn kết hợp với cho trẻ ăn thêm các bữa ăn bổ sung chế biến từ các thực phẩm giàu dinh dưỡng. Sữa mẹ cung cấp 100% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn 6 tháng đầu; 50% nhu cầu ấy cho giai đoạn từ 6 - 12 tháng tuổi. Trong năm thứ hai, sữa mẹ vẫn còn có thể cung cấp 33% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ và khả năng cung cấp này còn khoảng 10% vào năm thứ ba.
Bà Nemat Hajeebhoy – Giám đốc Chương trình Alive & Thrive Việt Nam (Chương trình nuôi dưỡng và phát triển) cho hay khi con bạn bị SDD thể thấp còi, nghĩa là bé đã ở “một thể trạng không thể khắc phục dù rằng sức khỏe hay dinh dưỡng sau này có tốt đến đâu”. TS. Đinh Phương Hòa – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế khẳng định: Về mặt khoa học và kinh nghiệm đều cho thấy rằng, tất cả các bà mẹ được ăn đủ, ngủ đủ, tư tưởng thoải mái và có niềm tin là mình có đủ sữa thì chắc chắn 6 tháng đầu sẽ đủ sữa cho con bú.
Hiện nay, khi chính sách cho lao động nữ nghỉ thai sản 6 tháng đang từng bước được tiến hành, nhiều người lo ngại rằng chính sách này sẽ được thực hiện ở các cơ quan nhà nước còn ở các doanh nghiệp thì e rằng sẽ không được chấp thuận đầy đủ. Bà Lotta Sylwander - Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, chính sách nghỉ thai sản ưu việt sẽ tạo ra một lực lượng lao động ổn định gắn bó với doanh nghiệp. “Khi người mẹ cho con bú hoàn toàn, con em họ sẽ khỏe mạnh hơn và điều này còn giúp giảm mỗi năm khoảng 208,3 tỉ đồng chi phí khám chữa bệnh do thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ kém gây ra ở Việt Nam”. Do đó, việc trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn sẽ giảm tỉ lệ các bà mẹ phải nghỉ làm chăm con ốm, gia tăng khả năng lao động của người phụ nữ.
Về vấn đề trên, bà Đỗ Thị Yên – Phó Trưởng ban nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) cho rằng, để tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ bên cạnh việc nâng cao thực hành ở các bà mẹ, các doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ tối đa cho lao động nữ. Trong một khảo sát về vấn đề này của Tổng LĐLĐVN, tỉ lệ ủng hộ của doanh nghiệp về cung cấp thông tin hoặc tổ chức toạ đàm cho phụ nữ mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ khá cao: 82,5% và 78,8%. Tuy nhiên, đi vào các vấn đề cụ thể như sẵn lòng cung cấp không gian riêng tư cho lao động nữ vắt sữa chỉ có 37% doanh nghiệp sẵn lòng, 36,4% sẵn lòng cho phép các bà mẹ có thời gian vắt sữa cho con 2 – 3 lần trong 8 tiếng làm việc và chỉ có 27,5% doanh nghiệp sẵn lòng trang bị tủ lạnh để bảo quản sữa.
Bà Trần Thị Mai Hương, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị các công sở nên thực hiện nghiêm quy định về lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 1 giờ trong tổng số 8 giờ làm việc mỗi ngày. Theo bà, những biện pháp này sẽ tạo các điều kiện cần thiết cho các bà mẹ tiếp tục duy trì cho con bú sau khi trở lại với công việc và đảm bảo sự phát triển tốt cho con trẻ.
“Chúng tôi khuyến khích các bác sĩ nhi, nữ hộ sinh, y tá, chuyên gia dinh dưỡng và các nhà thực hành y tế khác thực hiện hết sức mình trách nhiệm theo nguyên tắc quốc tế về quảng cáo/ tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ và các nghị quyết tiếp sau có liên quan của Đại hội đồng Y tế thế giới, cũng như các biện pháp quốc gia trong đó có Nghị định 21/NĐ-CP để tạo tính hiệu lực cho nguyên tắc này”. Bà Lotta Sylwander, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam
“Chính sách nghỉ thai sản tốt đã tạo ra một tác động tích cực tới mức độ tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động. Ngoài ra, ở các quốc gia nới rộng thời gian nghỉ thai sản cũng không thấy có sự ảnh hưởng nào tới sự sụt giảm thu nhập của phụ nữ. Những yếu tố này đã góp phần tạo dựng một lực lượng lao động ổn định và gắn kết với doanh nghiệp hơn, từ đó giúp gia tăng nguồn thuế và thu nhập quốc gia”. Bà Trần Thị Mai Hương Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam
“Việc trẻ em được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là một giải pháp căn bản để giải quyết tình trạng còi xương, SDD của trẻ nhỏ, hạn chế nguy cơ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm và tim mạch trong giai đoạn trưởng thành. Do đó, rất cần đến những biện pháp đồng bộ để hỗ trợ người lao động nữ có đủ điều kiện thực hiện mục tiêu này. Đây là một vấn đề mang tính nhân văn cao và có ý nghĩa to lớn đối với việc phát triển nguồn nhân lực trong tương lai của đất nước”. BS. Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ,TB&XH |
Hà Thư-Giadinh.net