Cấm các hành vi quảng cáo thái quá sản phẩm dành cho trẻ (11/05/2012)  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ
Nhằm bảo vệ và hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2006/NĐ –CP. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Y tế tình hình triển khai Nghị định 21 vẫn còn nhiều bất cập. Một số điều khoản và các chế tài xử lý vi phạm còn chưa rõ ràng nên khó khăn trong việc triển khai và xử lý vi phạm.



Khuyến khích các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ
trong 6 tháng đầu đời - Ảnh: TL

Theo Bà Nguyễn Mai Hương, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, mặc dù có nhiều điểm mạnh nhưng NĐ 21 vẫn còn nhiều bất cập khiến cho các Cty lợi dụng để tiếp tục quảng cáo các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Nhiều điều khoản và các chế tài xử lý vi phạm chưa rõ ràng nên khó khăn trong việc triển khai và xử lý vi phạm.

Kết quả báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 21 do Unicef và Bộ Y tế phối hợp thực hiện trong năm 2011 vừa công bố cho thấy, một số khái niệm trong những quy định của Nghị định đã tạo kẽ hở cho các công ty sữa và cơ sở y tế lợi dụng để thực hiện các hành vi quảng cáo và phân phối sản phẩm. Cụ thể, thiếu các định nghĩa rõ ràng cho các công ty sản xuất kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng dẫn đến hiểu nhầm trong việc ai chịu trách nhiệm tuân thủ Nghị định; Nhiều thủ thuật quảng bá của các công ty sữa bên ngoài các cơ sở y tế không được quy định trong Nghị định; Bình bú, đầu vú nhân tạo và núm vú giả chưa được quy định cụ thể... Ngoài những điểm trên, bản báo cáo cũng chỉ ra một số điểm yếu trong việc thực thi và giám sát tuân thủ Nghị định ở cấp quốc gia và cộng đồng. Điển hình như thiếu sự phối hợp và liên kết giữa các ngành trong việc thực thi Nghị định 21 do thiếu các tài liệu hướng dẫn cho các cơ quan cấp tỉnh. Số lượng thanh tra còn thiếu, trong đó hệ thống thanh tra giám sát còn chưa tốt, dẫn đến việc thanh tra giám sát chưa thường xuyên và sát sao.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nhiều trường hợp vi phạm Nghị định 21 nhưng rất khó để thanh tra tiến hành xử lý. Ví dụ như hình ảnh thế nào được coi là trẻ em dưới 12 tháng, cơ sở pháp lý nào để xử phạt vi phạm nhãn thức ăn bổ sung ( thực phẩm bổ sung) vì Khoản 2 Điều 2 giải thích từ ngữ "thức ăn bổ sung” nhưng nội dung Nghị định lại không quy định về các hành vi vi phạm nhãn thức ăn bổ sung khi phát hiện cơ sở sản suất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng vi phạm về nhãn nhưng lại được Bộ Y tế ( Cục An toàn thực phẩm) cấp phép.

Theo nhóm nghiên cứu, để bảo đảm cho trẻ được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và những tháng tiếp theo, cần sửa đổi Nghị định 21, trong đó cấm các hành vi khuyến mãi và quảng bá tất cả các sản phẩm dành cho trẻ nhỏ một cách thái quá, cấm mọi hình ảnh của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trên bao bì nhãn mác sản phẩm dinh dưỡng. Ngoài ra, cần xây dựng các qui định đầy đủ hơn về nhãn mác của bình bú, núm vú nhân tạo và núm vú giả cũng như cấm việc lợi dụng các khuyến nghị về sức khỏe, dinh dưỡng để quảng bá sản phẩm. Cấm nhân viên các công ty sữa tìm cách liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến bất kỳ phụ nữ mang thai, các bà mẹ hoặc chính trẻ nhỏ... Bên cạnh đó, phải thường xuyên giám sát, tăng cường các hình thức xử phạt có tính răn đe cao hơn đối với hành vi vi phạm Nghị định 21.

Lê Bảo
http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1482&chitiet=
Cập nhật: 11/05/2012
Lượt xem: 5469
Lên trên
Đánh giá dinh dưỡng
( Cho người trưởng thành )
Cân nặng
kg
Chiều cao
m
Kết quả B.M.I
Đánh giá
Mặt trời bé thơ - Viện Dinh dưỡng (NIN)
Địa chỉ: 48B, Tăng Bạt Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3971 7090 - Fax : (84-4) 3971 7885 - Email: ninvietnam@viendinhduong.vn
© 2011 mattroibetho.vn. Số đăng ký 180/GP-TTĐT. Cấp ngày 10/10/2011 - Thiết kế website bởi BICWeb.vn™