Vì sao mẹ không cho con bú  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ
Từ lúc sinh ra, con gái của Ngọc không được hưởng một giọt sữa nào từ người mẹ. Lý do duy nhất Ngọc đưa ra là cho con bú hỏng ngực. Ngọc muốn giữ ngực mình đẹp như thời con gái.

Sợ ảnh hưởng đến công việc, sợ hỏng ngực….một số bà mẹ trẻ ngày nay đã tước đoạt niềm hạnh phúc thiêng liêng được bú dòng sữa mẹ của chính những đứa con đẻ của mình, khiến con mình không được thụ hưởng dòng nữa mát lành của mình mà không hề ý thức được vai trò quan trọng của việc làm này….

1001 lý do trốn cho con bú…

Mặc dù cho đứa con gái bé bỏng chưa đầy tháng tuổi khóc ngằn ngặt trên tay, hai vạt áo ướt đẫm sữa, Hồng Ngọc (Gia Lâm, Hà Nội) vẫn nhất quyết không cho con bú. Chị giúp việc vội vã lấy bình pha sữa cho con bé khỏi hờn. Từ lúc sinh ra, con gái của Ngọc không được hưởng một giọt sữa nào từ người mẹ. Ai nói sao Ngọc cũng nhất quyết không cho con bú. Lý do duy nhất Ngọc đưa ra là cho con bú hỏng ngực. Ngọc muốn giữ ngực mình đẹp như thời con gái.

Trên thực tế, không chỉ Ngọc mà còn rất nhiều bà mẹ trẻ khác không cho con bú. Đang quen vui chơi, ăn ngủ thoải mái… giờ phải nuôi con mọn, Thu An ( Phủ Lý – Hà Nam) thấy khó chịu vô cùng. Ăn thì phải ăn kiêng, ngủ không được trọn giấc, chốc chốc phải cho con ti, đi chơi cũng không được thoải mái. Cho con bú, An cảm thấy như bị cực hình. Không chịu được khổ, được vài tuần, An tuyên bố với cả nhà sẽ nuôi con bằng sữa ngoài. Nói là làm, An vác về nhà 4 hộp sữa ngoại và “bàn giao” cho bà nội và bà ngoại chăm cháu. “Uống sữa ngoài ai chăm cũng được chẳng cần mẹ  nó phải nhúng tay vào. Mình có thời gian chơi thoải mái, kéo dài tuổi xuân, tội gì phải khổ”, An nói.

Việc quảng cáo rầm rộ của các hãng sữa cũng là lý do làm cho trào lưu “nuôi bộ” ngày càng gia tăng. Các hãng sữa đua nhau quảng cáo thổi phồng giá trị dinh dưỡng của sản phẩm sữa bột và không ít các bà mẹ trẻ “sập bẫy”. Họ không biết rằng,  trong sữa mẹ đều có đầy đủ các sản phẩm giàu lượng DHA và AA quan trọng cho sự phát triển trí tuệ của trẻ. Những thành phần đó có  trong sữa mẹ theo một tỉ lệ phù hợp nhất cho sự phát triển não bộ của trẻ. Chị Hoa ở đường Cầu Giấy đã dốc hết tiền để “sưu tầm” hàng chục loại sữa được quảng cáo là: phát triển trí não, tăng sức đề kháng, thông minh kiệt xuất. Để cho con uống những lại sữa này, chị Hoa đã bắt con cai  sữa mẹ tù khi 3 tháng tuổi. Chẳng biết có tăng sức đề kháng đến đâu, chỉ biết rằng mới 5 tháng con chị Hoa đã vài lần đi bác sỹ vì tiêu chảy và chị Hoa vẫn luẩn quẩn trong vòng: Tìm sữa – con tiêu chảy –Thay sữa khác….


Vì sao mẹ không cho con bú? - 1

Thái độ xã hội là nguyên nhân

Các nghiên cứu cho thấy, sữa mẹ là nguồn thức ăn lý tưởng cho trẻ nhỏ. Sữa mẹ thường xuyên được giữ ở nhiệt độ 37oC, rất phù hợp với thân nhiệt của trẻ, đồng thời tuyệt đối vệ sinh an toàn cho hệ tiêu hóa trẻ sơ sinh.

Nuôi con bằng sữa mẹ giảm nguy cơ và độ nguy hiểm của các bệnh viêm nhiễm ở tai, tiêu chảy, viêm màng não vi khuẩn ở trẻ nhỏ và có thể giúp ngăn ngừa trẻ tử vong trong khi ngủ, ngừa bệnh tiểu đường, béo phì và hen suyễn. Cho con bú sữa mẹ sẽ thuận lợi và kinh tế vì không phụ thuộc vào giờ giấc, không cần đun nấu hay vệ sinh các dụng cụ pha chế. Sữa mẹ đáp ứng tất cả các nhu cầu dinh dưỡng của trẻ với những thành phần đặc biệt phù hợp cho sự phát triển cả về trí não, thể chất. Và rất quan trọng cho việc tạo nên khả năng miễn dịch, ngăn ngừa nhiễm bệnh ở trẻ. Hơn thế nữa, cho con bú làm giảm nguy cơ bị ung thư vú  và ung thư buồng trứng cho người mẹ. Khi cho bú, người mẹ có nhiều thời gian gần gũi với con, điều này rất có ích cho việc phát triển hài hòa tâm sinh lý của đứa trẻ.

Bà Lotta Sylwander, trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc ( UNICEF) tại Việt Nam cho hay: "Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời của trẻ có thể giúp cứu sống được 13 % số trẻ dưới 5 tháng tuổi bị tử vong…”

Từ đó có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu là thái độ xã hội, trong đó thiếu sự hỗ trợ của cộng đồng, nhất là người chồng, các bậc ông, bà, sự bận rộn của phụ nữ bởi công việc nhiều trong ngày, thiếu kiến thức đã khiến các bà mẹ không ý thức được vai trò quan trọng sống còn của việc làm này.

Bố chăm chỉ, con được bú nhiều hơn

Để “đòi lại” quyền lợi cho trẻ nhỏ, chiến dịch truyền thông “Sữa mẹ - Cùng nói lời yêu thương” do Bộ Y tế, Liên hợp quốc và dự án Nuôi dưỡng và Phát triển ( Alive & Thrive) đã đồng tổ chức với mục tiêu thu hút sự tham gia và huy động nhiều đối tác có liên quan, các ngành, các gia đình, chủ doanh nghiệp, nhân viên y tế, cơ quan lập pháp, các tổ chức đoàn thể, tổ chức phát triển và các mạng lưới xã hội v..v nhằm tạo ra một môi trường đầy đủ thông tin, mang tính hỗ trợ, tạo điều kiện cho các bà mẹ cho con bú ngay trong giờ đầu tiên sau khi sinh, cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho con bú đến 24 tháng tuổi.

Muốn được như vậy,  ngay trong gia đình, các thành viên cần động viên tinh thần, giảm bớt các gánh nặng công việc nhà và xã hội cho các bà mẹ khi phải đi làm vẫn có thể duy trì cho con bú. Người chồng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ người vợ thực hiện được thực hành chăm sóc con nhỏ đúng cách, còn bản thân các bà mẹ cũng cần cố gắng và kiên nhẫn thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ bằng mọi cách.

Thùy Dương – Pháp Luật Việt nam
Bài tham dự cuộc thi viết về Nuôi dưỡng Trẻ nhỏ


Cập nhật: 28/03/2012
Lượt xem: 7998
Lên trên
Đánh giá dinh dưỡng
( Cho người trưởng thành )
Cân nặng
kg
Chiều cao
m
Kết quả B.M.I
Đánh giá
Mặt trời bé thơ - Viện Dinh dưỡng (NIN)
Địa chỉ: 48B, Tăng Bạt Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3971 7090 - Fax : (84-4) 3971 7885 - Email: ninvietnam@viendinhduong.vn
© 2011 mattroibetho.vn. Số đăng ký 180/GP-TTĐT. Cấp ngày 10/10/2011 - Thiết kế website bởi BICWeb.vn™