Sữa non là một chất dịch lỏng, màu vàng, dính. Nó được tiết ra trong vài ngày đầu sau khi sinh. Lượng sữa non tiết ra thay đổi tùy theo từng người, thông thường từ khoảng 10 - 100ml/ngày và trung bình là 30ml/ngày. Sự tiết sữa này tăng lên dần dần và đạt tới thành phần của sữa bình thường sau vài ngày.
Sữa non chứa ít lactose, chất béo (có 2g/100ml) và các vitamin tan trong nước hơn sữa bình thường (sữa trưởng thành) nhưng nhiều protein và các vitamin tan trong chất béo hơn bao gồm vitamin A (cao gấp 2 lần sữa trưởng thành), vitamin E và vitamin K. Ngoài ra nó còn có thêm một số chất khoáng như sắt, kẽm… Sắt và kẽm, những dưỡng chất vi lượng thiết yếu quan trọng đối với trẻ sơ sinh, có nồng độ cao trong sữa non.
Trong sữa non còn tập trung cao các tế bào miễn dịch, trong đó có thành phần hòa tan bao gồm immunoglobulin (IgA-IgM-IgG) lysozyme và các enzym khác, lactoferin và cả các thành phần tế bào bao gồm tế bào lympho, bạch cầu hạt trung tính và các tế bào biểu mô; những tế bào này có thể thực bào và tiêu diệt vi khuẩn nhưng chúng cũng có thể điều biến hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh bằng cách sản xuất các cytokin, những chất trung gian miễn dịch hòa tan, chúng có thể kích thích các tế bào miễn dịch ở trẻ sơ sinh ví dụ TGF-beta có thể giảm viêm ở ruột, giảm dị ứng và kích thích sự sản xuất IgA ở ruột.
Cho trẻ bú ngay sau khi sinh để tận hưởng nguồn sữa non quý giá. Ảnh: V.Nhi |
Nhiều nghiên cứu cho thấy, miễn dịch của người mẹ được truyền sang trẻ sơ sinh qua một cơ chế được gọi là chuyển dời ruột - vú. Với cơ chế này, các kháng thể chống tác nhân gây bệnh mà người đã phơi nhiễm được chuyển vào sữa mẹ, cung cấp sự bảo vệ chống nhiễm khuẩn cho em bé.
Sữa non còn chứa rất nhiều ganglioside, một nhóm glycosphingolipid quan trọng đối với sự phát triển não, chúng không những cung cấp vật liệu xây dựng cho sự phát triển sớm của não mà còn hoạt động như các thụ thể đích để vi khuẩn dính vào và ảnh hưởng đến hệ miễn dịch ruột.
Sữa non đáp ứng đầy đủ các nhu cầu đặc trưng của trẻ mới sinh như thận của trẻ còn non nớt, không thể xử lý một lượng lớn các chất lỏng mà không gây ra các stress về trao đổi chất, sự sản xuất lactaza và các enzym khác ở ruột chỉ vừa mới bắt đầu, các chất chống ôxy hóa đều cần thiết cho việc bảo vệ chống lại sự phá hoại của các chất ôxy hóa và bệnh xuất huyết. Các immmoglobulin bao bọc lớp nền thành ruột còn non nớt, ngăn chặn sự thâm nhập của vi khuẩn, virut, vật ký sinh và các vi khuẩn gây bệnh khác, đồng thời các yếu tố phát triển kích thích các hệ thống của bản thân đứa trẻ.
Chính vì những lợi ích to lớn như vậy, cần cho trẻ bú sớm sau sinh. Nếu mẹ sinh thường, có thể cho con bú ngay trong vòng 30 phút đến một giờ sau sinh. Mẹ sinh mổ, thời gian bắt đầu khoảng 6 giờ sau mổ sinh, vì mẹ phải hồi phục sau tác dụng của thuốc gây tê. Thường sau 6 giờ, nếu hậu phẫu ổn, người mẹ được chuyển phòng để nằm cạnh con và tập cho con bú. Con cần nằm cùng giường với mẹ. Sự tiếp xúc mẹ con có tác động tinh thần giúp người mẹ mau xuống sữa.
Bác sĩ Hồng Nhung - Báo Sức khỏe & đời sống