Khi con bạn được 1 tuổi, bé đã có thể ăn thức ăn cứng hơn như thức ăn của người lớn.
Khi chế biến và cho trẻ ăn thức ăn bổ sung, nhớ đảm bảo những điều sau:
Tần suất: Cho trẻ ăn bổ sung 3-4 bữa/ ngày. Xen giữa các bữa chính, bạn cũng cần cho trẻ ăn thêm các bữa phụ như hoa quả, lòng đỏ trứng luộc chín kỹ hoặc sữa chua, khoai lang luộc, cà rốt. Bạn có thể cho trẻ ăn 1-2 bữa phụ/ ngày.
Số lượng: Ăn ít nhất ba phần tư (3/4) bát tăng dần lên một bát 250ml mỗi bữa.
Đa dạng: Để phát triển tốt, trẻ cần được ăn nhiều loại thức ăn khác ngoài gạo.
Cháo đặc: ¾ bát cháo đặc tương đương với 5 thìa cà phê gạo (330g)
Thêm nước lọc nếu cần.
Thịt lợn/cá/tôm/thịt gà/ thịt bò băm nhỏ: 3-4 thìa cà phê (32g).
Rau củ nghiền (cà rốt, bí đỏ…) hoặc rau xanh thái nhỏ: 3-4 thìa cà phê.
Dầu: 2 thìa cà phê.
Nước mắm: 1 thìa cà phê (nên dùng nước mắm bổ sung chất sắt) không nên dùng quá nhiều nước mắm vì không tốt cho trẻ, có thể tăng gia vị bằng cách thêm vừng lạc giã nhuyễn.
Hãy thử các loại rau khác nhau và thay đổi các loại tôm/ cá/ thịt mỗi bữa để làm đa dạng hương vị và kích thích trẻ ăn nhiều hơn.
Hãy nhớ tiếp tục cho trẻ bú mẹ, đặc biệt vào ban đêm. Ở tuổi này (từ 12 đến 14 tháng tuổi):
Sữa mẹ vẫn cung cấp khoảng một phần ba nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.
Sữa mẹ tiếp tục cung cấp kháng thể để bảo vệ trẻ ngay lập tức và lâu dài.
Sữa mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển của não bộ và sự hoàn thiện của hệ thống tiêu hóa của trẻ.
Không cần cho trẻ uống loại sữa nào khác nếu bạn vẫn cho trẻ bú.
Nguồn: A & T