Hen phế quản là bệnh dị ứng mạn tính rất thường gặp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay có khoảng hơn 300 triệu người mắc hen, dự đoán đến năm 2025 con số đó sẽ là 400 triệu người.
Một nghiên cứu khác được tiến hành năm 2007 của bác sỹ Hoàng Thị Lâm và cộng sự cho thấy, tỉ lệ hen phế quản ở những người từ 21 - 70 tuổi sống ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) là 5,6%, ở huyện Ba Vì (Hà Nội) là 3,9%.
Bệnh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, gia đình và cả xã hội. Các triệu chứng của hen phế quản xảy ra chủ yếu ở đường hô hấp. Trong đợt cấp nặng, bệnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động thể lực của bệnh nhân. Những đợt cấp này, bệnh nhân phải nhập viện điều trị và thậm chí có thể tử vong nhanh chóng nếu diễn biến quá nặng.
TS. BS Hoàng Thị Lâm -Phòng khám Dị ứng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, triệu chứng của hen là khò khè, khó thở, thở rít, nặng ngực, và ho đặc biệt về đêm.
Các triệu chứng có xu hướng tái đi tái lại, đặc biệt khi bị cảm cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, khi thay đổi thời tiết hoặc khi hít, tiếp xúc với các chất kích thích.
Có nhiều yếu tố kích thích khởi phát hoặc làm nặng bệnh hen phế quản nhưng hay gặp là nhiễm virus, tiếp xúc với các dị nguyên (bọ nhà, bụi nhà, gián, phấn hoa, nấm mốc….), các loại khói như khói hương, khói thuốc lá… Ngoài ra, khi gắng sức, rối loạn cảm xúc cũng có thể gây ra đợt cấp của hen phế quản. Một số thuốc như thuốc chẹn thụ thể bê-ta, aspirin và một số thuốc chống viêm giảm đau không steroid cũng là yếu tố nguy cơ đối với bệnh nhân hen phế quản.
Đợt cấp của hen có thể xảy ra bất kể lúc nào, thậm chí với cả những người đang được điều trị hen, mặc dù với mức độ nhẹ hơn rất nhiều so với những người không điều trị. Nếu không điều trị, những người này sẽ dễ dàng có đợt hen cấp nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sỹ điều trị, tránh các yếu tố nguy cơ có tác dụng rất tốt với bệnh nhân hen. Nó giúp giảm tần suất các triệu chứng, làm giảm nguy cơ đợt cấp nặng đối với bệnh nhân hen phế quản.
Mặc dù là bệnh mãn tính, có thể ảnh hưởng đến hoạt động thể lực, nhưng nhiều vận động viên điền kinh, các nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới vẫn sống khỏe mạnh và hạnh phúc cho dù họ mắc bệnh hen phế quản. Vậy hãy tới gặp bác sỹ để có được cuộc sống với chất lượng tốt nhất.
Tri Thường - Giadinh.net