Cách nào biết trẻ bị viêm xoang?  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ

Trẻ nhỏ bị viêm xoang là một biến chứng của viêm đường hô hấp trên. Trẻ thường bị viêm mũi với các triệu chứng: hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi... Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển thành viêm xoang. Nhưng làm sao để biết trẻ bị viêm xoang? Câu trả lời có trong bài viết sau đây.

Ở người trưởng thành, các cặp xoang đã phát triển đầy đủ, là một hệ thống rỗng trong các xương hàm, xương sàng, xương trán, xương bướm trong não, tương ứng gọi là xoang hàm, xoang sàng, xoang trán và xoang bướm. Còn ở trẻ nhỏ, từ khi mới sinh ra đã có sẵn xoang hàm ở trong xương gò má, xoang sàng nằm ở trần giữa 2 hố mắt nên trẻ thường bị viêm xoang ở 2 vị trí này. Khi trẻ lớn lên, các xoang khác mới phát triển dần như người trưởng thành.

Các vị trí xoang dễ bị viêm ở trẻ em.

Các vị trí xoang dễ bị viêm ở trẻ em.

Trẻ bị viêm xoang chủ yếu là do nhiễm khuẩn từ họng, mũi, phế quản... vào xoang. Đối với trẻ hay bị viêm mũi, viêm họng, amidal, viêm đường hô hấp trên mà không được phát hiện sớm và điều trị tích cực thì rất dễ dẫn đến viêm xoang.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm xoang

Trẻ nhỏ thường bị viêm đường hô hấp trên với các triệu chứng: sốt, ho, sổ mũi, quấy khóc. Các triệu chứng này thường giảm và tự khỏi sau 5 - 7 ngày. Nếu thấy các triệu chứng trên kéo dài hơn hoặc diễn tiến nặng hơn thì rất có thể trẻ đã bị viêm xoang cấp tính với những biểu hiện như sau: trẻ có triệu chứng như cảm cúm kéo dài 10 - 14 ngày. Sốt 3 - 4 ngày liên tục. Sổ mũi đục, xanh hoặc vàng. Trẻ kêu đau họng, ho, khạc đờm, khò khè, khó thở, nôn, buồn nôn. Trẻ nhỏ thì quấy khóc, mệt mỏi. Sưng quanh mắt. Một số trẻ có biểu hiện ho, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau đầu và nghẹt mũi kéo dài hơn 2 tuần mà chưa được điều trị dứt điểm. Trường hợp trẻ thường xuyên mắc bệnh viêm đường hô hấp tái phát nhiều lần trong một năm, có thể trẻ đã bị viêm xoang mạn tính.

Cha mẹ khi thấy con có các triệu chứng nói trên thì cần đưa trẻ đến bệnh viện khám càng sớm càng tốt, nhất là đối với các bé dưới 6 tuổi để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh cho trẻ uống khi không có chỉ định của bác sĩ.

Hầu hết các trường hợp trẻ đến khám, bác sĩ sẽ dựa vào những triệu chứng lâm sàng kết hợp với việc soi đèn khám tai, mũi, họng, ấn một số điểm trên mặt bệnh nhi để xác định điểm đau, sưng tấy... Bác sĩ chuyên khoa có thể soi bằng dụng cụ chuyên khoa đặc biệt để nhìn được vào trong hốc mũi, các hốc rỗng của xoang để định bệnh. Xét nghiệm cần thiết như cấy mủ, cấy chất nhầy của xoang nhằm tìm vi khuẩn để có thể chẩn đoán chính xác bệnh và vi khuẩn gây bệnh. Đối với một số trường hợp đặc biệt, bệnh diễn tiến nặng hoặc khó chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp Xquang để phát hiện tổn thương bệnh lý của xoang.

Chăm sóc, điều trị viêm xoang cho trẻ

Trong thời gian điều trị viêm xoang cho trẻ, cha mẹ cần chú ý vừa cho con uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, vừa tích cực dùng nước muối sinh lý để nhỏ mũi thường xuyên cho trẻ nhằm rửa mũi và giúp trẻ xì sạch những dịch viêm trong mũi của trẻ. Nâng cao thể trạng cho trẻ bằng việc cho ăn uống đầy đủ chất và lượng. Chú ý cho trẻ uống nhiều nước và ăn nhiều các loại hoa quả chứa vitamin A, C, nhóm B.

Điều nên tránh là cha mẹ không nên tự ý mua cho trẻ dùng các loại thuốc chống sung huyết mũi dạng phun sương hoặc thuốc chống nghẹt mũi khi không có chỉ định của bác sĩ vì làm như vậy có thể ảnh hưởng đến huyết áp, tim mạch hoặc gây ra tình trạng chảy mũi bù trừ hay làm cho trẻ bị khô mũi quá mức.

Biện pháp phòng bệnh

Bệnh viêm xoang ở trẻ nhỏ thường xảy ra sau khi trẻ bị viêm nhiễm mũi, họng hoặc sau cảm cúm. Vì vậy, cần phòng tránh tốt các bệnh này để giảm thiểu nguy cơ viêm xoang cho trẻ. Muốn thế, cần huấn luyện cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên hoặc sau khi tiếp xúc với đồ chơi, đồ vật trong phòng để tránh bị lây các bệnh qua tay bẩn. Trong nhà ở, cần thường xuyên quét, lau sạch bụi bẩn ở đồ nội thất và sàn nhà. Thường xuyên mở của sổ, bật quạt giúp thông thoáng không khí trong phòng. Vào những ngày thời tiết lạnh của mùa thu đông, cần mặc ấm cho trẻ, nhất là giữ ấm vùng cổ. Khi trẻ ra ngoài hay đi học, luôn luôn đeo khẩu trang để tránh hít phải khói, bụi, vi khuẩn lây bệnh từ môi trường.

BS. Đinh Lan Anh - Suckhoedoisong.vn
Cập nhật: 30/10/2014
Lượt xem: 4051
Lên trên
Đánh giá dinh dưỡng
( Cho người trưởng thành )
Cân nặng
kg
Chiều cao
m
Kết quả B.M.I
Đánh giá
Mặt trời bé thơ - Viện Dinh dưỡng (NIN)
Địa chỉ: 48B, Tăng Bạt Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3971 7090 - Fax : (84-4) 3971 7885 - Email: ninvietnam@viendinhduong.vn
© 2011 mattroibetho.vn. Số đăng ký 180/GP-TTĐT. Cấp ngày 10/10/2011 - Thiết kế website bởi BICWeb.vn™