Dự kiến của Chính phủ nâng thời gian nghỉ thai sản hiện nay lên thêm từ 1 đến 2 tháng đã nhận được sự tán thành của hầu hết thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Có cả đề xuất chế độ nghỉ vài tuần cho các ông chồng.
Bàn chuyện sửa Bộ luật lao động sáng nay (5/10), rất nhiều ủy viên UBTVQH nhắc lại chuyện luật từng cho phép phụ nữ được nghỉ thai sản 6 tháng để đảm bảo trẻ được nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Không có lý do gì để chủ trương mang tính nhân đạo này không được áp dụng trở lại, thậm chí nhiều người còn đề xuất chế độ nghỉ (đảm bảo lương 100%) một vài tuần cho các ông chồng.
Nghỉ thai sản linh hoạt 4 hoặc 6 tháng
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho hay, dự thảo luật lần này sửa quy định cũ theo hướng tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 5 tháng với người làm việc trong điều kiện bình thường. Riêng lao động khuyết tật và lao động nữ làm các công việc nặng nhọc, độc hại (có trong danh mục) sẽ được nghỉ 6 tháng.
|
Lao động nữ có thể được nghỉ 6 tháng thai sản. Ảnh minh họa: Báo Hải Phòng
|
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại khẳng định, dù là con của người lao động khuyết tật hay lao động bình thường cũng đều cần phải nuôi bằng sữa mẹ. Do đó, mọi sản phụ đều có quyền được nghỉ thai sản 6 tháng.
Nhưng, thực tế có nhiều trường hợp người mẹ bị mất sữa sớm hoặc do hoàn cảnh kinh tế khó khăn muốn đi làm sớm kiếm tiền và không có nhu cầu nghỉ tới nửa năm. Bởi vậy, để bao quát được mọi nhu cầu và đối tượng, theo bà Ngân, nên chăng Luật vẫn đưa ra quy định về quyền được nghỉ thai sản 6 tháng, nhưng có thêm một điều kiện mở, đó là, tùy từng trường hợp và nhu cầu mà người mẹ có thể đi làm sớm, và cũng không được sớm quá 4 tháng.
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng đề xuất mức "sàn" (4 tháng) và "trần" (6 tháng) tương đối linh hoạt để dễ dàng phù hợp cho mọi đối tượng. Trên cơ sở đó, người mẹ có quyền lựa chọn và quyết định thời gian nghỉ cho phù hợp với cuộc sống, công việc và hoàn cảnh kinh tế. Theo tính toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội hiện nay, nếu nâng thời gian nghỉ lên 6 tháng thì quỹ bảo hiểm vẫn "gánh" được.
Đề xuất nâng thời gian nghỉ lên 6 tháng được đa số ủy viên Thường vụ khác tán thành. Nói như Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, trong thực tế rất nhiều phụ nữ đã phải xin nghỉ không lương thêm 1, 2 tháng. Phụ nữ làm công việc lao động chân tay hay trí óc thì sau khi sinh đều cần được nghỉ dưỡng, chăm sóc giống nhau. Chủ trương này chẳng những tốt đẹp cho trẻ nhỏ mà còn là sự quan tâm, chăm sóc của xã hội với người phụ nữ.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước còn bổ sung, ngoài việc quan tâm đến mẹ, nên chăng cũng cần có ưu đãi nào đó dành cho người cha. Đặc biệt với những người cha phải "gà trống nuôi con".
Theo giải trình của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhiều cơ quan, tổ chức khi đóng góp ý kiến cho dự thảo luật thậm chí còn kiến nghị bổ sung chế độ cho người chồng được nghỉ từ một đến hai tuần sau khi vợ sinh (hưởng 100% lương).
"Chốt" lại vấn đề, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, nên nghiên cứu phương án nâng quyền được nghỉ của người mẹ lên 6 tháng và mức sàn phải là 5 tháng. Người mẹ có thể được quyền lựa chọn đi làm sớm, nhưng không được sớm hơn 5 tháng.
Vấn đề này sẽ được Quốc hội thảo luận trong kỳ họp thứ hai diễn ra vào cuối tháng mười.
Không được để nhà đầu tư lợi dụng "lương tối thiểu"
Nhiều vấn đề khác liên quan đến quyền lợi của người lao động cũng được đưa ra mổ xẻ, chẳng hạn, vấn đề đình công, lương bổng, làm thêm giờ, lao động giúp việc nhà... Có ý kiến cho rằng, giải quyết được tận gốc vấn đề lương bổng sẽ góp phần "gỡ" các nút thắt khác. Khảo sát của Tổng liên đoàn lao động VN đã chỉ ra, mức lương hiện nay tại các DN chỉ đáp ứng được 60 - 70% nhu cầu sống tối thiểu.
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, mức lương tối thiểu phải bảo vệ người lao động dễ bị tổn thương. Lao động phổ thông đang chiếm tỷ trọng lớn, do đó, rất cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu theo vùng. Nhưng tương lai, khi nhóm lao động tay nghề cao tăng lên, luật phải điều chỉnh theo hướng chỉ công bố mức lương tối thiểu với nhóm ngành, nghề mà người lao động có khả năng rơi vào tình trạng yếu thế. Quy định này nhằm hạn chế việc không ít DN lợi dụng mức lương tối thiểu như là lương tham chiếu để rồi trả tiền ở mức tối thiểu.
Điều này được Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa gọi là "kẽ hở pháp luật". Đa số DN nước ngoài đầu tư ở VN để khai thác lợi thế "nhân công giá rẻ" đều tranh thủ kẽ hở này để trả lương thấp cho người lao động.
Ông Khoa còn chỉ ra một nghịch lý cần được điều chỉnh là ở các DN đầu tư nước ngoài, nhân công phải bỏ sức lao động nhiều nhưng lương hầu như không đảm bảo đời sống. Trong khi đó, lao động ở nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước dù làm ăn thua lỗ nhưng vẫn hưởng lương, thưởng cao.
Cũng liên quan đến chuyện giá nhân công rẻ mạt, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chia sẻ thêm, cũng là DN sản xuất xi măng, nhưng nếu như công nhân ở các DN trong nước được trả từ bốn đến năm triệu thì DN đầu tư nước ngoài ngay bên cạnh chỉ được trả hai đến ba triệu. "Luật phải điều chỉnh lại để nhà đầu tư không lợi dụng được kẽ hở này", ông Dũng đề xuất.
Dự án luật đưa ra quy định về tiền lương tối thiểu ngành do thỏa ước lao động tập thể ngành quyết định. Nhưng, theo Ủy ban các vấn đề xã hội, đây là quy định khó khả thi vì điều kiện để xây dựng thỏa ước lao động ngành còn hạn chế. Hiện, mới chỉ có thỏa ước lao động ngành dệt may Bình Dương với 13 DN tham gia. Tại đây, một số chế độ cho người lao động được thỏa thuận cao hơn như lương tối thiểu và tiền ăn ca.
Tóm lại, nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, bản chất của các ông chủ là lợi nhuận. Do đó, luật sửa đổi phải giải quyết được tận gốc vấn đề tiền lương, từ đó sẽ giải quyết được chuyện đình công.
Thường vụ còn góp ý cho ban soạn thảo nhiều nội dung khác như đình công, lao động trái phép nước ngoài, lao động trẻ em... Dự án luật sẽ còn được sửa đổi trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp thứ hai sắp tới.
Từ khi Luật lao động có hiệu lực thi hành (năm 2005) đến 2010, cả nước đã xảy ra hơn 5.000 cuộc đình công. Trong đó, từ năm 2006 đến tháng 7/2010, số cuộc đình công tăng đột biến so với 10 năm trước đó (chiếm 73%). (Trích Phụ lục Báo cáo thẩm tra Ủy ban các vấn đề xã hội). Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, không có cuộc đình công nào trong số 5.000 cuộc đó diễn ra đúng pháp luật. |
Lê Nhung