Sẽ hết cảnh con đói sữa, mẹ thì vắt bỏ  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ
(Dân trí) - Con 4 tháng tuổi phải uống sữa ngoài vì mẹ đi làm là tình cảnh chung của lao động nữ... Ông Nguyễn Trọng An (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ-Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) đã chia sẻ quan điểm về việc nâng thời gian nghỉ sinh của lao động nữ lên 6 tháng.
Đó là một trong nhiều nguyên nhân mà Bộ Lao động - thương binh và xã hội sẽ trình dự thảo vào kỳ họp quốc hội tháng 10 tới để thai phụ được nghỉ 6 tháng sau sinh con.  
 
Ông Nguyễn Trọng An, Cục phó Cục Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em
 
Thưa ông, lý do gì để Bộ lao động, thương binh - xã hội đưa ra dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi, trong đó có chính sách nâng thời gian nghỉ thai sản từ 4 lên 6 tháng sau sinh?

Trong công ước quốc tế, quy định rõ trẻ em được quyền được hưởng nguồn sữa mẹ và được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ. Nhà nước Việt Nam, Bộ Y tế cũng thực hiện khuyến cáo của WHO, khuyến khích các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Khuyến cáo như vậy nhưng lại chỉ cho thai phụ nghỉ 4 tháng sau sinh thì làm sao họ có thể thực hiện được khuyến cáo này. Trẻ mất quyền được hưởng nguồn sữa mẹ. Và thực tế, ở Việt Nam chỉ gần 18% bà mẹ cho con bú được 6 tháng.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền của trẻ là được hưởng nguồn sữa mẹ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ cũng như thai phụ.

Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Việt Nam là một trong 16 nước có tỉ lệ suy dinh dưỡng cao nhất thế giới. Trẻ VN vừa ngắn, vừa gầy gò. So với các nước, người Việt thấp và bé. Trong khi đó, trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vừa giảm nguy cơ suy dinh dưỡng, giảm nguy cơ nhiễm bệnh giảm các bệnh chuyển hóa sau này như béo phì, tim mạch, đột quỵ, ung thư, đái đường…
 
Còn bà mẹ được nghỉ hoàn toàn 6 tháng sau đẻ thì khả năng tái sản xuất sau này là rất cao do đã khỏe khoắn, bớt ốm yếu sau đẻ.

Thực tế, việc không được nghỉ thai sản 6 tháng đã phát sinh nhiều vấn đề như người mẹ đi làm không yên tâm, rồi khi con đau ốm phải nghỉ không lương... Việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản cho người mẹ có khắc phục triệt để được những vấn đề này không, thưa ông?

Bộ giáo dục cũng đã có quy định các trường phải nhận trẻ 3 tháng tuổi (nhưng đến nay không có cơ sở nào thực hiện được vì không đủ điều kiện. Còn tại các công trường, xí nghiệp, nhà máy thì hầu như đều không có nhà trẻ bên cạnh. Em bé mới 4 tháng tuổi phải bỏ ở nhà cho mẹ đi làm. Mà tại nơi làm việc lại không có phòng cho trẻ bú, đó là sự thiệt thòi cho cả người mẹ và em bé. Còn sau 6 tháng, em bé đã cứng cáp hơn, việc chăm sóc cũng dễ dàng hơn. Như vậy việc chăm sóc trẻ trong thời kỳ này của hệ thống nhà trẻ mẫu giáo gần như là không thể thực hiện.

Ở các nước, nếu không được nghỉ 6 tháng thì nơi làm việc luôn có nơi cho trẻ bú. Ngay các cơ quan nước ngoài đóng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn, người ta cho phép mang trẻ tới cơ quan để bú mẹ nhưng ở các cơ quan khác thì không có quy định như vậy, nếu có mang đến thì cũng không có nơi cho trẻ bú.

Được bú mẹ là quyền của trẻ em và nó mang lại lợi ích về sức khỏe cũng như kinh tế cho cả mẹ và bé. Ảnh: H.Hải
 

Nếu dự thảo sửa đổi này được đồng ý, ông cho rằng mang lại hiệu quả gì với cả sản phụ và em bé? Ngoài ra, việc nghỉ ở nhà cũng có nghĩa thêm 2 tháng lương được hưởng từ BHXH rất thấp, liệu họ có thể ổn định cuộc sống?

Tôi xin khẳng định, không chỉ được về mặt sức khỏe, y tế mà còn được cả về kinh tế. Vì qua khảo sát 70% lao động nữ thu nhập từ 2 - 2,5 triệu/tháng. Theo tính toán của chúng tôi, nếu dành tiền chỉ riêng cho việc mua sữa mỗi tháng mất từ 1,7 - 2 triệu/tháng, chưa kể chi phí thuê người chăm sóc cũng vậy. Trong khi đó, thu nhập như vậy, liệu có đảm bảo. Mà chua xót nhất là tình trạng bà mẹ ở cơ quan thì bầu vú căng tròn, phải vắt bỏ cho đỡ đau tức thì ở nhà, con phải uống sữa ngoài.

Hơn nữa, việc nghỉ 6 tháng tạo thuận lợi cho người mẹ. Vì con nhỏ, hay ốm đau sau 4 tháng do đó nếu muốn nghỉ thêm là phải nghỉ không lương.

Chỉ có cái làm thế nào họ nghỉ ở nhà 6 tháng đảm bảo cho cuộc sống như thế nào vì phúc lợi xã hội thấp. Những nước khác họ nghỉ 3 tháng nhưng quyền lợi bà mẹ, trẻ em, hỗ trợ nhà nước rất cao.

Khảo sát kéo dài 1 tháng trên Dân trí về nguyên nhân dẫn tới tình trạng chưa tới 20% trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, giảm 50% so với cách đây 10 năm và thấp hơn nhiều tỉ lệ trung bình của thế giới (35%), thì 69% (17.442) bạn đọc cho rằng đó là do người mẹ không được nghỉ thai sản đủ 6 tháng. Còn lại, 15% (3.870) bình chọn cho rằng là do người mẹ chưa biết cách cho con bú đúng và bảo vệ nguồn sữa của mình; 11% (2.707) bình chọn tin rằng quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ đã khiến các bà mẹ không tin vào chất lượng sữa mẹ; 5% lại là các ý kiến khác.

Ông đánh giá như thế nào về sự đồng thuận của cộng đồng với dự thảo sửa đổi này?


Tôi nghĩ rằng, vì quyền lợi của trẻ em và phụ nữ, các đại biểu đều mong muốn kéo dài thời gian nghỉ thai sản. Mới đây, chúng tôi cũng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến sửa đổi luật ở cả hai miền Nam - Bắc thì gần như 100% đại biểu đều đồng tình. Chỉ có một số rất ít đại biểu còn lo ngại bởi cho rằng việc tăng thời gian nghỉ thai sản sẽ khiến BHXH không chi trả nổi, lo ngại doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ sẽ gặp khó khăn…

Về vấn đề này, chúng tôi đã mời các chuyên gia BHXH tới bàn bạc và họ khẳng định, nếu luật lao động được chỉnh sửa, thai phụ nghỉ 6 tháng thì quỹ bảo hiểm vẫn được đảm bảo.

Với các doanh nghiệp, chúng tôi vừa phối hợp làm nghiên cứu d0anh nghiệp lớn ở tất cả nước, thấy dư luận như vậy nhưng các doanh nghiệp không phản đối, họ sẵn sàng ủng hộ vì quyền lợi người phụ nữ, họ cam kết thực hiện những việc này. Còn nếu chị em phụ nữ nào mong muốn đi làm sớm, nếu được các cơ quan y tế chứng nhận đủ sức khỏe, đủ khả năng… vẫn có thể đi làm sớm hơn thời gian cho nghỉ.

Trong dự thảo này cũng quy định, thai phụ phải nghỉ ít nhất 1 tháng hoặc 2 tuần trước đẻ để đảm bảo sự an toàn cho thai nhi. Chứ như tình trạng tắc đường tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, có những trường hợp cách cổng bệnh viện 100m nhưng vẫn phải đẻ ngay trên taxi.

Song song đó phải có chính sách cho đối tượng không phải công chức, cho bà mẹ nông nghiệp vì họ không phải nghỉ đẻ 6 tháng như những người làm công ăn lương nhưng cũng cần được hỗ trợ để nuôi con tốt hơn.

Theo lộ trình, dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm. Nếu nhận được sự ủng hộ thì tại kỳ họp đầu năm 2012, dự luật sẽ được thông qua.

Hải Hà (thực hiện)

http://dantri.com.vn/c7/s7-522453/se-het-canh-con-
Cập nhật: 29/09/2011
Lượt xem: 5709
Lên trên
Đánh giá dinh dưỡng
( Cho người trưởng thành )
Cân nặng
kg
Chiều cao
m
Kết quả B.M.I
Đánh giá
Mặt trời bé thơ - Viện Dinh dưỡng (NIN)
Địa chỉ: 48B, Tăng Bạt Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3971 7090 - Fax : (84-4) 3971 7885 - Email: ninvietnam@viendinhduong.vn
© 2011 mattroibetho.vn. Số đăng ký 180/GP-TTĐT. Cấp ngày 10/10/2011 - Thiết kế website bởi BICWeb.vn™