Nuôi con bằng sữa mẹ là cách cung cấp nguồn dinh dưỡng lý tưởng nhất đáp ứng sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sơ sinh mà không có bất cứ thực phẩm nào có thể so sánh được; Nó cũng là một phần trong quá trình sinh sản có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của bà mẹ. Các bằng chứng trên phương diện quần thể cho thấy nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu là cách nuôi dưỡng tối ưu cho trẻ sơ sinh. Tiếp đó, trẻ nên được ăn bổ sung các thực phẩm kết hợp với bú sữa mẹ đến hai năm tuổi hoặc lâu hơn.
Để hỗ trợ các bà mẹ thiết lập và duy trì thực hành nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu, WHO và UNICEF khuyến nghị:
WHO/NHD
- Cho bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh
- Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ - có nghĩa là trẻ sơ sinh chỉ bú duy nhất sữa mẹ mà không ăn hoặc uống thêm bất cứ thực phẩm nào, kể cả nước.
- Cho trẻ bú theo nhu cầu – bất cứ lúc nào trẻ muốn, kể cả ngày hay đêm.
- Không sử dụng bình sữa, vú cao su hoặc núm vú giả.
Sữa mẹ là thức ăn tự nhiên đầu tiên cho trẻ, nó cung cấp đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng mà một đứa trẻ cần trong sáu tháng đầu đời và tiếp tục cung cấp khoảng một nửa hoặc hơn trong sáu tháng tiếp theo và cho đến khi trẻ hai tuổi cung cấp khoảng một phần ba so với nhu cầu của trẻ.
Sữa mẹ thúc đẩy sự phát triển của các giác quan và khả năng nhận thức của trẻ, bảo vệ trẻ khỏi các bệnh nhiễm trùng và bệnh mạn tính. Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ làm giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh do mắc các bệnh thường gặp ở trẻ như tiêu chảy hoặc viêm phổi và giúp trẻ phục hồi nhanh hơn trong thời gian bị bệnh. Những ảnh hưởng được nhận thấy rõ ở cả những nước giàu có lẫn những nước nghèo (Can thiệp thử nghiệm khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ (PROBIT) của Kramer M và cộng sự, một thử nghiệm ngẫu nhiên ở Cộng hòa Belarus, đăng trên Tạp chí Hội Y khoa Mỹ, 2001, 285(4), tr.413-420).
Cho trẻ bú giúp bà mẹ khỏe mạnh và thoải mái; giãn khoảng cách sinh, giảm nguy cơ ung thư vú và buồng trứng, tăng nguồn lực cho gia đình và xã hội, là cách nuôi dưỡng an toàn và góp phần bảo vệ môi trường.
Nuôi con bằng sữa mẹ là hành động bản năng, tuy nhiên cũng cần được học. Một nghiên cứu lớn đã chỉ ra rằng các bà mẹ và người chăm sóc trẻ cần được hỗ trợ tích cực để thiết lập và duy trì thực hành nuôi con bằng sữa mẹ đúng. UNICEF và WHO đã phát động Sáng kiến Bệnh viện bạn hữu trẻ em từ năm 1992, nhằm tăng cường các hoạt động chăm sóc thai sản hỗ trợ bà mẹ cho con bú. Cơ sở xây dựng Mô hình Bệnh viện Bạn hữu trẻ em là Mười bước để nuôi con bằng sữa mẹ thành công được mô tả với các nội dung Bảo vệ, Khuyến khích và Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ trong Bản Tuyên bố chung của WHO/UNICEF. Các bằng chứng về hiệu quả của Mười bước này đã được tổng kết trong một tài liệu đánh giá khoa học.
Mô hình Bệnh viện bạn hữu trẻ em đã được triển khai ở 16.000 bệnh viện tại 171 quốc gia và góp phần nâng cao tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn trên toàn thế giới. Trong khi các dịch vụ chăm sóc thai sản giúp bà mẹ khởi đầu việc cho bú hoàn toàn, thì việc củng cố hệ thống y tế cũng hết sức cần thiết nhằm hỗ trợ bà mẹ duy trì nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.
WHO và UNICEF đã xây dựng khóa tập huấn 40 giờ về Tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ: Khóa học này nhằm đào tạo các cán bộ y tế nòng cốt về kỹ năng hỗ trợ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ và giúp họ vượt qua các trở ngại; cả hai tổ chức cũng xây dựng một khóa học 5 ngày về Tư vấn chăm sóc nuôi dưỡng trẻ nhỏ nhằm giúp các cán bộ y tế có đủ trình độ và khả năng khuyến khích thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, cho ăn bổ sung hợp lý và chăm sóc trẻ nhiễm HIV. Các kỹ năng cơ bản về hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cũng là một phần trong nội dung của khóa đào tạo 11 ngày về Quản lý lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh cho các cán bộ y tế cấp cơ sở, trong đó kết hợp đủ các kỹ năng trong xử trí các trường hợp cụ thể với chăm sóc dự phòng. Đánh giá kết quả của việc đào tạo kỹ năng tư vấn cho các chuyên gia y tế và cán bộ cộng đồng cho thấy đây là một can thiệp hiệu quả giúp nâng cao tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.
Chiến lược toàn cầu về chăm sóc nuôi dưỡng trẻ nhỏ có mô tả các can thiệp thiết yếu nhằm thúc đẩy, bảo vệ và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.
Nguồn: http://www.who.int/nutrition/topics/exclusive_breastfeeding/en/