Việc nuôi dưỡng trẻ sơ sinh dưới hai tuổi một cách tối ưu bằng sữa mẹ có tác động rất lớn đến sự sống còn của trẻ trong tất cả các can thiệp dự phòng, giúp ngăn ngừa 1,4 triệu trẻ dưới năm tuổi tử vong ở các nước đang phát triển (Lancet, 2008). Các kết quả của một nghiên cứu được tiến hành ở Ghana cho thấy rằng cho trẻ bú mẹ trong vòng một giờ đầu sau sinh có thể ngăn chặn 22% tử vong chu sinh.
Trẻ được bú sữa mẹ có cơ hội sống sót trong những tháng đầu cao hơn ít nhất sáu lần so với những trẻ không được bú mẹ. Nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm đáng kể tử vong ở trẻ do nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính và tiêu chảy, hai căn bệnh chủ yếu gây tử vong ở trẻ, cũng như các bệnh nhiễm trùng khác (WHO-Lancet 2000). Tác động chủ yếu của việc nuôi con bằng sữa mẹ đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển, nơi có gánh nặng bệnh tật lớn và việc tiếp cận nước sạch và vệ sinh hạn chế. Tuy nhiên những trẻ không được bú sữa mẹ ở các nước công nghiệp phát triển cũng có nguy cơ tử vong cao – một nghiên cứu gần đây về tử vong sơ sinh ở Mỹ cho thấy ở những trẻ không được bú mẹ tỷ lệ tử vong cao hơn 25%. Trong nghiên cứu thuần tập thiên niên kỷ ở Anh, có mối liên quan giữa những trẻ bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu với giảm tỷ lệ nhập viện do tiêu chảy (53%) và nhiễm khuẩn đường hô hấp (27%).
Mặc dù tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ chung của toàn thế giới không giảm, thậm chí nhiều nước tỷ lệ này còn tăng một cách đáng kể trong thập kỷ vừa qua, song chỉ có 38% trẻ dưới sáu tháng tuổi ở các nước đang phát triển được bú mẹ hoàn toàn và 39% trẻ từ 20-23 tháng tuổi được tiếp tục cho bú.
Bản đồ: Tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi bú mẹ hoàn toàn (2000 – 2006)
Khuyến nghị cho thực hành nuôi con bằng sữa mẹ
Tổ chức Y tế thế giới và UNICEF khuyến nghị thực hành nuôi con bằng sữa mẹ theo các nội dung sau: bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh; bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu; và tiếp tục cho trẻ bú trong hai năm tiếp theo hoặc lâu hơn, kết hợp với ăn bổ sung an toàn, đủ chất dinh dưỡng, phù hợp lứa tuổi, cho ăn bổ sung từ tháng thứ sáu.
Lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ
Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích to lớn. Nó tác động một cách sâu sắc tới sự sống còn, sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng và sự phát triển của trẻ. Sữa mẹ cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự tăng trưởng của trẻ trong sáu tháng đầu mà không cần thêm bất cứ chất lỏng hoặc thực phẩm nào khác. Hơn nữa, sữa mẹ chứa nhiều kháng thể từ mẹ giúp trẻ chống lại bệnh tật. Bản thân thực hành nuôi con bằng sữa mẹ cũng kích thích sự phát triển của miệng và xương quai hàm, tăng tiết các hooc- môn tiêu hóa và gây cảm giác no. Nuôi con bằng sữa mẹ tạo mối quan hệ mật thiết giữa mẹ và con, sự tương tác giữa mẹ và con trong khi bú có tác động tích cực đến trẻ, kích thích hành vi, ngôn ngữ, giúp trẻ cảm nhận sự yêu thương, an toàn và biết cách tương tác với những người khác. Nuôi con bằng sữa mẹ cũng làm giảm nguy cơ trẻ mắc phải các bệnh mạn tính về sau này như béo phì, cholesterol cao, cao huyết áp, tiểu đường, hen suyễn và bạch cầu ở trẻ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những trẻ sơ sinh được bú mẹ đạt kết quả cao đối với các bài kiểm tra trí thông minh và hành vi vào tuổi trưởng thành hơn hẳn những trẻ ăn sữa ngoài.
Sự thực là mọi bà mẹ đều có thể nuôi con bằng sữa mẹ nếu được khuyến khích, tư vấn và hỗ trợ thích hợp, cũng như là hỗ trợ thực hành để có thể giải quyết các vấn đề gặp phải. Các nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc da kề da giữa mẹ với con giúp trẻ được bú một cách thường xuyên và không hạn chế, đảm bảo duy trì quá trình tiết sữa ở mẹ và khẳng định vai trò, vị trí của bé, từ đó tăng khả năng thành công của việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Cho bú cũng góp phần cải thiện sức khỏe của bà mẹ ngay sau khi sinh do hạn chế nguy cơ băng huyết sau sinh. Nuôi con bằng sữa mẹ giúp bà mẹ phòng tránh thai, về lâu dài giúp ngăn ngừa các bệnh tiểu đường type 2, ung thư buồng trứng, tử cung và vú. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy mối liên quan giữa việc cai sữa sớm với bệnh trầm cảm ở các bà mẹ sau sinh.
Các nguy cơ của việc cho ăn hỗn hợp
Việc cho trẻ dưới 6 tháng tuổi ăn hỗn hợp hoặc cho ăn các chất lỏng/thực phẩm khác cùng với sữa mẹ khá phổ biến ở nhiều quốc gia. Điều này dẫn đến nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh do làm tăng nguy cơ mắc tiêu chảy và các bệnh nhiễm trùng khác ở trẻ. Cho trẻ ăn thêm các thức ăn khác, đặc biệt là nước hoặc chất lỏng khác gây ra giảm tiết sữa ở mẹ do trẻ bú ít hơn. Trẻ không ăn thêm các chất lỏng khác ngoài sữa mẹ, thậm chí cả nước lọc trong sáu tháng đầu vì sữa mẹ chứa đầy đủ nước mà em bé cần ngay cả khi thời tiết rất nóng nực.
Cho trẻ ăn hỗn hợp làm tăng nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Một số nghiên cứu ở Châu Phi cho thấy việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ ba đến bốn lần so với việc cho trẻ ăn một cách hỗn hợp.
Các nguy cơ của việc nuôi nhân tạo/nuôi bộ
Ở nhiều quốc gia, việc tăng cường “trào lưu nuôi con bằng sữa mẹ” và kiên quyết chống lại sự du nhập của “trào lưu nuôi con bằng sữa ngoài” là hết sức cấp thiết. Nhiều bà mẹ không cho trẻ bú hoàn toàn trong sáu tháng đầu hoặc bú kéo dài đến 2 năm hay lâu hơn theo khuyến nghị mà thay vào đó cho trẻ ăn các sản phẩm thay thế sữa mẹ hoặc các loại sữa khác trên thị trường. Nuôi bộ gây tốn kém và mang lại nhiều rủi ro về bệnh tật và tử vong, đặc biệt ở những vùng lưu hành bệnh truyền nhiễm cao và việc tiếp cận nước sạch hạn chế. Thực hành cho ăn bằng sữa công thức đặt ra nhiều thách thức cho bà mẹ ở các nước đang phát triển, bao gồm đảm bảo sữa được pha với nước sạch, độ loãng phù hợp, đủ số lượng và dụng cụ cho trẻ ăn, nhất là bình sữa, cũng phải sạch.
Sữa công thức không thể thay thế sữa mẹ, bởi vì sữa công thức, dù tốt nhất cũng chỉ cung cấp được phần lớn các chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ: nó chỉ như một thực phẩm, trong khi sữa mẹ là một dung dịch dinh dưỡng tổng hợp bao gồm kháng thể, men, các chuỗi dài axit béo và hoocmon, nhiều chất không thể có trong sữa công thức. Thêm vào đó, trong những tháng đầu tiên, ruột của trẻ rất khó hấp thu bất cứ thứ gì ngoài sữa mẹ. Thậm chí sữa công thức hay các thức ăn khác có thể gây ra các tổn thương ở ruột và phải mất hàng tuần trẻ mới có thể hồi phục được.
Vấn đề chính hiện nay dẫn tới việc ngừng cho trẻ bú chính là do áp lực từ phía xã hội và thương mại, bao gồm việc tiếp thị và quảng bá tràn lan các sản phẩm của các hãng sữa. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn nếu những nhân viên y tế tư vấn không chính xác do thiếu kỹ năng và không được tập huấn để hỗ trợ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ. Thêm vào đó, nhiều bà mẹ phải trở lại làm việc sớm sau khi sinh và đối mặt với các áp lực, căng thẳng trong công việc dẫn tới việc ngừng cho bú hoàn toàn sớm. Những bà mẹ đi làm cần được hỗ trợ, bao gồm cả các chính sách hỗ trợ, để đảm bảo duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Hành động của UNICEf
UNICEF hỗ trợ các quốc gia triển khai các hoạt động ưu tiên trong Chiến lược toàn cầu về Chăm sóc nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các hoạt động này tập trung vào 5 lĩnh vực sau: 1. Cấp quốc gia: đảm bảo không chỉ các chính sách và luật pháp phù hợp được xây dựng mà còn phải được thực thi. Bao gồm các hỗ trợ cho việc:
- Xây dựng và triển khai khung chiến lược và chính sách quốc gia về chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ,
- Xây dựng và thực hiện chương trình kế hoạch để triển khai chiến lược đó,
- Phát triển và thực thi các luật pháp phù hợp (ví dụ như Luật Quốc tế về Tiếp thị các Sản phẩm Thay thế Sữa mẹ và luật bảo vệ bà mẹ)
- Khuyến khích và tạo điều kiện cho các đối tác chiến lược là các tổ chức tập thể và cá nhân, các nhà hoạch định chính sách cấp quốc gia và quốc tế trong việc cải thiện dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
2. Hệ thống y tế: Hỗ trợ triển khai các can thiệp ở các cấp, ví dụ thực hiện Mười bước để Nuôi con bằng sữa mẹ thành công và mô hình bệnh viện bạn hữu trẻ em (BFHI), chương trình giảng dạy, đào tạo và hỗ trợ cán bộ y tế và hệ thống truyền thông. Hợp tác với Tổ chức y tế thế giới nhằm cung cấp nguồn lực cho khóa đào tạo mô hình BFHI và khóa học lồng ghép về tư vấn nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
3. Ở cộng đồng: hỗ trợ các hoạt động dinh dưỡng dựa vào cộng đồng và tăng cường sự tham gia của các bà mẹ thông qua các nhân viên y tế, các cán bộ tư vấn và nhóm mẹ - giúp - mẹ.
4. Hoạt động truyền thông, vận động về nuôi con bằng sữa mẹ cũng là một cấu phần quan trọng trong các hoạt động của UNICEF. Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ là sự kiện được tổ chức hàng năm trên thế giới với sự tài trợ của UNICEF, WHO và các đối tác khác.
5. Chăm sóc nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong trường hợp đặc biệt: UNICEF hỗ trợ các can thiệp chăm sóc nuôi dưỡng trẻ sơ sinh trong tình huống khẩn cấp và các trường hợp nhiễm HIV/AIDS.
Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ Cứu Nhiều Sinh Mạng Hơn Bất Cứ Can Thiệp Dự Phòng Nào Khác!
Nguồn: http://www.unicef.org/nutrition/index_24824.html