| |
| © UNICEF/NYHQ2008-1374/Pietrasik |
| Người mẹ mới sinh được y tá hướng dẫn cách cho trẻ bú ở khu chăm sóc thai sản ở Bệnh viện Chính phủ Pottuvil, thuộc quận Ampara, phía đông Sri Lanka. Cơ sở phục vụ 45.000 người, nhiều người trong số họ đã được di dời do thảm họa sóng thần năm 2004 hoặc xung đột nội bộ. |
NEW YORK, Mỹ, 31 Tháng Bảy năm 2009 – UNICEF và Liên minh thế giới hành động về Nuôi con bằng sữa mẹ đã kỷ niệm Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ, từ 1-7/8/2009, bằng việc nhấn mạnh tầm quan trọng của nuôi con bằng sữa mẹ trong tình huống khẩn cấp.
Trên thế giới, chỉ có 38% trẻ dưới sáu tháng tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn, mặc dù nghiên cứu chỉ ra rằng nuôi con bằng sữa mẹ là can thiệp phòng ngừa hiệu quả nhất trong việc làm giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh.
“Sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng tuyệt vời cho trẻ sơ sinh, nhất là khi thiếu nước sạch, sữa mẹ giúp trẻ tránh khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây truyền qua nước như tiêu chảy”, bà Ann M. Veneman, Giám đốc điều hành UNICEF phát biểu.
Phá bỏ các sai lầm
Có rất nhiều quan niệm sai cho rằng khi người mẹ bị khủng hoảng như căng thẳng hoặc suy dinh dưỡng thì không thể cho con bú hoặc khi người mẹ đã ngừng cho bú thì không thể cho bú lại được.
| |
| © UNICEF/NYHQ2007-0107/Delvigne-Jean |
| Tại khu trại Chupanga cho người di dân ở miền trung Mozambique, một phụ nữ đang cho con bú trong khi nói chuyện với một cán bộ truyền thông của UNICEF. |
Nguy hại hơn là việc các nhà tài trợ phân phát hàng loạt sữa công thức và các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho vùng bị thảm họa, phá vỡ thói quen thực hành nuôi con bằng sữa mẹ đã tồn tại và cố gắng cho bú của các bà mẹ mới sinh.
“Thông thường, tặng sữa công thức cho trẻ là một trong những ý nghĩ xuất hiện đầu tiên” theo bà Christiane Rudert, Chuyên gia dinh dưỡng UNICEF, “bởi vì có sự nhận thức sai lầm rằng hầu hết trẻ em đều được cho ăn bằng sữa bột”.
Sau thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, việc tài trợ sữa công thức cho các vùng bị ảnh hưởng đã ngay lập tức làm giảm tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ, tăng tỷ lệ tiêu chảy và tử vong ở trẻ nhỏ. Theo bà Rudert, chỉ khi có một chương trình nuôi con bằng sữa mẹ với quy mô lớn, hỗ trợ xuống tận cấp thôn bản” mới có thể hạn chế các ảnh hưởng của sữa công thức.
Bà cũng cho biết thêm “ở những vùng triển khai can thiệp [đào tạo và hỗ trợ], tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ tăng lên và nhiều bà mẹ mới sinh bắt đầu cho con bú”.
Khắc phục khó khăn
Trong thực tế, những quốc gia có tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ gia tăng nhanh nhất là những quốc gia có kinh nghiệm với cứu trợ nhân đạo trong tình huống khẩn cấp.
| |
| © UNICEF/NYHQ2008-0873/LeMoyne |
| Một phụ nữ đang cho con bú gần nhà thờ trong thành phố cảng bị hư hại do lũ lụt ở Gonaives, Haiti. Hậu quả của các trận lốc liên tiếp và bão nhiệt đới vào tháng 9 năm 2008. |
Mười bốn quốc gia tăng hơn 20% từ năm 1995. Trong số những quốc gia này, Madagascar bị hạn hán; Sri Lanka bị nội chiến và Pakistan vừa khôi phục sau trận động đất lại tiếp tục ảnh hưởng bởi cuộc di dân do xung đột.
Bà Rudert ghi nhận những tiến bộ trong việc nâng cao tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở Zambia, Mali, Ghana và Benin.
Theo bà, “nhiều quốc gia hiện đang phải đối mặt với các tình huống rất khó khăn và hạn hẹp về nguồn lực, tuy nhiên, nếu có được sự hỗ trợ và tiếp cận một cách toàn diện từ phía chính phủ và các đối tác thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được”.
Phòng chống suy dinh dưỡng
Tình huống khẩn cấp có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do suy dinh dưỡng và bệnh tật, song hoàn toàn có thể được bảo vệ tốt nếu tăng cường các chất dinh dưỡng và kháng thể sẵn có trong sữa mẹ.
Bà mẹ phải được hỗ trợ để thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ. Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ là dịp để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với các nhà hoạch định chính sách, nhà tài trợ và cộng đồng để chắc chắn rằng đây là việc được ưu tiên khi ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
Theo Unicef : http://www.unicef.org/emerg/index_50471.html