Mười bước nuôi con bằng sữa mẹ thành công – điểm nhấn của Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ
Lưu ý cho các phương tiện truyền thông
30/7/2010 | Geneva – Trong Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ được tổ chức từ 1/8 đến 7/8 ở hơn 170 quốc gia, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh vai trò của nhân viên y tế và cơ sở y tế trong việc thực hiện 10 bước để hỗ trợ các bà mẹ được nuôi con bằng sữa mẹ thành công, cải thiện tình trạng sức khỏe và tăng cơ hội sống còn của trẻ.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ an toàn, cung cấp cho trẻ đầy đủ các chất cần thiết cho sự phát triển và chứa nhiều kháng thể giúp bảo vệ trẻ tránh khỏi các bệnh nhiễm khuẩn thường gặp. Mặc dù tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu ngày càng tăng ở nhiều quốc gia, việc tiếp tục cải thiện tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ là rất quan trọng để cải thiện dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì nhiều lý do, bao gồm cả việc thiếu tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ, vẫn còn nhiều bà mẹ không cho trẻ bú hoàn toàn chỉ vài tuần sau khi sinh.
Nuôi con bằng sữa mẹ có thể cứu sống trẻ
TS. Elizabeth Mason, Giám đốc bộ phận phụ trách về sức khỏe và sự phát triển của bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên của WHO cho biết “theo ước tính hiện nay có khoảng 35% trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn trên thế giới”. “Nhưng nếu tất cả trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu và sau đó được ăn bổ sung hợp lý, tiếp tục bú mẹ đến hai năm tuổi, cuộc sống của 1,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi sẽ được cứu mỗi năm.”
Mười bước nuôi con bằng sữa mẹ thành công
Tổ chức WHO và UNICEF đã xây dựng “Mười bước Nuôi con bằng sữa mẹ thành công” nhằm đảm bảo cung cấp các dịch vụ thai sản đúng ngay từ lúc khởi đầu cho mỗi trẻ sơ sinh và hỗ trợ các điều kiện cần thiết để bà mẹ cho con bú. Hiện nay bảng kiểm 10 bước này đã được sử dụng trong bệnh viện ở hơn 150 quốc gia.
Mười bước đảm bảo thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ thành công cho các cơ sở y tế như sau:
- Có chính sách về nuôi con bằng sữa mẹ và thường xuyên phổ biến tới tất cả các nhân viên y tế.
- Đào tạo cho tất cả các nhân viên y tế những kỹ năng cần thiết để thực hiện chính sách này.
- Truyền thông trước sinh về lợi ích và cách nuôi con bằng sữa mẹ cho phụ nữ mang thai.
- Giúp các bà mẹ cho con bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh.
- Hướng dẫn cho bà mẹ cách cho con bú và cách duy trì nguồn sữa khi phải xa con.
- Không cho trẻ sơ sinh ăn uống bất cứ thứ gì ngoài sữa mẹ trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
- Cho trẻ được nằm cạnh mẹ cả ngày cả đêm.
- Khuyến khích cho trẻ bú theo nhu cầu – bất cứ khi nào trẻ đói.
- Không cho trẻ bú bình và ngậm đầu vú giả.
- Tăng cường thành lập và duy trì các nhóm hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và giới thiệu cho bà mẹ khi xuất viện.
Nguy cơ suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng là nguyên nhân dẫn đến một phần ba trong số 8,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong hàng năm. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong nhưng cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất làm mắc bệnh ở trẻ. Hơn hai phần ba số trẻ em tử vong ngay trong tháng đầu tiên của cuộc đời, thường có liên quan với thực hành nuôi dưỡng không đúng như bú bình hoặc ăn bổ sung sớm hay không đủ chất.
Theo bà Randa Saadeh, Điều phối viên của Chương trình Dinh dưỡng trong suốt cuộc đời của WHO, “Tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ là yếu tố quan trọng trong kế hoạch cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”. “Nỗ lực xây dựng thêm nhiều bệnh viện “bạn hữu” giúp hàng triệu trẻ sơ sinh có khởi đầu tốt đẹp”.
Theo WHO
(http://www.who.int/mediacentre/news/notes/2010/breastfeeding_20100730/en/)