Muốn con trẻ cao lớn, không bị còi xương nên phụ huynh ra sức bổ sung canxi cho trẻ. Thế nhưng, theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc bổ sung canxi không đúng cách còn gây hại cho sức khỏe của trẻ.
Hầu như ngày nào chị Mai Thị Hòa (ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) cũng mua xương ống hoặc xương sườn về để ninh lấy nước nấu cháo cho con trai 12 tháng tuổi. Theo chị, nước xương rất ngọt, nhiều canxi mà người lớn lại còn tận dụng bã thịt nên rất tiết kiệm. Thế nhưng, triền miên mấy tháng liền mà con trai chị vẫn còi cọc, chậm lớn, ra mồ hôi nhiều, tóc rụng vành khăn… Nghi con mắc bệnh gì đó, chị đưa đi khám dinh dưỡng mới biết chế độ ăn thiếu khoa học đã khiến bé thiếu chất, ảnh hưởng đến sự phát triển.
Nước hầm xương không bổ xương
Theo TS Hoàng Kim Thanh - Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia - dùng nước hầm xương không bổ xương như nhiều người vẫn nghĩ. Với trẻ nhỏ, nếu ăn bột, cháo với nước hầm xương sẽ khiến các bé thiếu nhiều thành phần dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu vi chất dinh dưỡng.
Cha mẹ nên đến các trung tâm tư vấn dinh dưỡng để có những lời khuyên về chế độ ăn hợp lý cho con trẻ
Thực chất, nước hầm xương, hầm thịt chỉ có cảm giác thơm ngon nhưng lại không có nhiều chất bổ dưỡng như đạm, canxi. Trong nước hầm xương chứa nhiều chất béo động vật. Khi bé ăn sẽ bám lại ở thành ruột và dạ dày, gây đầy bụng, nhanh no, chán ăn, khó hấp thu các chất dinh dưỡng khác, thậm chí ăn nhiều còn dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
“Ngay cả thành phần canxi có trong xương ống cũng chủ yếu là canxi vô cơ mà cơ thể bé không hấp thụ được. Nếu các bậc cha mẹ chỉ ninh xương để lấy nước khuấy bột thôi thì chắc chắn không đủ dinh dưỡng vì các chất bổ, canxi, chất xơ... lại ở trong phần thịt”- bác sĩ Thanh giải thích.
Thừa canxi dễ gây sỏi thận
Ngoài việc bổ sung canxi bằng các loại nước xương thì nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng có thành phần canxin cũng được các bậc cha mẹ sử dụng cho con. Tuy nhiên, theo bác sĩ Thanh, không phải cứ uống canxi, đưa canxi vào cơ thể thật nhiều là tốt.
Một số bác sĩ dinh dưỡng cho hay nhiều bậc cha mẹ lo con cái sau này có chiều cao “khiêm tốn” giống mình nên ra sức cho trẻ uống sữa hàm lượng canxi cao ngay từ còn nhỏ và bổ sung các loại cốm canxi khi lớn hơn nhưng cách làm này cũng sai. Do bổ sung canxi quá đà, có những cháu bé mới 3-4 tuổi đã bị sỏi thận.
“Muốn hấp thu canxi thì phải có vitamin D. Vi chất này giống như người điều hành ở trung ương, có cho canxi vào xương hay không thì mới được phép vào. Để có đủ vitamin D, cơ thể phải lấy từ 3 nguồn thức ăn hằng ngày, ánh nắng mặt trời và vitamin D uống trực tiếp, trong đó phần lớn vitamin D được tổng hợp từ thức ăn” - bác sĩ Thanh phân tích.
Bác sĩ Lê Thị Hải - Giám đốc Trung tâm Khám Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia - cho hay khi thiếu vitamin D và canxi, trẻ sẽ bị còi xương nhưng thừa canxin cũng rất nguy hiểm. Việc thừa canxi từ nguồn thực phẩm sẽ được thải ra ngoài qua đường tiểu nhưng nếu do thuốc sẽ gây sỏi thận, tăng canxi máu, mệt mỏi, chán ăn, thậm chí khiến trẻ lùn, ngừng phát triển chiều cao.
“Khi các bậc cha mẹ có ý định bổ sung canxi cho con thì cần theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Không nên tự mua cốm canxi hoặc các thuốc bổ hàm lượng canxi cao cho trẻ dùng với quan niệm “dùng càng nhiều càng tốt”. Ngay cả khi được bác sĩ chỉ định dùng thuốc canxi, các bậc cha mẹ cũng nên cho trẻ uống tốt nhất vào buổi sáng, sau khi ăn 1 giờ” - bác sĩ Hải tư vấn.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, canxi có nhiều trong tôm, cá tươi, thịt, trứng... Ngoài ra, các loại rau lá có màu xanh sậm, hải sản (cua, sò) đậu… cũng là nguồn cung cấp canxi tự nhiên cho cơ thể. Đây là canxi hữu cơ, cơ thể trẻ rất dễ hấp thu.
Dấu hiệu nhận biết trẻ thiếu canxi
Bác sĩ Lê Thị Hải cho biết trẻ quấy khóc, ngủ không ngon giấc, khi ngủ hay giật mình là những dấu hiệu thường gặp khi thiếu canxi. Ngoài ra, trẻ thiếu canxi thường ra nhiều mồ hôi, nhất là khi ngủ; tóc rụng thành đường hình vành khăn sau gáy; hay có những cơn co thắt thanh quản gây khó thở, nấc cụt, ọc sữa…
Trẻ bị còi xương nặng do thiếu canxi thì thóp chậm liền, đầu bẹt, lồng ngực dô, chân vòng kiềng hoặc chữ bát, chậm mọc răng, chậm phát triển kỹ năng vận động. Trẻ lớn hơn thường có những biểu hiện mệt mỏi, biếng ăn, gầy yếu, chóng mặt, đổ nhiều mồ hôi, ngủ không ngon giấc.
Theo Người lao động