Những câu hỏi thường gặp của mẹ khi cho bé ăn dặm  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ
Cho bé ăn dặm như thế nào là đúng cách? 15 thắc mắc phổ biến của các bậc cha mẹ khi con đang ở thời kỳ ăn dặm. Phần tư vấn do bác sĩ Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) thực hiện.

Có một hiện tượng phổ biến là từ 6 tháng tuổi trở đi bé hay bị ốm hơn, nguyên nhân là do lượng sữa mẹ bé nhận được ít hơn, bé bắt đầu hay cho tay vào miệng mang theo vi khuẩn vào cơ thể.
15 thắc mắc phổ biến của các bậc cha mẹ khi con đang ở thời kỳ ăn dặm. Phần tư vấn do bác sĩ Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) thực hiện.

Cho đến 4 tuổi, hệ miễn dịch của bé đã hoàn thiện hơn, bé không còn bị ốm nhiều như trước nữa.

Do đó, giai đoạn từ 6 tháng đến 3 tuổi là giai đoạn mẹ gặp nhiều vất vả nhất. Đây là giai đoạn ăn dặm – giai đoạn quan trọng mang tính quyết định đối với sự phát triển của trẻ.

images1232378_Tranh_sai_lam_tre_an_dam_datviet.vn

Dưới đây chúng tôi ghi lại 15 thắc mắc thường gặp của các mẹ có con trong giai đoạn ăn dặm, phần trả lời là của Ths.Bs. Lê Thị Hải – Giám đốc trung tâm tư vấn Dinh dưỡng – Viện dinh dưỡng Quốc gia.

1. Bé nhà tôi 6 tháng tuổi, bé thích ăn bột hơn uống sữa. Vậy tôi có thể cho bé ăn 4 bữa bột/ngày được không?

Trả lời: Với trẻ đang bắt đầu bước vào ăn dặm, số bữa bột tối đa có thể cho bé ăn là hai bữa. Không nên cho trẻ ăn tới 4 bữa bột trong một ngày. Nếu bé nhà bạn không thích uống sữa, có thể trộn sữa vào bột khi cho trẻ ăn.

2. Bé nhà tôi 3 tháng 15 ngày, tôi có thể cho bé ăn cháo trộn chung sữa công thức không?

Trả lời: Bé mới có 3 tháng 15 ngày, lứa tuổi này chỉ nên cho bé bú sữa mẹ, ăn cháo là quá sớm.

3. Khi bé đang ngủ, có nên đánh thức bé để bé dậy ăn thêm hay không?

Trả lời: Nếu bé đói, có nhu cầu ăn thì sẽ tự thức dậy, chủ động đòi ăn, do đó việc đánh thức bé dậy ăn thêm là không cần thiết, nên để bé tiếp tục ngủ. Giấc ngủ rất quan trọng với trẻ.

Trừ trường hợp bé suy dinh dưỡng và quá lười ăn thì bạn cũng có thể gọi bé dậy cho ăn thêm.

4. Khi bé  đang bú mẹ bị viêm mũi, ho kéo dài thì mẹ có cần kiêng loại thức ăn gì không như tôm chẳng hạn?

Trả lời: Theo phong tục dân gian, khi con bị viêm mũi, ho kéo dài thì các bà các mẹ thường kiêng ăn cá, tôm vì cho rằng chất tanh trong tôm, cá sẽ khiến bé ho và sổ mũi nhiều hơn. Tuy nhiên điều này hoàn toàn sai lầm, nguyên nhân gây ho, viêm mũi không phải từ tôm cá. Phải tìm hiểu rõ nguyên nhân bé bị ho để tìm ra cách chữa trị hợp lý. Cũng có thể bé ho do bị dị ứng với một loại thức ăn nào đó.

5. Trẻ bị rối loạn tiêu hóa mà thay đổi các loại sữa liên tục thì có bị ảnh hưởng gì không?

Trả lời: Tất cả các sản phẩm sữa trên thị trường hiện nay đều bắt nguồn từ sữa bò. Tuy công thức khác nhau nhưng nguyên liệu vẫn bao gồm các thành phần chính giống nhau. Các loại sữa này khác nhau do có chứa thêm các chất dinh dưỡng khác nhau, mỗi công thức đặc biệt được chế biến phụ thuộc theo nhu cầu của mỗi đối tượng khác nhau. Chính vì thế, hoàn toàn có thể cho con ăn nhiều loại sữa khác nhau.

6. Theo tôi được biết thì dưới 1 tuổi không cần cho trẻ ăn thêm muối, như vậy thì có sợ con bị thiếu i-ốt không?

Trả lời: Với trẻ em, chức năng thận còn non nớt, vì vậy không nên cho muối vào thức ăn của trẻ trước khi trẻ 1 tuổi. Trẻ dưới 1 tuổi nên ăn nhạt để thận của bé không phải “làm việc” quá tải. Nêm nhiều muối khi nấu bột, cháo sẽ tập cho bé thói quen ăn nhiều muối khi bé lớn. Thói quen này dẫn đến khả năng bé sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch trong tương lai.

Ở tuổi ăn dặm dưới 1 tuổi, các thức ăn hợp với lứa tuổi này đã có chứa một lượng muối như bột ngũ cốc, hoa quả, nước hoa quả, thịt, thịt gia cầm, cá, trứng, rau. Trong sữa mẹ và sữa bộ cũng đã có sẵn muối, do vậy, không có nguy cơ trẻ bị thiếu i-ốt khi trẻ dưới 1 tuổi.

an-dam-3

7. Bé 4 tháng tuổi, cân nặng hơi lớn, khi cho bé nằm nghiêng thì hai đầu hơi bị dẹt. Vậy có phải bé bị còi xương hay không?

Trả lời: Bẹp đầu là dấu hiệu của bệnh còi xương. Bạn nên cho bé đi khám và bổ sung canxi. Nên lưu ý rằng trẻ càng nặng cân càng có nguy cơ bị còi xương, gọi là còi xương thể bụ, do bé thiếu canxi cung cấp cho cơ thể quá cỡ của bé.

8. Bé 5 tháng tuổi, đã bắt đầu ăn dặm 1 bữa/ngày nhưng 10 ngày nay bé bị đi ngoài, đi khám thì kết quả bình thường, phân hoa cà hoa cải, chua, có bọt. Liệu bé có bị rối loạn tiêu hóa không?

Trả lời: Trẻ bị đi ngoài trước khi ăn dặm hay sau khi ăn dặm? Bạn thử cho bé ngừng ăn dặm, nếu vẫn bị thì đi khám xét nghiệm phân xem có bị nhiễm khuẩn hay không. Ngoài ra cần phải xem lại chế độ ăn xem có nhiều đường hay không, đây là một trong những nguyên nhân của bệnh tiêu chảy.

9. Con tôi ăn dặm rất hay nôn ọe, nên việc thay đổi thức ăn dặm từ xay nhuyễn sang lợn cợn rất khó, xin hỏi bác sỹ tôi nên làm thế nào?

Trả lời: Đây là một trường hợp khó. Bạn không thể thay đổi thức ăn cho bé ngay được mà phải dần dần. Đầu tiên phải cho bé tập ăn từ 1,2 thìa/bữa, sau đó tăng dần lên  một chút một. Việc này đòi hỏi mẹ phải rất kiên nhẫn, không nên sốt ruột, nóng vội. Những miếng đầu có thể trẻ sẽ hơi nôn ọe một chút nhưng  dần dần trẻ sẽ quen.

10.  Khi tôi cho cháu ăn rau thái nhỏ thì phân của cháu còn nguyên sợi rau, hiện tượng này có sao không?

Trả lời: Trường hợp này rất phổ biến, đó là khi mẹ cho trẻ ăn quá nhiều rau. Bạn hãy thái rau ra rồi giã nhỏ cho trẻ ăn. Nếu hiện tượng này xảy ra mà bé vẫn tăng cân đều đặn thì không sao.

11. Trẻ 4 tháng đã có thể sử dụng nước hoa quả hoặc hoa quả xay chưa?

Trả lời: Ăn hoa quả tức là ăn dặm, với độ tuổi 4 tháng thì trẻ đã có thể bắt đầu ăn hoặc uống nước hoa hoa quả, lưu ý là nên pha loãng nước hoa quả với tỉ lệ ½.

12. Tôi muốn cho bé uống vitamin B và thuốc bổ thì nên uống vào lúc nào trong ngày?

Trả lời: Bạn có thể cho bé uống thuốc vào mọi thời điểm trong ngày nhưng nên lưu ý uống cách xa bữa ăn. Nếu trẻ lười ăn thì có thể trộn vitamin vào thức ăn. Lưu ý là Canxi thì nên uống vào buổi sáng.

13.  Tôi có thể cho con ăn dặm thức ăn gồm gạo nếp, đậu xanh, ý dĩ, hạt sen hay không?

Trả lời: Gạo nếp có thành phần hoàn toàn giống gạo tẻ, bạn cho trẻ ăn cũng không có vấn đề gì. Đậu xanh có nhiều chất đạm, đây là chất đạm có nguồn gốc thực vật, nhưng tốt hơn bạn nên cho trẻ ăn các thức ăn có chất đạm từ nguồn gốc động vật như trứng, sữa… Để thay đổi khẩu vị thì một tuần bạn có thể cho bé ăn thức ăn này một lần đề phòng bé thấy chán, lười ăn.

14.  Tôi cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, từ tháng thứ 7 tôi cho bé uống thêm sữa công thức nhưng da lại bị mẩn đỏ. Xin hỏi hiện tượng này có phải dị ứng không?

Trả lời: Khi da bé bị nổi mẩn đỏ nghĩa là bé đã bị dị ứng, bạn nên dừng cho trẻ uống sữa công thức và thay bằng sữa đậu nành, sữa bột thủy phân.

15.  Khi cho bé ăn dặm mà bị dị ứng với một loại thức ăn nào đó thì nên làm thế nào?

Trả lời: Nếu bé đã bị dị ứng thì nên tránh loại thức ăn đó. Tuy nhiên bệnh dị ứng của trẻ không phải là mãi mãi mà chỉ bị theo giai đoạn. Các mẹ nên tập cho bé ăn dần dần, từng chút một. Cơ thể bé dần dần sẽ dung nạp và thích ứng với loại thức ăn đó, bé sẽ không bị dị ứng nữa.

Nguồn: Theo Mecon.vn



meocon.vn
Cập nhật: 25/11/2014
Lượt xem: 40568
Lên trên
Đánh giá dinh dưỡng
( Cho người trưởng thành )
Cân nặng
kg
Chiều cao
m
Kết quả B.M.I
Đánh giá
Mặt trời bé thơ - Viện Dinh dưỡng (NIN)
Địa chỉ: 48B, Tăng Bạt Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3971 7090 - Fax : (84-4) 3971 7885 - Email: ninvietnam@viendinhduong.vn
© 2011 mattroibetho.vn. Số đăng ký 180/GP-TTĐT. Cấp ngày 10/10/2011 - Thiết kế website bởi BICWeb.vn™