Tiêu chảy là bệnh rất thường gặp ở trẻ em. Nguyên tắc cơ bản trong điều trị tiêu chảy cấp là bù nước và điện giải mà trẻ bị mất đi do tiêu chảy và nôn. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng biết chăm sóc trẻ đúng cách, điều trị tiêu chảy đúng cách.
Trẻ tiêu chảy sẽ có những biểu hiện như: đi ngoài phân lỏng tóe nước trên 3 lần/ngày, nôn, sốt, chán ăn, đau bụng, kèm với đó là mệt mỏi và khát nước. Tiêu chảy cấp cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật, thậm chí là tử vong ở trẻ, để lại ảnh hưởng tới sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sau này.
|
Ảnh minh họa. |
Dưới đây là một số sai lầm khi điều trị tiêu chảy ở trẻ:
Tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh
Khi trẻ bị tiêu chảy, các bậc cha mẹ thường tự dùng kháng sinh cho trẻ và hậu quả làm rối loạn thêm vi khuẩn chí (loại vi khuẩn có ích) trong đường tiêu hóa của cơ thể trẻ, làm cho tiêu chảy kéo dài, khả năng hấp thụ của trẻ càng kém. Do vậy, khi trẻ bị tiêu chảy, nhất thiết phải dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Tự ý dùng thuốc chống nôn, cầm tiêu chảy
Thường khi trẻ đi ngoài nhiều lần một ngày, các bà mẹ thường áp dụng biện pháp dân gian như cho trẻ ăn hồng xiêm xanh, lá ổi..., tác dụng là trẻ ngừng đi ngoài nhưng đó chỉ làkhỏi bệnh giả tạo. Nhiều cha mẹ còn cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy. Thuốc này cũng như kháng sinh không có tác dụng diệt virus, mà làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột. Khi đó, trẻ dù vẫn đang mắc bệnh tiêu chảy nhưng do liệt ruột, phân không được bài xuất ra ngoài ứ đọng lại trong ruột có nguy cơ khiến trẻ bị thủng ruột, tắc ruột.
Ngoài ra, nhiều cha mẹ tự ý mua thuốc chống nôn. Đây là việc làm rất nguy hiểm bởi thuốc chống nôn có thể gây ức chế thần kinh, trẻ không nôn, ngủ nhiều, cha mẹ tưởng bệnh trẻ khá hơn nhưng thực tế bệnh trẻ có thể trở nặng mà không biết. Khi bệnh nặng, trẻ mất nước nhiều nếu không được cấp cứu kịp thời rất dễ có nguy cơ tử vong.
Kiêng khem quá mức
Khi thấy trẻ bị tiêu chảy nhiều bậc cha mẹ kiêng tất cả các loại thực phẩm vì nghĩ rằng hệ tiêu hóa của trẻ còn yếu, nếu ăn uống bình thường càng khiến tiêu chảy nặng hơn. Nhưng thực tế, kiêng khem quá mức càng khiến bệnh trẻ nặng hơn vì cơ thể không được dung nạp đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng chống lại bệnh.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nên chia nhỏ thành nhiều bữa nhỏ cho trẻ ăn vì lúc này trẻ lười ăn, không nên ép trẻ ăn nhiều một bữa như bình thường càng khiến trẻ sợ.
Bù nước không đúng cách
Khi bị tiêu chảy, trẻ thường sợ uống nước oresol nên nhiều bậc cha mẹ bù nước cho trẻ bằng cách uống thật nhiều nước lọc. Cách làm này vô tình gây hại cho trẻ, bởi khi trẻ nước quá nhiều nước lọc, bụng chướng lên gây biếng ăn.
Mặt khác, nhiều bà mẹ tích cực cho trẻ bù nước bằng dung dịch oresol nhưng lại không chú ý cách pha cho hợp lý. Nhiều người nghĩ rằng pha càng đặc càng tốt. Điều này cực kỳ nguy hiểm, việc pha quá ít nước theo quy định và cho bé uống càng khiến trẻ nạp quá nhiều muối từ oresol vào trong cơ thể, khiến lượng muối trong máu tăng cao, … Nguy hiểm hơn có thể gây tổn thương não, khiến trẻ bị sốt cao, co giật, thậm chí hôn mê dẫn đến tử vong. Nếu pha quá nhiều nước khiến dung dịch quá loãng, việc bù nước lại không hiệu quả. Theo khuyến cáo, một gói oresol pha với 200ml nước sôi để nguội và cho trẻ uống từ từ, tuyệt đối không cho trẻ uống một lần hết 200ml dung dịch oresol.
Phạm Minh - Vietbao.vn
-