Tai nạn do sặc cháo hay hóc dị vật thường xảy ra khi cha mẹ hoặc người trông trẻ cho trẻ ăn không đúng tư thế, do lượng sữa, lượng cháo, bột đưa vào người bé quá nhiều cùng một lúc.
Đầu tháng 8 vừa rồi, bé C.A, 18 tháng tuổi nhập viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) trong tình trạng tim ngừng đập, đồng tử giãn to, huyết áp, mạch đập chậm. Dù được các bác sĩ đã dùng các biện pháp cấp cứu cần thiết, hồi sức tích cực nhưng bé không thể qua khỏi.
Được biết, do sự bất cẩn của cha mẹ, bé đã nuốt hạt măng, dù cha mẹ đã cố gắng giúp bé ho văng hạt đó ra nhưng không sao được. Khi thấycon ngày càng tím tái, không thở được bố mẹ bé mới đưa con đi tới viện nhưng đã muộn.
Gần đây nhất là trường hợp bé 1 tuổi chết tức tưởi sau gần 2 ngày đi học mẫu giáo. Đó là trường hợp cháu Trần Nhật Hương (12 tháng tuổi) là con út của gia đình anh Trần Xuân Bách, chị Đậu Thanh Thủy (ngụ tại Việt Hưng, Hà Nội).
Ngày 26/8 chị gửi bé ở trường mầm non Thiên thần nhỏ gần nhà. Cẩn thận, ngay trong ngày đầu chị đã nấu cháo cho bé mang đi nhưng các cô từ chối nói rằng ở trường có cháo rồi, ngày thứ 2 chị không mang cháo theo cho con nữa. Thế nhưng chiều ngày 27 chị nhận được tin dữ cháu tử vong. Nguyên nhân ban đầu các bác sĩ đưa ra là cháu bị sặc cháo/thức ăn.
Nhói lòng em bé chưa đầy 1 tuổi thiệt mạng tại một trường mầm non tư thục tại Hà Nội. Thông tin ban đầu bác sĩ cho rằng cháu bị sặc thức ăn mà không được cấp cứu kịp thời.
Cách xử trí khi trẻ sặc thức ăn, hóc dị vật
Sặc sữa khi bú hay sặc cháo, bột, cơm… là một tai nạn thường gặp ở trẻ. Mà tai nạn này cực kỳ nguy hiểm nhưng lại không được cha mẹ thật sự chú ý, cẩn thận trong việc chăm sóc con.
Xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai cho biết sặc đồ ăn, hóc dị vật là một trong những nguyên nhân rất dễ khiến trẻ tử vong nếu không kịp thời sơ cứu.
Tai nạn này thường xảy ra khi cha mẹ hoặc người trông trẻ cho trẻ ăn không đúng tư thế, do lượng sữa, lượng cháo, bột đưa vào người bé quá nhiều cùng một lúc.
Khi trẻ bị sặc, một lượng thực phẩm lọt vào đường thở (vào khí quản), bít đường thở, điều này khiến tắc đường thở gây khó thở, tím tái hoặc ngạt thở. Nếu không sơ cứu bé kịp thời, bé có thể bị ngạt và dẫn tới tử vong rất nhanh.
Cha mẹ cần lưu ý những điều sau để hạn chế những tai nạn đáng tiếc:
- Không nên cho bé ăn trong lúc đùa giỡn, khóc lóc, chơi đùa, nằm…
- Những dấu hiệu nhận biết khi trẻ sặc thực phẩm/dị vật đường thở: Trẻ đang ăn uống hay ngậm chơi những đồ vật nhỏ đột ngột ho sặc sụa, khó thở, trợn mắt, mặt tím tái. Tình trạng hít sặc có thể chỉ thoáng qua như trẻ ho vài tiếng, tím nhẹ rồi tự hết nhưng có những trường hợp trẻ tím tái nặng, ngưng thở và tử vong. Nếu dị vật bít một phần đường thở trẻ sẽ thở rít kèm theo ho rũ rượi, cơn ho dồn dập, mặt đỏ gay. Cơn ho này kéo dài sau đó dịu đi, chỉ còn những tiếng ho rải rác. Sau đó trẻ trở lại bình thường, thỉnh thoảng xuất hiện những đợt ho sặc tương tự trở lại, rất dễ tử vong trong giai đoạn này.
Nếu không phát hiện được tình huống điển hình như trên, nhiều ngày sau trẻ thường nhập viện vì tình trạng viêm phổi tái phát kéo dài, hoặc áp-xe phổi do có dị vật đường thở bị bỏ quên.
- Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, trẻ hóc dị vật đường miệng nên sơ cứu trẻ theo cách đơn giản sau:
* Đối với trẻ nhỏ:
1. Giữ em bé trong tư thế mặt úp, đầu chúc ngược thấp hơn thân dọc theo cần tay bạn. Đầu và vai bé trên tay bạn. Vỗ mạnh vào phần trên của lưng bé để di vật văng ra ngoài.
Hình mô phỏng cách xử trí để tống dị vật khỏi đường thở của trẻ.
2. Nếu không được, xoay mặt bé về phía cánh tay kia của bạn rồi nhìn vào trong miệng bé và dùng một ngón tay lấy dị vật ra. Nhớ đừng thọc sâu vào cổ họng bé.
3. Nếu chưa được, vẫn bế bé ở tư thế như trên, để hai ngón tay bạn ở phần nửa dưới của xương ức và ấn mạnh xuống với nhịp độ 3 giây một lần. Làm như vậy để tạo một cơn ho nhân tạo.
4. Nếu vỗ lưng không kết quả lật ngửa trẻ lên. Đặt 2 ngón tay trên nửa dưới của xương ức ấn ngực 5 lần. Có thể thực hiện từ 6-10 lần thủ thuật này. Nếu vật cản vẫn chưa ra được, hãy gọi xe cấp cứu hoặc ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện.
Mô tả cách xử trí để tống dị vật ra khỏi đường thở của bé.
* Đối với trẻ lớn thì cha mẹ có thể dùng phương pháp để trẻ nằm ngửa và ấn thật mạnh, nhanh và bất ngờ vào vùng thượng vị (giữa xương ức và xương sườn) để tăng áp lực trong phổi đẩy dị vật ra ngoài. Hoặc cho cháu khum người ra phía trước, bạn đứng đằng sau vỗ mạnh vào giữa xương trẻ vài cái.
- Bên cạnh đó, cha mẹ nên tránh để những đồ vật có kích thước nhỏ trong tầm với của trẻ. Trẻ con với bản tính tò mò, nhiều bé sẽ nhét tất cả những gì mình gặp vào miệng vì vậy cha mẹ cần phải sát sao, liên tục để ý tới bé.
Cha mẹ cũng nên thận trọng khi chế biến, lựa chọn thực phẩm cho trẻ ăn, hạn chế cho ăn thực phẩm hạt – rất dễ hóc. Đối với những loại thực phẩm dễ có nguy cơ khiến trẻ bị hóc thì tuyệt đối không để trẻ tự ý ăn mà cần phải có sự kiểm soát và chế biến hợp lý.
Nguồn: Theo Mecon