Bệnh còi xương do thiếu Vitamin D là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi là lứa tuổi mà hệ xương phát triển rất mạnh. Bệnh còi xương cấp ảnh hưởng rất lớn và lâu dài đến sự phát triển thể chất, vận động và có thể gây biến dạng xương của trẻ, đặc biệt với các em gái còn ảnh hưởng tới quá trình sinh đẻ sau này. Nguyên nhân chính dẫn đến còi xương là thiếu Vitanin D trong khẩu phần ăn (thực phẩm nói chung thường nghèo Vitamin này) và thiếu sự chiếu nắng mặt trời. Cơ thể trẻ được nhận Vitamin D từ 2 nguồn: từ thức ăn (sữa mẹ, gan, trứng, sữa bò…), ngũ cốc rau quả nghèo Vitamin D, phần lớn Vitamin D được cơ thể tổng hợp từ chất 7 – dehydro - cholesterol sẵn có ở da thành Vitamin D nhờ tác dụng của ánh nắng mặt trời. Trong cơ thể Vitanin D có vai trò điều hòa, chuyển hóa can xi – phốt pho cần thiết. Khi thiếu Vitamin D chỉ có khoảng 20% can xi ăn vào được hấp thu qua đường tiêu hóa, còn khi có đủ Vitamin D khả năng hấp thu can xi lên tới 50-80%.
Khi thiếu Vitamin D sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa can xi –phốt pho trong cơ thể làm cho hệ xương và cơ thể trẻ chậm phát triển với các biểu hiện: ngủ không yên giấc, hay giật mình, rụng tóc phía sau đầu, thóp rộng, chậm mọc răng, chậm biết lấy, bò, đứng, đi, các bắp thịt nhẽo…Nếu không được phát hiện còi xương sớm có hướng điều trị và chăm sóc kịp thời sẽ có các biểu hiện: lồng ngực có chuối hạt sườn, ngực nhô ra phía trước như ngực gà, cột sống có thể gù, vẹo, xương chậu biến dạng làm cho khung chậu hẹp, các đầu xương dài bè ra tạo nên vòng cổ tay và cổ chân, xương chi dưới cong nên chân vòng kiềng có chữ O hoặc chân chữ bát có hình chữ X. Ngoài ra trẻ còn bị xanh xao, thiếu máu và hay mắc bệnh viêm phổi.
Bệnh còi xương hay gặp ở những trẻ không được bú sữa mẹ (trong sữa mẹ có Vitamin D, có tỷ lệ can xi/ phốt pho thích hợp giúp trẻ dễ hấp thụ), trẻ đẻ non, trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và rối loạn tiêu hóa kéo dài (làm giảm khả năng hấp thụ các Vitamin và chất khoáng), trẻ không được hoặc ít được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời do tập quán kiêng cữ (giữ trẻ trong nhà hay trong buồng tối thiếu ánh sáng mặt trời).
Ở những trẻ bụ bẫm cũng dễ bi thiếu Vitamin D do cơ thể trẻ phát triển nhanh nên nhu cầu Vitamin D, can xi, phốt pho cao hơn so với những trẻ bình thường mà việc cung cấp Vitamin D qua con đường ăn uống lại không đủ do vậy dẫn đến còi xương. Ở những đứa trẻ này biểu hiện của còi xương thường rõ ràng.
Để đề phòng còi xương, những trẻ có nguy cơ cao như đã nói ở trên cần được bổ sung thêm Vitamin D hàng ngày với liều 400 đơn vị/ ngày, uống liên tục trong năm đầu. Chế độ ăn cần đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các thực phẩm giàu Vitamin D. Vitamin D là loại Vitamin tan trong chất béo, do vậy bữa ăn của trẻ còn cần đủ dầu, mỡ giúp trẻ hấp thụ và sử dụng tốt Vitamin này.
Thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, tốt nhất là cho trẻ làm quen với ánh sáng dịu buổi sáng để đảm bảo trẻ có đủ ánh sáng mặt trời. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu bị còi xương nên cho trẻ đi khám để thầy thuốc hướng dẫn và chỉ định cách điều trị cụ thể.
TS. Hoàng Kim Thanh - Viện Dinh dưỡng