Tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng gần 30% được đưa ra trong hội thảo đã khiến nhiều đại biểu trong và ngoài nước kinh ngạc.
Hội thảo “Những quy định liên quan đến quyền lợi khám, chữa bệnh của trẻ em dưới sáu tuổi trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi” do Viện Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội và Quỹ Nhi đồng LHQ (Unicef) tổ chức đã diễn ra trong ngày 16-4 tại TP Đà Nẵng.
Ai cũng ngạc nhiên!
PGS-TS Đinh Xuân Thảo cho biết tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới năm tuổi còn chiếm gần 30%. Đây là con số đáng quan ngại vì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn xã hội và kinh tế. “Điều đáng buồn là hình ảnh những trẻ em ở châu Phi gầy gò, thiếu ăn, suy dinh dưỡng mà chúng ta vẫn thường thấy trên truyền hình lại đang là hiện thực ở ngay trên đất nước chúng ta. Những đứa trẻ ấy chỉ cách chúng ta vài trăm km mà thôi” - PGS-TS Đinh Xuân Thảo chua xót nói.
Bà Christiane Rudert, cố vấn dinh dưỡng UNICEF khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, cho hay trẻ em dưới sáu tuổi ở Việt Nam cần phải được quan tâm đặc biệt. “Trẻ em thấp còi, suy dinh dưỡng ở Việt Nam đang đứng thứ 13 thế giới. Đây là một sự thật đáng kinh ngạc, không thể chấp nhận được. Nó sẽ kéo theo hậu quả lâu dài là thế hệ tương lai của Việt Nam sẽ kém phát triển về thể chất, trí tuệ. Việt Nam cần phải đầu tư và ngăn chặn trẻ em suy dinh dưỡng ngay từ lúc này. Nếu chúng ta đầu tư 20.000 đồng vào dinh dưỡng cho trẻ em ngay từ bây giờ thì kết quả thu được trong tương lai sẽ là 600.000 đồng. Đây sẽ là nguồn đầu tư có lợi cho đất nước các bạn”. Cũng theo bà Christiane Rudert, cộng đồng quốc tế không thể hỗ trợ mãi được cho trẻ em suy dinh dưỡng ở Việt Nam mà Chính phủ cần phải vào cuộc.
ĐBQH Dương Trung Quốc cho hay ông giật mình vì con số trẻ em Việt Nam đang bị suy dinh dưỡng quá nhiều. Ảnh: LÊ PHI
Cũng bày tỏ quan ngại, bà Nemat Hajeebhoy, Giám đốc quốc gia dự án A&T tại Việt Nam (dự án Nuôi dưỡng và phát triển do Quỹ Bill&Melinda Gates), cho rằng nguyên nhân chính là do Việt Nam thiếu chế độ ăn uống hợp lý và môi trường y tế chưa đảm bảo. “Cần phải có những quy định cụ thể, có tính ràng buộc trong luật về chăm sóc và chữa trị miễn phí cho trẻ em suy dinh dưỡng. Chúng ta không thể uống một viên thuốc thần kỳ để cao lớn lên được mà cần phải có sự chăm sóc tốt nhất cho trẻ ngay từ hai, ba tuổi” - bà Nemat Hajeebhoy nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc cho biết khi nghe các thông tin về con số suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam được đưa ra tại hội thảo, ông đã rất giật mình và sửng sốt. Bởi vì Việt Nam không phải là một quốc gia thiếu lương thực và nghèo đói như trước đây. “Đây là một điều hết sức đáng trách. Để xảy ra tình trạng trên, các cơ quan lập pháp cũng có phần trách nhiệm của mình. Vì chúng ta còn để quá nhiều khoảng trống mà trong khả năng của mình chúng ta có thể làm được. Trong khi đó lợi ích của trẻ em cũng chính là lợi ích của con cháu mình, cũng chính là thế hệ tương lai của đất nước mình” - ĐBQH Dương Trung Quốc chia sẻ.
Luật BHYT sửa đổi: ĐBQH quan tâm, Bộ Y tế thì thờ ơ
Cũng tại hội thảo, PGS-TS Đinh Xuân Thảo cho biết Luật BHYT sửa đổi sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 7 tới đây sẽ có rất nhiều điểm mới.
Ông Phạm Đức Châu, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, góp ý: “Phải quy định tất cả trẻ em khi bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động và các tai nạn khác đều được thanh toán BHYT chứ không được quy định riêng cho trẻ em dưới sáu tuổi. Bởi dù có điều gì xảy ra đi nữa thì trẻ em cũng không bao giờ có lỗi”.
Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, cho biết các ĐBQH đều rất quan tâm và ủng hộ nhiều điểm bổ sung mới trong Luật BHYT sửa đổi lần này, đặc biệt là liên quan đến quyền lợi của trẻ em. Tuy nhiên, trong các cuộc họp và thảo luận thì lãnh đạo Bộ Y tế rất thờ ơ. “Chúng tôi muốn đưa vào thì Bộ Y tế lại sợ tốn tiền nên lại đưa ra. Ngay cả việc quy định khám sàng lọc chữa bệnh thì bên y tế dự phòng đồng tình nhưng lại chẳng có một lãnh đạo Bộ Y tế nào ủng hộ cả. Vì vậy, chúng tôi lại đang phải đi vận động ngược” - Phó Chủ nhiệm Tiên bức xúc.
Cũng theo Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Tiên, một số chương trình mục tiêu quốc gia về y tế hiện nay đã hết tiền. Hết tiền nên không có vaccine chứ không phải là cắt giảm, còn nếu đi xin tiền của quốc tế thì không phù hợp.
Tại hội thảo, các ĐBQH cũng cho rằng cần phải dùng cơ chế trả tiền qua BHYT thay cho việc phát tiền về các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế để giảm cơ chế xin-cho như hiện nay.
LÊ PHI - Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh
Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, luật sửa đổi lần này sẽ quy định bắt buộc mọi người tham gia BHYT. Đây là một thay đổi quan trọng, đột phá. Đặc biệt, ngoài việc thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh theo các danh mục của luật trước đây thì luật sửa đổi lần này bổ sung việc điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt vào danh mục mới được BHYT thanh toán 100% cho trẻ em. Ngoài ra, luật sửa đổi lần này cũng cần thiết bổ sung quy định quỹ BHYT thanh toán dịch vụ khám, tư vấn và điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ em.
Chúng ta đang có 16 chương trình mục tiêu quốc gia nhưng sau năm 2015 sẽ gộp lại còn ba chương trình. Nếu chương trình mục tiêu quốc gia về y tế không có hiệu quả thì nên dồn về cho BHYT. Vì suy cho cùng tất cả cũng đều là tiền của nhân dân.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của QH ĐINH XUÂN THẢO
Việt Nam có hơn 7 triệu trẻ em dưới năm tuổi nhưng có hơn 2,5 triệu trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi. Ngoài ra, hằng năm nước ta còn có 221.000 trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng nặng cấp tính. Trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi và gầy còm không chỉ xuất hiện ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà có ở tất cả tỉnh, thành.
PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia