Xuân hè là khoảng thời gian mà độ ẩm không khi cao, kèm theo nhiệt độ thay đổi thất thường. Chính vì thế trẻ rất dễ bị mắc các bệnh đường hô hấp (viêm họng, viêm phế quản...) cũng như đường tiêu hoá (rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy...).
Khi trẻ bị bệnh, ngoài điều trị thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc, người mẹ cần chú ý chăm sóc và cho trẻ ăn uống đầy đủ. Vì trẻ ốm thường chán ăn nên trẻ dễ sụt cân và có thể bị suy dinh dưỡng. Chính do trẻ mệt mỏi, chán ăn nên cần cho trẻ ăn thành nhiều bữa với lượng thức ăn ít hơn, nấu mềm, loãng hơn và mỗi bữa cho trẻ ăn cần nhiều thời gian hơn. Đối với trẻ dưới 6 tháng đang bú mẹ: Vẫn cho trẻ bú bình thường, tăng số lần bú và thời gian mỗi lần bú cần kéo dài hơn vì trẻ mệt, khả năng mút vú của trẻ kém hơn. Đối với trẻ bị tắc mũi hoặc mệt quá không bú được thì người mẹ cần vắt sữa ra và cho trẻ ăn bằng thìa.
Trẻ từ 6 tháng trở lên: Ngoài sữa mẹ cần cho trẻ ăn thêm nhiều bữa và từng ít một với các thức ăn giầu dinh dưỡng như thịt, trứng, sữa, cá... và cho thêm dầu, mỡ để tăng thêm năng lượng của khẩu phần. Thức ăn cần mềm, nấu kỹ, loãng hơn bình thường để dễ tiêu hoá. Cho trẻ ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh và giảm nguy cơ bội nhiễm. Cho trẻ ăn thêm quả chín hay nước quả chín như chuối, cam, chanh, xoài, đu đủ... để tăng cường vitamin và chất khoáng.
Ăn uống của trẻ sau khi khỏi ốm: Sau khi khỏi ốm, để giúp trẻ hồi phục nhanh và tránh suy dinh dưỡng cần cho trẻ ăn thêm mỗi tuần 2 bữa trong 2 tuần liền. Với trẻ bị tiêu chảy kéo dài thì phải cho trẻ ăn thêm mỗi ngày 1 bữa và kéo dài tối thiểu là 1 tháng. Với trẻ bị viêm nhiễm hô hấp, sổ mũi, khó thở cần làm thông thoáng mũi cho trẻ bằng bông gạc hoặc nhỏ nước muối sinh lý, giúp trẻ bú mẹ và ăn uống dễ dàng. Gia đình cần tập trung quan tâm chăm sóc trẻ như phải theo dõi nhiệt độ thường xuyên khi trẻ sốt, theo dõi số lần đi ngoài khi trẻ bị tiêu chảy, theo dõi nhịp thở khi trẻ có ho, sốt. Như vậy gia đình sẽ sớm phát hiện được những dấu hiệu nguy hiểm để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
Tóm lại, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ ốm là rất quan trọng, người chăm sóc nên: Cho trẻ ăn nhiều bữa hơn với số lượng mỗi bữa ít hơn; Thức ăn nấu nhừ và giàu chất dinh dưỡng; Không nên kiêng khem các loại thực phẩm như tôm, cá, dầu mỡ và rau xanh; Cho trẻ uống nhiều nước, nhất là đối với trẻ bị tiêu chảy, sốt cao. Súp, nước cháo muối, dung dịch Oresol chỉ là các dịch để bù nước, không nên coi là thức ăn vì các loại dung dịch trên không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Trẻ bị tiêu chảy tránh cho ăn các thức ăn có nhiều đường, nước ngọt có ga vì có thể làm tiêu chảy nặng hơn. Đồng thời cần tránh các thức ăn có nhiều chất xơ, ít dinh dưỡng như các loại rau thô, tinh bột nguyên hạt như ngô, đậu đỗ gây khó tiêu. Cuối cùng, khi trẻ ốm, người mẹ và gia đình cần dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc, dỗ dành trẻ ăn được nhiều.
PGS.TS. Đỗ Kim Liên