Trẻ bị ho luôn là nỗi bất an của các bậc cha mẹ. Và nếu kèm theo sổ mũi, chảy nước mũi thì nỗi lo lắng này lại càng tăng. Gặp phải vấn đề “đau đầu” này, cha mẹ nên làm gì?
Ảnh minh họa.
Nhận biết đúng bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp
Ho ở trẻ có nhiều nguyên nhân và nhiều dạng ho khác nhau, các bác sỹ thường nhận biết dấu hiệu bệnh ở trẻ khi biết đặc tính của cơn ho hoặc trực tiếp nghe trẻ ho. Ho không phải là một bệnh, mà đó là một triệu chứng của nhiều căn bệnh khác nhau tùy theo từng cơ thể bé và tùy vào từng cơn ho của bé.
Trẻ bị ho khan
Là ho không có đờm, thường gặp khi bị viêm họng, ngạt mũi hay hắt hơi, chảy nước mũi, không phải do viêm phổi hay viêm phế quản. Tuy nhiên, trẻ cũng dễ bị ho khan khi hít phải khói thuốc lá, khói bụi, dị ứng phấn hoa… Khi trẻ ho sẽ khiến cho trẻ bị nôn, trớ, dễ làm cho bé mệt mỏi, chán ăn sau mỗi lần ho.
Trẻ bị ho có đờm
Là khi trẻ ho thường tiết nhiều đờm loãng hoặc đặc. Đây có thể là một trong các triệu chứng của bệnh viêm xoang hay viêm phế quản. Cha mẹ có thể nhận thấy trẻ có đờm khi bé ho có cảm giác nặng ngực, mệt và hơi khó thở.
Trẻ bị ho sù sụ
Đây là dấu hiệu thường thấy của bệnh nhiễm trùng thanh khí quản. Bệnh này xảy ra do dị ứng thời tiết khi thay đổi nhiệt độ hoặc là do virus gây nhiễm trùng đường hô hấp gây nên. Trẻ dưới 3 tuổi thường mắc bệnh này do khí quản của bé khá hẹp. Bệnh thường hay phát về đêm và dễ nhận thấy khi nghe tiếng thở của bé khò khè, thở lớn.Thường do nhiễm trùng hay do sưng phần trên của đường hô hấp. Đa số các trường hợp ho này là do bệnh bạch hầu thanh quản, một dạng bệnh nhiễm trùng thanh quản và khí quản.
Trẻ bị ho lâu ngày
Trẻ bị ho lâu ngày là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn bordetella gây ra. Các triệu chứng của bệnh này là trẻ ho nhiều, chảy nước mũi, hắt hơi và sốt nhẹ. Bệnh này xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng dễ mắc nhất là ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi chưa được tiêm chủng ngừa. Do đó cha mẹ nên lưu ý tiêm vắc xin phòng bệnh này cho trẻ, có thể tiêm chung với các vắc xin bạch hầu, uốn ván và thường được tiêm 5 lần trước khi trẻ được 6 ngày tuổi. Cha mẹ nên hỏi kỹ bác sỹ về việc tiêm này. Ho lâu ngày là chứng bệnh dễ lây lan. Vi khuẩn có thể lây từ người bệnh qua chất dịch văng vào không khí lúc người bệnh ho hay hắt hơi.
Trẻ bị ho khò khè
Trẻ bị ho đi kèm với thở khò khè có thể là dấu hiệu của bệnh viêm đường hô hấp dưới. Chứng bệnh này cũng có thể xảy ra khi đường hô hấp dưới bị cản bởi vật thể lạ hay do nước nhầy từ bệnh nhiễm trùng đường hô hấp tiết ra, thường gặp ở trẻ nhỏ tuổi.
Điều trị và chăm sóc trẻ bị ho
Khi trẻ bị ho, cha mẹ không nên quá lo lắng mà cần tìm hiểu kỹ nguồn cơn ho của bé để tìm ra cách điều trị hiệu quả. Nhiều khi trẻ chỉ đơn thuần là ho gió, ho cảm chút xíu thì không sao, có thể để cho trẻ ho vì ho này chỉ là bộc phát, sẽ rất nhanh tự khỏi. Trong trường hợp trẻ bị ho tím tái ở môi, ở đầu ngón tay, ngón chân và khó thở (thở nhanh, dồn dập trên 60 lần/phút), có tiếng khò khè và co kéo cơ hô hấp ở cổ xuống sườn là những trường hợp nặng, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu ngay. Khó thở luôn là dấu hiệu báo động, phải cần đưa bé đến ngay bệnh viện hoặc các cơ sở khám chữa bệnh gần nhất.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc tây điều trị ho khác nhau, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc ho điều trị cho trẻ, nhất là không dùng thuốc ho của người lớn cho trẻ em. Khi sử dụng thuốc tây cho trẻ, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý tránh sử dụng các thuốc có chứa chất an thần, chất kháng histamine, corticoid gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, phổi và tim mạch của trẻ.
Thanh Thủy - Giadinh.net.vn