Theo Th.s BS Vũ Ngọc Khanh (Khoa phụ sản, BV Bạch Mai), virus cúm, HIV, viêm gan B có thể truyền qua sữa mẹ.
Trào lưu cho sữa mẹ, xin sữa mẹ hiện đang rất phổ biến. Tuy nhiên, các mẹ vẫn chưa thể lường trước được những nguy hại khi đi xin sữa cho con.
Trao đổi với chúng tôi, Th.s BS chuyên khoa II Vũ Ngọc Khanh (Khoa phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết: “Việc lấy sữa của bà mẹ có sữa thừa cho con mình bú là điều không nên. Vì bản thân bà mẹ muốn xin sữa đó cũng không kiểm soát được và cũng không biết được hết những bệnh tật của bà mẹ cho sữa đang mang trong người”.
Về nguy cơ có thể truyền bệnh qua sữa, bác sĩ Khanh nhấn mạnh: "Khi xin sữa của người khác cho con, nếu không hiểu rõ về sức khỏe hoặc trong người cho sữa có bệnh gì thì rất đáng lo. Bởi qua sữa có thể truyền bệnh HIV, viêm gan B, cảm cúm..."
Theo bác sĩ Khanh, nếu mẹ có sữa thừa thì có thể uống lại vì trong đó có các chất dinh dưỡng. "Sữa là chất dinh dưỡng quý giá, người này dùng chất dinh dưỡng của người kia khi xin sữa như thế thì việc cho sữa như thế có nên không", bác sĩ Khanh đặt ra câu hỏi.
Cũng theo một số bác sĩ khác, việc nhiều sữa hay ít sữa còn phụ thuộc vào cơ địa của từng người. "Có những phụ nữ sinh con xong sữa có rất ít dù dùng các biện pháp khác nhau”.
Việc nhiều sữa hay ít sữa còn phụ thuộc vào cơ địa của từng người (ảnh minh họa)
Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể nào về món ăn làm mất sữa hay làm giảm bớt lượng sữa của người mẹ. Hầu hết các thực phẩm gây mất sữa là do kinh nghiệm của các mẹ truyền lại. Ngoài ra, việc điều trị các loại thuốc kháng sinh sau sinh hoặc dùng thuốc có thể làm ảnh hưởng đến lượng sữa cho bé bú.
Để tăng lượng sữa cho mẹ, có thể ăn chân giò hầm với đu đủ, ăn móng giò heo, ăn cà rốt và khoai tây, củ dền. Các bà mẹ nên chia sẻ việc nhà và chăm bé với người thân trong thời kỳ ở cữ, tránh stress để không ảnh hưởng tới lượng sữa.
Với người có thừa sữa thì có thể bảo quản đông lạnh, có thể dùng cho mẹ hoặc đứa lớn hơn uống. Khi đóng túi cần ghi rõ ngày tháng, thời gian bảo quản. Vắt sữa không nên đầy quá sẽ làm bịch sữa bung ra. Khi bảo quản thì mua túi trữ sữa chuyên dụng hoặc túi có khóa.
Để không bị tắc tia sữa, phải giữ thật sạch đầu vú, nhất là ở các kẽ của núm vú. Trước khi cho trẻ bú, phải lau sạch và vắt vài giọt đầu bỏ đi, khi bú xong cũng cần lau sạch và khô. Khi thấy sữa chảy không thành tia hoặc tia bị tắc thì phải dùng tay xoa cho mềm vú, dùng ống hút sữa hoặc dùng tay vắt mạnh để thông sữa. Có thể dùng khăn ấm hoặc túi chườm nóng kết hợp với day ép để nhanh có sữa.
Theo Khampha