Viêm tuyến vú là triệu chứng thường xuất hiện trong khoảng thời gian ngay sau khi sinh cho đến 3 – 4 tuần sau đó.
Bà mẹ mới sinh con lần đầu thường gặp phải chứng bệnh này. Triệu chứng dễ nhận thấy là: bầu vú nổi u và sưng lên căng tức, sữa ra không đều, cảm giác ớn lạnh hoặc nóng sốt như bị cảm cúm, đầu vú mưng mủ… Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm tuyến vú có thể dẫn đến chứng bại huyết, gây áp xe và phải can thiệp bằng phẫu thuật.
Có thể phòng tránh và hạn chế tác hại chứng bệnh này bằng những cách đơn giản dưới đây:
1. Vệ sinh đầu vú
Trước và sau mỗi lần cho con bú, bạn nên sử dụng nước ấm cùng khăn mềm để lau rửa đầu vú và khu vực xung quanh thật sạch sẽ, khô thoáng. Khi đầu vú có mồ hôi hoặc bị bụi bẩn bám vào, cần kịp thời rửa sạch.
2. Cho con bú đều 2 bên
Thông thường cứ sau 3 – 4 giờ đồng hồ là bé lại bú một lần (buổi đêm chỉ cần 1 – 2 lần cho bú). Mỗi lần như vậy, bạn nên cho bé bú ở cả hai bên, bú hết ở bầu vú bên này mới đổi sang bên kia.
Cho con bú đúng tư thế là một trong những cách để phòng tránh viêm tuyến vú cho mẹ. (Ảnh minh họa)
3. Chú ý vắt sữa thừa
Mỗi lần cho con ăn, tốt nhất bạn cố gắng để bé bú hết sữa ở cả hai bên. Nếu sữa nhiều mà bé bú ít, bạn nhớ nhẹ nhàng vắt cạn lượng sữa thừa để tránh tình trạng ứ đọng sữa gây viêm tắc tuyến sữa.
4. Cho con bú đúng tư thế
Điều này rất quan trọng, bởi nếu đúng tư thế (bé ngồi hoặc nửa nằm nửa ngồi) thì thuận lợi hơn trong việc mút sữa, lực tác động vào đầu vú mẹ được giảm thiểu, đồng thời tránh được tình trạng bé nhay mạnh đầu vú mẹ khi không thấy sữa chảy ra hoặc chảy ít.
5. Không nên cho con vừa ngủ vừa ngậm ti
Làm như vậy rất dễ khiến bé nhay, cắn vào đầu vú, gây nên tổn thương có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm đầu vú.
6. Không mặc áo ngực có gọng kim loại
Sữa mẹ thường chảy ra không có thời gian cụ thể, thêm vào đó là sau khi sinh ngực của bà mẹ thường căng, to và chảy xệ. Vì vậy, trong thời gian cho con bú, các bà mẹ không nên mặc áo ngực có gọng kim loại để dòng sữa được lưu thông dễ dàng và tránh tình trạng ứ đọng sữa. Thay vào đó, các mẹ nên mặc áo ngực chuyên dụng dành riêng cho các bà mẹ đang nuôi con bú.
7. Điều trị kịp thời ngay khi mới có triệu chứng
Nếu núm vú bị nứt hoặc tổn thương nghiêm trọng, bạn tạm thời ngừng cho con bú trực tiếp mà sử dụng dụng cụ hút sữa để lấy sữa ra. Trong trường hợp núm vú mưng mủ, người lại sốt cao, bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được chẩn trị kịp thời, nhẹ thì phải uống thuốc kháng sinh, nặng có thể phải phẫu thuật.
Chăm sóc tuyến vú ngay từ khi mang thai
Khi mang thai đến tháng thứ 4 hoặc 5, bạn nên dùng khăn mềm, nước ấm và xà phòng để cọ rửa nhẹ nhàng hai bên bầu ngực, đặc biệt là núm vú. Làm như vậy giúp tăng cường khả năng phục hồi của lớp da bên ngoài, ngăn ngừa khả năng bị tổn thương của núm vú khi cho con bú.
Theo Tri thức trẻ