Tuy nhiên, tại thành phố Đà Nẵng, sau hơn 3 tháng triển khai lắp đặt cabin vắt, trữ sữa tại các DN, rất ít bà mẹ là công nhân tiếp cận và sử dụng. Nguyên nhân vì đâu họ chưa mặn mà với cabin trữ sữa?
Chuyên gia hướng dẫn công nhân về lợi ích của cho con bú bằng sữa mẹ
Nỗ lực tuyên tuyền, vận động
Theo kết quả một số cuộc khảo sát, tại thành phố Đà Nẵng, bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn có tỉ lệ rất thấp. Riêng tại các khu công nghiệp – chế xuất Đà Nẵng (KCN – CX), nơi có gần 40 ngàn CNLĐ nữ, đa phần ở độ tuổi sinh đẻ, đang nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi, thì việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời là điều khó, vì không đủ điều kiện, thời gian chăm sóc trẻ; trẻ sau 4 tháng được gửi đi trẻ hoặc gửi về quê cho ông bà để mẹ đến nhà máy; tình trạng tăng ca, tăng giờ; bà mẹ ăn uống thiếu chất dẫn đến không đủ sữa nuôi con phải cho trẻ ăn dặm sớm; không hiểu rõ về việc cho con bú như thế nào là đúng cách và nên kéo dài thời gian cho bú đến bao giờ...
Tuy nhiên, vừa qua, tại 5 doanh nghiệp ở KCN – CX Đà Nẵng, được chọn để tổ chức truyền thông về những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ; được lắp đặt cabin vắt sữa và trữ sữa, cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của chủ DN để duy trì phòng vắt sữa trong điều kiện tốt nhất, đồng ý cho lao động nữ đang cho con bú được nghỉ 2 lần, mỗi lần 10 phút trong thời gian làm việc để vắt sữa và trữ sữa, thì tình hình vẫn không mấy khả quan hơn. Dù rằng, tại các buổi truyền thông, chuyên gia y tế đều khuyên cho con bú trong vòng một tiếng đầu ngay sau khi sinh và nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng và tiếp tục cho bú đến khi bé hai tuổi.
Mặt khác, ước tính, nếu nuôi con bằng sữa công thức, mỗi gia đình mỗi tháng sẽ mất từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng cho một đứa trẻ. Như vậy, các bà mẹ có thể mang lại cho con mình khởi đầu tốt nhất để trở thành những công dân khỏe mạnh, thông minh và tiết kiệm được một số tiền đáng kể nếu cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn.
Các cabin vẫn nằm buồn thiu!Tại các buổi truyền thông ban đầu, có thể nhận thấy: Thiếu thông tin, thiếu kiến thức về nuôi con bằng sữa mẹ là thực trạng thường gặp ở các bà mẹ trẻ mới nuôi con lần đầu. Chị Trần Thị Lan - CNLĐ Công ty TNHH MabuchiMotor, một bà mẹ trẻ đang nuôi con lần đầu - thắc mắc: “Trữ sữa như vậy có sử dụng được không chị? Em sợ con em sẽ đau bụng”, dù đã được nghe báo cáo viên tại buổi truyền thông khẳng định độ an toàn.
Bà Phạm Thị Thanh Hồng - Phó trưởng ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết: Mỗi cabin vắt sữa (phòng vắt sữa) trong thời gian thí điểm sẽ được trang bị 1 tủ lạnh, bà mẹ đang cho con bú được nghỉ 10 phút vắt sữa vào bình, niêm dán tên và trữ vào ngăn lạnh để người nhà đến lấy hoặc hết thời gian làm việc mang về để ấm khoảng 37 độ thì cho bé sử dụng...
Hiện tại, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 4 DN đã được lắp đặt cabin vắt sữa sẵn sàng tiếp nhận trữ sữa, nhưng các cabin này có “khởi” nhưng chưa “động”.
Theo chị Nguyễn Thị Lê - phụ trách nữ công, CĐ Cty CP SX TM Hữu Nghị - cho biết: “Thói quen cho trẻ từ 4, 5 tháng tuổi ăn dặm đã trở thành truyền thống. Phần nữa vì bà mẹ ăn uống thiếu chất dẫn đến không đủ sữa nuôi con”.
Ở một số DN, cabin vắt sữa quá xa các xưởng sản xuất nên thời gian di chuyển để lấy sữa ảnh hưởng đến năng suất. Một thực tế nữa, phần lớn công nhân không có tủ lạnh để trữ sữa khi mang về nhà. Sau ngày làm việc, các chị đã ở tình trạng căng sữa, đến khi về nhà thì cho con bú trực tiếp vẫn tốt hơn sữa đã trữ đông, vậy là đổ đi.
Cái vòng luẩn quẩn, hôm sau mẹ đi làm con ở nhà vẫn dùng thức ăn không phải là sữa mẹ..., dẫn đến kết quả là 8, 9 tháng các bà mẹ đã tắt sữa vì con không bú thường xuyên.
Sau hơn 3 tháng triển khai lắp đặt cabin vắt, trữ sữa tại các DN, rất ít bà mẹ là công nhân tiếp cận và sử dụng mô hình này. Vì vậy, cần tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi dần quan niệm đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người về việc nuôi con bằng sữa mẹ cho bộ phận lao động nữ ở khu vực còn nhiều khó khăn, thiếu thốn này. Vậy là cabin vắt, trữ sữa sẽ lại nằm chờ một sự đổi thay...