Cabin vắt và trữ sữa: Nhân văn và thiết thực  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ

PNTĐ-Để trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cabin trữ và vắt sữa mẹ đã được Ban nữ công (TLĐ lao động VN) cùng Tổ chức Nuôi dưỡng và phát triển thực hiện tại các KCN.

 
Hiệu quả bất ngờ
 
Cabin vắt sữa mẹ được hoàn thành tại công ty Denso, Panasonic Việt Nam không có gì quá đặc biệt, trái lại, chỉ là một hình trụ vuông với diện tích từ 4 - 5m2, cao hơn 2m, không có trần, sàn và được lắp từ khung nhôm kính. Bên trong diện tích khiêm tốn đó là một chiếc tủ lạnh để bảo quản sữa mẹ, một số ghế để chị em ngồi vắt sữa một cách kín đáo, poster vừa trang trí cho cabin thêm sinh động vừa để hướng dẫn chị em các thao tác vắt, bảo quản và trữ sữa mẹ. Việc vắt sữa được hỗ trợ bằng bộ dụng cụ chuyên dụng do Ban nữ công trang bị. Sữa đựng vào các bình, chai sạch, bảo quản lạnh trong các ngăn tủ theo chế độ chuẩn đã được cài đặt sẵn để sau giờ làm việc, sữa không bị hỏng và trẻ có thể sử dụng bình thường. Với sự hỗ trợ và hướng dẫn chi tiết, việc vắt sữa chỉ gói gọn trong khoảng 10 phút, chị em sau đó có thể quay về tiếp tục công việc của mình.
 
Sữa mẹ được vắt và trữ trong tủ lạnh trong cabin tại các
khu công nghiệp
 
Cabin vắt sữa được khởi động từ tháng 5/2012. Trước đó, đã có một số ý kiến nghi ngại về mô hình mới này bởi dù diện tích nhỏ nhưng cabin đặt tại khu văn phòng hoặc phòng y tế nằm cách xa khu sản xuất. Có một số chủ sử dụng lao động lo sợ việc bỏ dây chuyền sản xuất đi vắt sữa có thể ảnh hưởng đến công việc chung… Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng đưa vào sử dụng, hiệu quả thu được theo đánh giá chung của cán bộ công đoàn tại KCN Thăng Long là “bất ngờ ngoài dự kiến”. Chị Phạm Thị Phương – đại diện công ty TNHH Denso Việt Nam cho biết: Hiện nay tổng số công nhân nữ tại đây là 630/900 trong đó 500 nữ công nhân đang ở độ tuổi sinh nở. Sau khi nghỉ chế độ thai sản, chị em quay lại làm việc, không có điều kiện cho trẻ bú liên tục. Trong giờ làm việc, một số chị em phải vắt bỏ sữa một cách lãng phí.
 
Vì vậy, khi đưa vào sử dụng, cabin trữ và vắt sữa đã được “khai thác” một cách triệt để. Tại công ty TNHH Panasonic System Networks Việt Nam, Denso Việt Nam, trong ngày làm việc có khoảng từ 20-25 nữ công nhân đang nuôi con nhỏ vắt sữa từ 2-3 lần. Các ngăn tủ gần như chật kín các bình trữ sữa. Ngoài 2 DN này, một cabin trữ và vắt sữa đang được hoàn thiện tại công ty TNHH Canon Việt Nam – nơi đang có hơn 9.000 nữ công nhân độ tuổi sinh nở.

Việc làm nhân văn cần được nhân rộng
 
Tổ chức Y tế thế giới và rất nhiều nhà khoa học trong, ngoài nước đã nhiều lần khẳng định sự cần thiết cho cả bà mẹ và trẻ em khi trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục đến 24 tháng. Nhưng, lâu nay chúng ta mới nặng về tuyên truyền trên lý thuyết nên không mang lại hiệu quả cao. Trong thực tế, suốt một thời gian dài vừa qua, sau thời kỳ nghỉ chế độ thai sản, chị em đang nuôi con nhỏ tại các DN gần như thiếu các biện pháp hỗ trợ để thực hiện tốt thiên chức làm mẹ. Chưa kể, theo TS Đỗ Thị Kim Liên – Hội Dinh dưỡng VN, do đặc thù công việc, nhất là chị em làm ca kíp, nhà xa, công việc vất vả, thời gian nghỉ giữa ca ngắn, không cho con bú thường xuyên và liên tục còn làm suy giảm chất lượng sữa mẹ.
 
Vì vậy, sự ra đời của cabin trữ và vắt sữa mẹ tại DN là việc làm nhân văn, là sự cụ thể hóa thiết thực và có ý nghĩa nhất cho những khẩu hiệu nuôi con bằng sữa mẹ mà lâu nay chúng ta vẫn tuyên truyền. Từ thực tế triển khai cabin trữ và bảo quản sữa mẹ tại các KCN và kết quả bước đầu cho thấy, với kích thước vừa phải, không chiếm quá nhiều diện tích, việc đầu tư trang thiết bị cũng không quá tầm của các DN thì việc nhân rộng mô hình này là hoàn toàn có thể thực hiện được. Điều cốt yếu nhất, theo nhận định của những người trực tiếp tham gia chương trình thì Ban nữ công, Tổng Liên đoàn lao động VN cần phổ biến và phát động việc xây dựng mô hình này đến các DN, nhất là DN đông LĐ nữ; đưa ra mô hình mẫu để DN làm theo; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền phối hợp với các việc làm cụ thể, trong đó có việc xây dựng cabin trữ và vắt sữa trong chương trình hoạt động của các cấp công đoàn, coi đây như phần việc không thể thiếu trong các hoạt động chăm sóc, bảo vệ quyền lợi cho LĐ nữ và trẻ em.
 
 Ngoài 3 DN tại KCN Thăng Long, Hà Nội, 12 DN khác tại Hải Phòng, Đà Nẵng và tỉnh Thanh Hóa cũng được thí điểm lắp đặt cabin trữ và vắt sữa (phòng vắt sữa). Đây là một trong ba bước quan trọng nhất của chương trình DN thân thiện với trẻ nhỏ do Tổng Liên đoàn LĐ triển khai. 
 

Việt Bách
http://baophunuthudo.vn/sites/ePaper/PNTD/Detail.a
Cập nhật: 22/10/2012
Lượt xem: 13796
Lên trên
Đánh giá dinh dưỡng
( Cho người trưởng thành )
Cân nặng
kg
Chiều cao
m
Kết quả B.M.I
Đánh giá
Mặt trời bé thơ - Viện Dinh dưỡng (NIN)
Địa chỉ: 48B, Tăng Bạt Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3971 7090 - Fax : (84-4) 3971 7885 - Email: ninvietnam@viendinhduong.vn
© 2011 mattroibetho.vn. Số đăng ký 180/GP-TTĐT. Cấp ngày 10/10/2011 - Thiết kế website bởi BICWeb.vn™