( Alive & Thrive)
Chị Lan mới sinh con được hơn một tháng, thấy bé đòi bú rất nhiều lần thì rất lo rằng mình không đủ sữa cho con bú. Chị cũng như rất nhiều bà mẹ khác luôn luôn băn khoăn với câu hỏi “Tôi có đủ sữa cho con bú không?”
Thông thường một trẻ khỏe mạnh, đủ tháng thường bú sữa mẹ thường xuyên cách khoảng hai ba giờ để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Điều này có nghĩa là con bạn có thể bú từ tám đến mười hai lần mỗi ngày. Bạn cũng cần nhớ rằng một số trẻ có xu hướng bú liên tục trong vài giờ liền rồi sau đó ngủ liên tục trong vòng vài tiếng sau đó. Sữa mẹ là sữa dành riêng cho trẻ, giúp trẻ tiêu hóa nhanh chóng và dễ dàng hơn. Khi mới sinh ra, dạ dày của trẻ rất nhỏ, vì vậy chỉ một ít sữa non có sẵn trong vú mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cho trẻ. Dạ dày trẻ còn nhỏ, sữa mẹ lại dễ tiêu hóa, dễ hấp thu nên việc bé đòi bú nhiều lần là hoàn toàn bình thường. Đặc biệt, trẻ sơ sinh cần được cho bú thường xuyên để trẻ nhận được đầy đủ các dưỡng chất và nước cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ và bạn cũng đừng lo rằng mình không có đủ sữa.
Tuy nhiên, các bà mẹ thường có những thắc mắc khác và cho rằng mình không có đủ sữa cho con bú. Nhiều bà mẹ không biết những gì mình trải qua có phải trong “ngưỡng” bình thường hay không. Dưới đây là những lo lắng thường gặp khác:
Chị Hằng, 20 tuổi, ở Thái Nguyên tâm sự: “em thấy chị A. khi cho con bú thấy ngực bên kia chảy sữa, vậy mà sao ngực của của em không thấy chảy sữa khi cho con bú. Như vậy có phải em không có tạo đủ sữa không? Thực ra là chảy sữa không liên quan gì đến việc mẹ có tạo nhiều hay ít sữa. Khi vấn đề cung cấp của sữa mẹ được thiết lập tốt thì việc chảy sữa thường giảm hoặc dừng hẳn. Một số bà mẹ có hiện tượng chảy sữa kéo dài hơn những người khác, một số bà mẹ tuy không có hiện tượng chảy sữa nhưng bé vẫn hoàn toàn bú được sữa từ trong bầu ngực mẹ.
Chị An, Đà Nẵng thì lại thắc mắc: “Khi tôi bơm hút sữa thì thấy một bên tạo nhiều sữa hơn. Như vậy có gì không ổn không? “ Trên thực tế, mỗi bầu vú đều có sự khác biệt nhau ít nhiều và do cơ thể người không hoàn toàn đối xứng thì vú cũng vậy. Thông thường một bên vú có nhiều nang tạo sữa hơn bên kia. Thực tế, đôi khi trẻ thích bên tạo nhiều hoặc có khi lại là bên tạo ít sữa hơn, và điều đó là hoàn toàn bình thường.
Khi bà mẹ đã quen với việc cho con bú thì ngực của bà mẹ không còn cảm thấy “căng đầy” khi đến giờ cho bú. Như vậy không có nghĩa rằng việc tạo sữa một cách cứng nhắc đã bị giảm. Lúc này do việc cung cấp sữa mẹ được điều chỉnh thích nghi theo nhu cầu của đứa trẻ, cảm giác đầy hoặc căng cứng mà trước đây bà mẹ cảm thấy sẽ giảm dần đi. Khi đó, các bà mẹ không còn cảm giác thấy xuống sữa hoặc phản xạ phun sữa. Điều đó có thể xảy ra sau một thời gian, khi bà mẹ đã quen với việc cho con bú. Một số bà mẹ không còn thấy xuống sữa nhưng họ có thế biết được là có sữa hay không dựa vào việc quan sát đứa trẻ cách bú và nuốt. Bạn thấy bé vẫn nuốt sữa và sau đó đi tiểu bình thường có nghĩa là bạn vẫn hoàn toàn có đủ sữa cho con bú.
Cho trẻ bú đáng được coi là một kinh nghiệm đầy thích thú. Bạn cũng nên biết rằng, khi trẻ không còn nằm trong bụng mẹ nữa thì vòng tay mẹ chính là nơi tạo cho trẻ cảm giác an toàn nhất. Sự chở che chắc chắn của bạn hôm nay sẽ là nền tảng giúp con bạn có thể bước những bước vững chắc và an toàn trên những chặng đường tiếp theo trong đời. Cho trẻ bú thường xuyên cũng là biện pháp để đảm bảo cơ thể mẹ được kích thích và sản sinh đủ lượng sữa cần thiết cho trẻ. Điều này có nghĩa rằng trẻ bú càng nhiều thì cơ thể mẹ sẽ tiết ra càng nhiều sữa Vì vậy, không có lí do gì mà bạn không cho con bú thật nhiều, đúng không?