1. Vì sao sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ em trong năm đầu của cuộc đời ?
Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ, vì trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỷ lệ thích hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ. Bú mẹ, trẻ sẽ lớn nhanh, phòng được suy dinh dưỡng.
Sữa mẹ chứa nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, chống các bệnh nhiễm khuẩn nhất là tiêu chảy và viêm đường hô hấp. Do tác dụng kháng khuẩn của sữa mẹ nên trẻ được bú sữa mẹ sẽ ít mắc bệnh. Trẻ bú mẹ ít bị dị ứng, eczema
Cho con bú sữa mẹ sẽ thuận lợi và kinh tế vì không phụ thuộc vào giờ giấc, không cần phải đun nấu, dụng cụ pha chế, không mất tiền mua. Khi người mẹ ăn uống đầy đủ, tinh thần thoải mái sẽ có đủ sữa cho con bú.
Nuôi con bằng sữa mẹ có điều kiện gắn bó tình cảm mẹ con, người mẹ có nhiều thời gian gần gũi tự nhiên, đó là yếu tố tâm lý quan trọng giúp cho việc phát triển hài hoà của đứa trẻ.
Cho con bú góp phần hạn chế sinh đẻ và làm giảm tỷ lệ ung thư vú, tử cung.
2. Cách cho con bú.
Nhiều bà mẹ sau khi sinh chỉ thường cho con bú khi bầu vú căng sữa, người ta thường quen gọi là xuống sữa, như vậy là không đúng vì càng làm sữa xuống chậm thì càng dễ bị mất sữa. Tốt nhất, ngay sau khi sinh trong vòng nửa giờ đầu người mẹ nên cho trẻ bú. Bú càng sớm càng tốt. Vì sữa mẹ tiết ra theo phản xạ, bú sớm có tác dụng kích thích bài tiết sữa sớm. Trẻ được bú sữa non sẽ phòng bệnh được tốt. Động tác bú của trẻ có tác dụng co hồi tử cung và cầm máu cho người mẹ sau đẻ.
Số lần cho trẻ bú không gò bó theo giờ giấc mà tuỳ thuộc vào yêu cầu của trẻ. Ban đêm vẫn có thể cho trẻ bú nếu trẻ khóc đòi ăn. ở những bà mẹ ít sữa nên cho trẻ bú nhiều để kích thích bài tiết sữa tốt hơn.
Cách cho trẻ bú đúng, có hiệu quả:
+ Tư thế:
Tùy điều kiện mẹ có thể cho trẻ bú ở tư thế nằm hay ngồi nhưng phải đảm bảo bà mẹ và trẻ đều ở tư thế thoải mái, thư giãn.
. Đầu và thân trẻ phải nằm trên cùng một đường thẳng
. Cơ thể trẻ sát với cơ thể mẹ
. Mắt trẻ đối diện với vú và môi trẻ đối diện với núm vú
. Có thể cần phải đỡ mông trẻ (nếu trẻ là trẻ sơ sinh)
. Trong khi cho con bú bà mẹ không nên dùng các ngón tay đỡ vú sát với quầng vú quá.
+ Ngậm bắt vú: . Miệng trẻ mở rộng, má trẻ căng phồng, cằm tỳ vào vú mẹ.
. Quầng vú ở phía trên miệng trẻ còn lại nhiều hơn quầng vú ở phía dưới.
. Khi trẻ bú không nghe thấy tiếng tóp tép.
+ Hậu quả của ngậm bắt vú sai:
Đau và tổn thương ở núm vú (có thể nứt núm vú),
Trẻ bú không có hiệu quả làm sữa ứ đọng gây cương tức vú,
Vú sẽ tạo ít sữa đi,
Trẻ hay khóc đòi bú hoặc từ chối bú mẹ,
Trẻ tăng cân kém,
- Thời gian mỗi bữa bú: Tuỳ theo từng trẻ. Cho trẻ bú kiệt một bên vú rồi mới chuyển sang vú khác để trẻ nhận được sữa cuối giàu chất béo.
- Thời gian cai sữa: Trẻ được bú mẹ thời gian càng lâu càng tốt. Thời gian cai sữa ít nhất là 12 tháng, nên cho trẻ bú kéo dài 18-24 tháng hoặc hơn. Không nên cai sữa qúa sớm hoặc chưa đủ thức ăn thay thế hoàn toàn những bữa bú mẹ. Khi trẻ bị bệnh, nhất là ỉa chảy thì không nên cai sữa, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng.
- Cách cai sữa: Khi cai sữa thì nên cai từ từ, không nên cai sữa đột ngột vì trẻ cần thời gian để thích nghi với chế độ ăn mới. Cai sữa đột ngột, trẻ bỏ bú ngay, thậm chí tách trẻ khỏi người mẹ dễ gây sang chấn tinh thần, trẻ không chịu ăn. Nên cho ăn thêm các thức ăn khác trước đó 2-3 tháng, sau đó trẻ sẽ bú ít dần và sữa mẹ cũng sản xuất ít dần. Khi cai sữa cho trẻ cần chú ý:
Không cai sữa quá sớm, khi trẻ chưa đủ thức ăn thay thế hoàn toàn sữa mẹ.
Không nên cai sữa vào mùa hè nóng nực, trẻ kém ăn.
Không nên cai sữa đột ngột dễ làm trẻ quấy khóc, biếng ăn.
Không cai sữa khi trẻ bị ốm, nhất là khi bị tiêu chảy.
Sau khi cai sữa, cần có các chế độ ăn thay thế đảm bảo đủ chất cho trẻ, nhất là chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ...), chất béo (dầu, mỡ) và các loại rau, quả...
- Khi mẹ bị bệnh hoặc ốm yếu, trẻ bị đẻ non, mà trẻ không bú được thì nên vắt sữa và cho ăn bằng thìa. Trong trường hợp bà mẹ có thai thì vẫn có thể cho con bú, sữa mẹ vẫn tốt tuy rằng số lượng có thể giảm. Bà mẹ nên được ăn thêm trong thời gian này. Cho trẻ bú mẹ sẽ không gây nguy hiểm gì cho bào thai.
- Những lợi ích của vắt sữa: Vắt sữa có ích trong những trường hợp sau:
Giảm bớt căng tức sữa hoặc tắc ống dẫn sữa
Mẹ có núm vú tụt vào trong phải vắt sữa cho trẻ ăn trong khi trẻ đang tập bú.
Vắt sữa cho trẻ từ chối bú mẹ ăn trong khi tập bú trở lại.
Vắt sữa cho trẻ ốm hoặc trẻ sơ sinh có cân nặng thấp ăn khi trẻ không thể bú được.
Duy trì sự tạo sữa khi mẹ phải đi làm xa hoặc mẹ bị ốm khôngcho trẻ bú được,
Đề phòng núm vú bị khô nứt hoặc đau.
- Kỹ thuật vắt sữa bằng tay: (nên để bà mẹ tự làm lấy)
Rửa tay sạch.
Ngồi hoặc đứng ở tư thế thoải mái và giữ một cốc đựng sữa ở gần vú
Đặt ngón tay cái ở phía trên quầng vú và núm vú, ngón tay trỏ đặt ở phía dưới quầng vú và núm vú đối diện với ngón tay cái, các ngón tay khác đỡ vú, ấn ngón cái và ngón trỏ một cách nhẹ nhàng về phía trong và vào thành ngực. Không nên ấn mạnh quá vì ấn mạnh có thể làm tắc ống dẫn sữa. ấn vào rồi bỏ ra, làm lại nhiều lần. Việc này không gây đau, nếu đau nghĩa là kỹ thuật làm sai. Xoay ngón tay vào quầng vú vùng bên cạnh để đảm bảo rằng sữa được vắt ra từ tất cả các xoang sữa.
Tránh xoa bóp hoặc trượt các ngón tay dọc theo da, tránh ép vào núm vú vì ấn hoặc kéo núm vú không làm cho sữa chảy ra.
Vắt mỗi bên vú tối thiểu 3 đến 5 phút cho tới khi dòng sữa chảy chậm lại thì chuyển sang bên kia và sau đó lại vắt lại ở cả hai bên.
3. Bảo vệ nguồn sữa mẹ.
Muốn có sữa cho con bú thì ngay trong thời kỳ có thai người mẹ cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, có chế độ nghỉ ngơi, lao động hợp lý, tinh thần thoải mái, giúp người mẹ tăng cân tốt (10- 12kg), đó là nguồn dự trữ mỡ để sản xuất sữa sau khi sinh.
Khi cho con bú, điều trước tiên cần phải quan tâm là người mẹ cần phải ăn đủ, uống đủ ngủ đẫy giấc. Người mẹ nên ăn uống bồi dưỡng. Khẩu phần ăn cần cao hơn mức bình thường. Hàng ngày ăn thêm vài bát cơm, một ít thịt, cá, trứng hoặc một ít rau, đậu. Nên ăn thêm quả chín để có đủ vitamin, các món ăn cổ truyền như cháo chân giò gạo nếp, ý dĩ thường có tác dụng kích thích bài tiết sữa. Nên hạn chế các thức ăn gia vị như ớt, hành, tỏi có thể qua sữa gây mùi khó chịu, trẻ dễ bỏ bú.
Khi cho con bú, nên hạn chế dùng thuốc vì một số thuốc có thể qua sữa gây ngộ độc cho trẻ và làm giảm tiết sữa.
Người mẹ cho con bú nên uống nhiều nước nhất là cháo, nước quả, sữa...(mỗi ngày từ 1,5-2 lít).
Vì sữa mẹ được tiết theo cơ chế phản xạ, cho nên tinh thần của người mẹ phải thoải mái, tự tin tránh những căng thẳng, cảm xúc buồn phiền, lo âu, mất ngủ. Chế độ lao động nghỉ ngơi sau đẻ có ảnh hưởng đến bài tiết sữa.
4. Những dấu hiệu chứng tỏ trẻ không nhận đủ sữa
Có hai dấu hiệu chắc chắn:
· Tăng cân kém dưới 500g/tháng. Kiểm tra sự tăng cân của trẻ, bình thường trong 6 tháng đầu, mỗi tháng trung bình phải tăng cân ít nhất là 500g hoặc 125g/tuần. Đối với trẻ sơ sinh trong tuần đầu sau đẻ có hiện tượng sụt cân sinh lý, nếu trẻ không nhận đủ sữa thì cân của trẻ ở tuần thứ hai thấp hơn cân nặng lúc đẻ.
· Đi tiểu ít, ước tiểu cô đặc - theo dõi nước tiểu, nếu trẻ đi tiểu ít hơn 6 lần một ngày, nước tiểu cô đặc là trẻ không nhận đủ sữa.
Khi phát hiện trẻ không nhận đủ sữa thì phải tìm nguyên nhân, thường là do cách ngậm bắt vú sai hoặc không cho trẻ bú thường xuyên.