Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng đầy đủ và quý giá nhất cho trẻ. Trong sữa mẹ có nhiều thành phần quan trọng giúp cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ. Taurine là một axít amin có trong sữa mẹ chính là một trong những thành phần đó. Trong cơ thể, Taurine tập trung ở cơ xương và thần kinh trung ương.
Chức năng chính của Taurine là kết hợp với các axít mật và glycine tham gia nhiều quá trình chuyển hoá quan trọng. Taurine có nồng độ cao trong các mô cơ thể, trên võng mạc, bạch cầu và được xem là có chức năng chống ôxy hoá hoặc bảo vệ cơ thể với các chất phóng xạ. Taurine còn hỗ trợ cho sự phát triển bình thường của thần kinh trung ương và hệ thống thị lực trước cũng như sau khi sinh. Đây là vai trò quan trọng không thể thay thế được của Taurine. Vì vậy, nếu trẻ mới sinh không đủ lượng Taurine rất dễ bị tổn thương võng mạc, hạn chế sự phát triển của cơ quan tiếp nhận ánh sáng, làm suy yếu thị lực dẫn đến giảm hoặc mất khả năng nhìn. Ngoài ra, Taurine còn có khả năng bảo vệ, ngăn ngừa tác động của một số thành phần độc hại trong cơ thể sinh ra. Thí nghiệm trên động vật cho kết quả là khi bổ sung một lượng Taurine thích hợp vào khẩu phần thì có thể đề phòng được sự kích thích gây tổn hại thần kinh, đề phòng xơ vữa động mạch và không làm tăng lipid máu.
Taurine được xem như một axít amin cần thiết có điều kiện. Vì vậy, khi sử dụng các loại sữa có bổ sung Taurine cần phải chú ý tới liều lượng để tránh dư thừa hoặc thiếu hụt, gây mất cân bằng chuyển hoá axít amin trong cơ thể trẻ em. Trong sữa mẹ (sữa non) lượng Taurine là 41,3± 7,1μmol/100ml và 33,7± 2,81μmol/100ml trong sữa sau 7 ngày sinh con. Lượng Taurine trong sữa mẹ của người ăn chay thường thấp hơn so với người không ăn chay nhưng vẫn cao gấp 30 lần so với lượng Taurine trong sữa bò.
Trên thị trường Việt Nam hiện nay, các sản phẩm có bổ sung Taurine chủ yếu tập trung ở hai loại sản phẩm chính là nước uống tăng lực và các loại sữa bột cho trẻ. Nhưng cho dù một số loại sữa bột có bổ sung Taurine cũng không nên lạm dụng chúng hoặc dùng sữa bột để thay thế sữa mẹ vì sữa mẹ vẫn luôn là thức ăn tốt nhất đối với trẻ nhỏ.
PGS. TS. Nguyễn Thị Lâm- Viện Dinh dưỡng
Nguồn: Viện Dinh dưỡng