Trong những tuần đầu sau sinh, tư thế bú đúng vô cùng quan trọng. Nếu bạn và trẻ cùng có tư thế đúng thì núm vú bạn sẽ lành lặn và trẻ sẽ bú được hiệu quả nhất. Những lo lắng về núm vú bị tổn thương thường hay gặp ở các bà mẹ. Tạo tư thế bú đúng sẽ giúp rất nhiều trường hợp tổn thương núm vú.
Đây có thể là một bài viết khá dài. Bạn yên tâm đi vì bú mẹ đã là một thực hành thành công mà nhiều bà mẹ và trẻ đã trải qua trong nhiều thế kỉ. Tuy nhiên, cũng như các thực hành trông chừng như đơn giản, nó lại mất rất nhiều lời để có thể mô tả được. Các bác sỹ tư vấn về nuôi dưỡng trẻ nhỏ đều có kinh nghiệm hướng dẫn đặt trẻ vào vú mẹ, Nếu bạn thấy việc đặt trẻ vào vú mẹ khó thực hiện thì bạn có thể liên hệ với bác sỹ của chúng tôi để có thêm thông tin và hỗ trợ.
Những bước cơ bản để có tư thế tối ưu
1. Tạo tư thế thoải mái cho bản thân với lưng được đỡ, gối kê cánh tay và trên đùi, và đỡ bàn chân.
2. Đặt trẻ sát vào người bạn, quay hông trẻ để bụng trẻ áp vào bụng mẹ, do đó trẻ không phải quay đầu để bắt vú. Miệng và mũi trẻ đối diện với núm vú. Khi bạn có tư thế thoải mái thì nhờ người nhà trao trẻ cho bạn để đưa vào vú.
3. Đỡ vú của bạn để vú bạn không đè lên cằm của trẻ. Cằm của trẻ tựa vào vú của mẹ.
4. Đưa trẻ vào vú mẹ. Khuyến khích trẻ mở miệng rộng và kéo trẻ lại gần bằng cách đỡ vào lưng trẻ (chứ không phải đỡ gáy trẻ) để cằm của trẻ tựa vào vú mẹ. Mũi trẻ sẽ chạm vào vú mẹ. Tay của bạn sẽ tạo nên một “cái cổ thứ hai” cho trẻ.
5. Thưởng thức! Nếu bạn thấy đau, gỡ trẻ ra nhẹ nhàng và thử lại.
Những bước này có thể phải thử đi thử đi thử lại những tuần đầu tiên. Bạn và trẻ sẽ tìm ra được kỹ thuật tốt nhất cho bản thân sau vài lần tập.
Vượt qua những điểm cơ bản
Khi bạn và trẻ đã có kinh nghiệm hơn trong việc cho bú, bạn sẽ thấy tư thế cho bú có thể thay đổi theo nhiều cách khác nhau, thậm chí giữa những lần bú cũng khác nhau. Kiểu nào mà bạn vẫn thấy thoải mái và trẻ bú thành công thì cứ tiếp tục sử dụng. Có thể thử 4 tư thế dưới đây.
Nên nhớ rằng, ở bất cứ tư thế nào thì điều quan trọng là phải nâng trẻ lên ngang tầm với núm vú. Nếu cong người hay hướng vú về phía trẻ sẽ gây đau lưng, căng cơ cổ, vai và tổn thương núm vú.
Bú tựa lưng, hay cho bú sinh lý
Bú tựa lưng hay cho bú sinh lý có nghĩa là tạo cảm giác thoải mái cho mẹ với trẻ và khuyến khích bản năng bú mẹ của cả bạn và trẻ.
• Mặc quần áo cho mẹ con thoải mái
• Tìm một cái giường hoặc ghế tựa mà bạn có thể ngả lưng và được đỡ tốt, không phải mặt phẳng nhưng bạn có thể tựa lưng để khi đỡ con trên ngực thì trọng lượng của trẻ sẽ giữ trẻ ở tư thế như đổ khuôn trên cơ thể bạn.
• Kê đầu và vai của bạn. Để cho toàn bộ phía trước cơ thể trẻ tiếp xúc với phía trước cơ thể bạn.
• Do bạn tựa người trên giường hoặc ghế nên trẻ có thể tựa trên người bạn theo bất kỳ tư thế nào bạn muốn.
• Để má của trẻ tựa gần bầu vú bạn
• Hãy giúp trẻ làm những gì trẻ muốn. Các bạn là cùng một đội.
• Có thể giữ vú hoặc không tùy bạn
• Thư giãn và vui thích cùng nhau.
Tư thế bế ẵm
Tư thế bế ẵm được sử dụng phổ biến nhất sau những tuần đầu tiên, Tư thế này giúp bạn có kiểm soát tốt hơn.
Để cho con bú khi bạn bế ẵm trẻ trên đùi, trẻ phải được đỡ nằm nghiêng, tựa trên vai và hông, miệng ngang với núm vú của mẹ. Sử dụng gối để kê đỡ trẻ và đỡ khuỷu tay bạn để nâng trẻ lên ngang tầm núm vú, đặc biệt trong những tuần đầu. Dùng bàn tay phía bên kia để nâng vú theo kiểu chữ C (với ngón cái phía trên quầng thâm và 4 ngón còn lại đỡ phía dưới vú).
Đầu của trẻ sẽ tựa trên cẳng tay của mẹ, thân trẻ nằm dọc mặt trong cẳng tay và lòng bàn tay. Miệng trẻ phải ngậm sâu vào quầng thâm vú. Đảm bảo tai, vai và hông trẻ nằm trên một đường thẳng. Đầu và mông cân bằng nhau.
Tư thế bế chéo
Trong những tuần đầu tiên, nhiều bà mẹ thấy rằng biến thể của tư thế bế ẵm, còn gọi là bế chéo, có thể có tác dụng. Ở tư thế nàu, cơ thể trẻ được đỡ bằng gối đặt trên đùi bạn để nâng trẻ lên ngang tầm núm vú. Gối cũng đỡ cả 2 khuỷu tay bạn để tay bạn không phải đỡ trọng lượng cơ thể trẻ do đó sẽ đỡ mỏi khi cho bú.
Nếu bạn chuẩn bị cho trẻ bú vú bên trái thì tay trái của bạn đỡ vú trái theo kiểu chữ U (xem Kĩ thuật đỡ vú bên dưới). Bạn đỡ trẻ bằng các ngón tay của bàn tay phải bằng cách nhẹ nhàng đặt bàn tay bạn sau tai và cổ trẻ sao cho ngón cái và ngón trỏ nằm sau mỗi tai trẻ. Cổ của trẻ sẽ được tựa trên khoảng giữa ngón cái, ngón trỏ và lòng bàn tay, tạo nên một “cái cổ thứ hai” cho trẻ. Lòng bàn tay bạn đặt giữa 2 mỏm cùng vai của trẻ. Khi đưa trẻ vào vú mẹ thì đảm bảo miệng của trẻ đã được đặt gần vú mẹ. Khi trẻ mở miệng rộng, bạn đẩy lòng bàn tay từ giữa hai mỏm vai của trẻ. Miệng trẻ phải ngậm sâu vào quầng thâm vú.
Tư thế ôm chặt hoặc bóng đá
Đây là tư thế tốt cho các bà mẹ mổ đẻ vì nó giữ trẻ xa khỏi vết mổ. Hầu hết trẻ em đều thấy thoải mái với tư thế này. Nó còn có tác dụng nếu mẹ có phản xa phun sữa (xuống sữa) vì nó giúp trẻ có thể kiểm soát được dòng chảy dễ dàng hơn.
Ở tư thế ôm chặt này, bạn đỡ đầu của trẻ trong tay của mình và lưng của trẻ dọc theo cánh tay bên cạnh bạn. Bạn đỡ ngực với tư thế chữ C (xem thêm mô tả bên dưới). Mặt trẻ đối diện bạn và miệng ngang tầm núm vú. Chân và bàn chân trẻ được kẹp dưới cánh tay bạn với hông gập lại và chân trẻ tựa dọc trên phần đỡ lưng của bạn sao cho lòng bàn chân hướng lên trần nhà (để tránh trẻ đẩy chân vào ghế của bạn). Dùng nhiều gối kê để nâng cao trẻ vừa tầm.
Tư thế nằm nghiêng
Nhiều bà mẹ thấy nằm cho bú là tư thế thoải mái, nhất là vào ban đêm. Cả mẹ và trẻ cùng nằm nghiêng, mặt đối diện nhau. Bạn có thể kê gỗi dưới lưng, dưới hoặc giữa hai đầu gối cho thoải mái. Một cái gối hoặc chăn gấp lại kê sau lưng trẻ sẽ giữ trẻ không xoay người ra xa khỏi mẹ. Có thể ôm trẻ trong tay với thân trẻ dọc them cẳng tay bạn. Để hông trẻ gập lại và tai, vai và hông nằm trên một đường thẳng sẽ giúp trẻ nhận sữa được dễ dàng hơn. Một số bà mẹ còn thấy thực hành ở tư thế này vào cả ban ngày cũng có tác dụng tốt.
Kỹ thuật nâng đỡ vú
Khi bạn đỡ trẻ ở bất kỳ tư thế nào nói trên, bạn có thể phải nâng đỡ vú của bạn bằng tay còn lại. Việc đó sẽ giảm trọng lượng của vú đè lên cằm trẻ, giúp trẻ có thể bú một cách hiệu quả hơn.
Giữ ở tư thế chữ "C"—Xem hình vẽ tư thế bế ẵm ở trên. Đỡ vú bạn với ngón tay cái ở bên trên, không chạm vào quầng thâm của núm vú còn những ngón tay khác ở phía dưới vú. Các ngón tay cũng phải cách xa miệng của trẻ. Việc giữ này có tác dụng trong tư thế ôm chặt hay bóng đá cũng như tư thế bế ẵm.
Giữ ở tư thế chữ "U"—Đặt các ngón tay phẳng lên vùng xương sườn phía dưới vú với ngón trỏ ở phần nếp gấp bên dưới vú. Hạ khuỷu tay để vú bạn được đỡ giữa ngón cái và ngón trỏ. Ngón tay cái của bạn sẽ nằm bên phần ngoài của vú và những ngón tay còn lại nằm ở phần bên trong. Việc giữ này có tác dụng khi cho bú ở tư thế bế ẵm hoặc bế chéo.
Con tôi ngậm bắt vú có tốt không?
Khi đưa trẻ vào ngậm bắt vú, dùng núm vú chạm nhẹ vào giữa của môi dưới trẻ. Việc đó sẽ khuyến khích trẻ mở miệng rộng ra (như khi trẻ ngáp). Hướng đầu vú bạn nhẹ nhàng về phía cuối của miệng trẻ đồng thời đưa trẻ về phía mình với cằm hướng ra trước.
Các điểm đánh giá ngậm bắt vú đúng bao gồm:
• Mũi của trẻ gần chạm vào vú mẹ, tức là khoảng cách nhỏ hơn một tấm bìa cứng.
• Môi trẻ ngậm kín
• Miệng trẻ ngậm sâu vào quầng thâm vú
Nếu việc ngậm bắt vú làm bạn khó chịu và đau thì nhẹ nhàng đặt ngón tay của bạn vào miệng trẻ, giữa hai lợi để gỡ trẻ ra và thử đặt lại.
Một đứa trẻ ngậm bắt vú được sẽ mút mà không nuốt khi nó chỉnh lại vị trí núm vú ở trong miệng và bắt đầu bảo cho vú bạn là nó đã sẵn sàng cho sữa xuống. Khi trẻ bắt đầu nhận sữa, bạn sẽ thấy hàm của trẻ cử động về phía tai. Thái dương của trẻ sẽ rung rung. Bạn còn có thể nghe thấy tiếng nuốt của trẻ, lúc đầu nhanh về sau chậm dần khi trẻ cảm giác đói của trẻ được thỏa mãn.