Trong hai năm đầu đời của trẻ, các bà mẹ thường gặp nhiều khó khăn khi ra quyết định nuôi dưỡng con mình như thế nào – quyết định sẽ ảnh hưởng tới cả cuộc đời trẻ sau này. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi một bà mẹ phải sống trong một môi trường không cho phép họ lựa chọn cách nuôi dưỡng con cái tốt nhất? Đơn cử như việc bà mẹ phải quay trở lại làm việc trước 6 tháng – trước khi họ có thế thực hiện sáu tháng nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ; hoặc nhận được những thông tin sai lạc về lợi ích của sữa bột so với sữa mẹ.
Chỉ trong 5 ngày của tháng 6 vừa qua, những hạn chế này đã được giải quyết ở Việt Nam. Vào ngày 18 tháng 6, Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu kéo dài thời gian nghỉ thai sản được hưởng trợ cấp xã hội từ 4 tháng lên 6 tháng. Một quyết định cực kỳ quan trọng đã được hơn 90% đại biểu Quốc hội bỏ phiếu ủng hộ - thể hiện một sự tiến bộ vượt bậc nếu so sánh với chính sách nghỉ thai sản của các nước khác ở khu vực Đông Nam Á.
Sau đó 3 ngày, vào ngày 21 tháng 6, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã có một bước đi quan trọng trong việc cấm quảng cáo các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dành cho trẻ dưới 24 tháng, bao gồm cả bình bú và vú ngậm nhân tạo. Luật này còn cấm quảng cáo các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Bước tiến đột phá này, với hơn 90% số phiếu ủng hộ, sẽ đưa luật pháp Việt Nam gần hơn với Luật quốc tế về marketing các sản phẩm thay thế sữa mẹ và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Y tế thế giới. Việt Nam giờ đây cùng với nhiều quốc gia khác trên thế giới đã đưa ra luật cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi.
Những thay đổi này không phải được thực hiện trong ngày một ngày hai mà là kết quả của nhiều năm hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Bộ Y Tế, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, UNICEF, Dự án Alive & Thrive và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các tổ chức này là các đối tác chính thực hiện một chiến lược vận động Quốc hội ra những quyết định chính sách quan trọng trên nhằm góp phần thay đổi tình trạng dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở Việt Nam.
Những thay đổi này đã được thông qua như thế nào? Khởi đầu với Nghiên cứu định hướng về nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ và Nghiên cứu quan điểm của người lãnh đạo, có một điều rõ ràng là Quốc hội Việt Nam cần những bằng chứng xác đáng (thông tin tổng hợp về văn hóa, xã hội, khoa học và kinh tế) để đưa ra những quyết định của mình. Ví dụ, một nghiên cứu do Dự án Alive & Thrive thực hiện chỉ ra rằng việc quay trở lại làm việc trước 6 tháng là một rào cản cơ bản đối với việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Những nghiên cứu và thông tin như vậy đã dẫn đến việc tổng hợp các bằng chứng và phát triển thành các tài liệu đầy thuyết phục để truyền tải những thông điệp quan trọng và xây dựng sự đồng thuận. Nỗ lực vận động hai chính sách đều nhấn mạnh lợi ích của nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú mẹ và những nguy cơ của việc không nuôi con bằng sữa mẹ. Điểm mấu chốt cho việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản chính là sự ủng hộ từ phụ nữ và người sử dụng lao động, thêm vào đó là nghiên cứu về khía cạnh kinh tế với khả năng đảm bảo chi trả của quỹ bảo hiểm xã hội.
Các quan hệ đối tác sau đó đã được xây dựng để tìm kiếm sự hỗ trợ và tín nhiệm cho các nỗ lực vận động với mục tiêu là hợp tác cao hơn với cơ quan Quốc hội. Các đối tác bao gồm Hội phụ nữ Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động, các hiệp hội y khoa. Các tổ chức này đã khởi xướng và hỗ trợ hàng loạt các cuộc hội thảo và hop mặt (chính thức và không chính thức) được tổ chức trên khắp cả nước trong 2 năm qua. Các cuộc hội thảo đã chia xẻ các bằng chứng, tạo diễn đàn thảo luận, xác định những câu hỏi và mối quan tâm chính, và kêu gọi và chia sẻ trách nhiệm hành động. Trong nỗ lực đó, các cơ quan truyền thộng Việt Nam đã luôn luôn đồng hành trong việc tuyên truyền về tác động của chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ kém đến sự phát triển kinh tế xã hội và sức khỏe của quốc gia. Kết quả đạt được chính là sự thay đổi của hai chính sách quan trọng tác động lên sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ!
Cam kết của Quốc hội Việt Nam về đầu tư cho sức khỏe trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là một điển hình thành công mà có thể đưa ra làm hình mẫu cho các quốc gia khác. Các đối tác (Bộ Y tế, Alive & Thrive, UNICEF và WHO) đang thực hiện một nghiên cứu điển hình để thông tin những hoạt động chính sách về dinh dưỡng trẻ nhỏ. Để biết thêm chi tiết, hãy liên hệ với chúng tôi!
Ellen Piwoz, Nemat Hajeebhoy, Vũ Thị Thu Hà, Đỗ Hồng Phương và Roger Mathisen