Các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha theo dõi hệ vi khuẩn có trong sữa mẹ, nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ sơ sinh, vừa phát hiện trong sữa mẹ có hệ vi khuẩn đa dạng hơn những gì chúng ta từng biết, với hơn 700 loài.
Kết quả đã được công bố trên tạp chí American Journal of Clinical Nutrition.
|
Các bác sĩ khuyên sữa mẹ vẫn là tốt nhất |
Phát hiện giúp cải thiện sức khỏe trẻ em
Tuy cho đến nay người ta vẫn chưa hiểu rõ về thành phần và vai trò sinh học của các loài vi khuẩn từ sữa mẹ đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh, nhưng đó là một trong những yếu tố quyết định về hệ vi khuẩn có lợi sẽ phát triển trong cơ thể trẻ sau này.
Các nhà khoa học Tây Ban Nha đã dùng kỹ thuật xác định chuỗi ADN đại trà của tập hợp vi khuẩn có trong sữa mẹ (được gọi là microbiome) và xác định được các điều kiện ở người mẹ trước và sau sinh ảnh hưởng đến các loài vi khuẩn hiện diện trong sữa mẹ như thế nào.
Các chi vi khuẩn phổ biến nhất trong các mẫu sữa non (còn gọi sữa su - là loại sữa được tiết đầu tiên từ tuyến vú của người mẹ sau khi sinh) chứa đến hơn 700 loài vi sinh vật, bao gồm các chi: Weissella, Leuconostoc, Staphylococcus, Streptococcus và Lactococcus. Trong khi đó, các mẫu sữa lấy từ giữa tháng đầu tiên và tháng thứ sáu của người mẹ có cho con bú cho thấy có sự hiện diện của các vi khuẩn điển hình thường gặp trong khoang miệng, chẳng hạn như Veillonella, Leptotrichia, Prevotella...
Các nhà nghiên cứu chưa thể xác định phải chăng các vi khuẩn này là từ sữa mẹ truyền vào miệng trẻ em, hoặc từ miệng trẻ bú mẹ đã đi vào bầu vú làm thay đổi thành phần vi khuẩn trong sữa mẹ.
Nghiên cứu cũng cho thấy sữa của các bà mẹ thừa cân hoặc những người tăng cân nhiều hơn mức chuẩn trong thời gian mang thai có chứa ít loài vi khuẩn hơn. Ngoài ra, các bà mẹ phải sinh mổ trước hạn kỳ có hệ vi khuẩn không phong phú bằng sữa của các bà mẹ sinh thường hoặc phải sinh mổ vào đúng kỳ sinh nở. Theo các tác giả: "Việc thiếu tín hiệu của sự căng thẳng sinh lý, cũng như các tín hiệu nội tiết tố cụ thể chuẩn bị cho việc sinh nở, có thể ảnh hưởng đến thành phần vi sinh vật và sự đa dạng của sữa mẹ".
Đối với các nhà nghiên cứu, những kết quả này đã mở ra cánh cửa mới cho việc thiết kế các chiến lược dinh dưỡng trẻ em, cải thiện sức khỏe. "Nếu vi khuẩn sữa mẹ được phát hiện trong nghiên cứu này là quan trọng cho sự phát triển của hệ thống miễn dịch, thì việc bổ sung chúng vào sữa bột cho trẻ sơ sinh có thể giảm nguy cơ dị ứng, hen suyễn và các bệnh tự miễn dịch", các tác giả kết luận.
Sữa mẹ là số 1
Cũng cần nhắc lại là cho đến nay, mặc dù ngành công nghiệp thực phẩm đã đưa ra rất nhiều công thức pha chế sữa cho trẻ, nhưng các nhà khoa học cũng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn khẳng định sữa mẹ là nguồn thực phẩm tốt nhất cho trẻ, từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi. Nó không chỉ bảo vệ bé chống lại nhiều căn bệnh như tiêu chảy, cảm sốt và hội chứng trẻ sơ sinh tử vong đột ngột, mà còn có thể giúp ngăn ngừa các bệnh như hen suyễn, dị ứng, béo phì trong tương lai và thúc đẩy sự phát triển trí tuệ.
Những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng mở rộng với người mẹ: phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ sẽ khắc phục tình trạng tăng cân do mang thai nhanh hơn và cũng giúp ngăn chặn chống lại thiếu máu, huyết áp cao và trầm cảm cho sản phụ sau sinh. Loãng xương và ung thư vú cũng ít phổ biến hơn trong số những phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ.
HUỲNH TRÀ KIỆU (Theo Science Daily)