Giống như thời gian một năm, 9 tháng 10 ngày mang thai ở phụ nữ được giới y khoa chia thành 3 quý. Trong đó ngoài các mốc phát triển của em bé, cơ thể người mẹ trải qua hàng loạt những thay đổi, và cả những hiện tượng lạ của thai kỳ mà mẹ cần biết.
Đau nhức cơ thể:
Trong khi mang thai, đặc biệt khi tử cung mở rộng, cơ thể phụ nữ phát sinh hiện tượng đau nhức, nhất là đau lưng, đau bụng, đau vùng háng và đùi. Đa phần đau lưng và đau xương chậu hông là do áp lực của đầu em bé trong bụng lớn dần, do cơ thể tăng cân, và các khớp cơ thể nới lỏng. Một số trường hợp thai than phiền đau chạy từ phía thắt lưng trở xuống bắp chân, bàn chân, chuyên môn gọi là đau thần kinh tọa (sciatica), diễn ra khi tử cung tạo áp lực lên các dây thần kinh hông.
Giải pháp: nên nằm nghỉ, dùng nhiệt nóng chườm, nếu không giảm cần tư vấn bác sĩ.
Thay đổi bầu vú:
Hầu hết phụ nữ khi mang thai đều gia tăng kích thước và có cảm giác bầu vú lớn hơn. Hiện tượng trên là bình thường, và càng đến ngày vượt cạn, nội tiết tố thay đổi thì bộ ngực càng lớn để chuẩn bị sữa cho giai đoạn nuôi con sau sinh. Nhiều người có cảm giác vú cồng kềnh, nặng nề hoặc cứng hơn. Ở quý 3 của thai kỳ, một số người xuất hiện hiện tượng rò rỉ sữa non.
Giải pháp: nên mang áo ngực rộng phù hợp với từng giai đoạn mang thai, nếu rò rỉ sữa nên đặt miếng thấm để giữ vệ sinh. Hãy gọi cho bác sĩ nếu thấy có khối u hoặc thay đổi núm vú hoặc chất tiết không phải sữa non hay làn da bầu vú thay đổi bất thường.
Táo bón:
Nhiều phụ nữ mang thai xuất hiện tình trạng táo bón. Các dấu hiệu gồm phân cứng, khô; tần suất đi đại tiện ít hơn 3 lần mỗi tuần và phát sinh đau đớn. Sở dĩ có tình trạng trên là do hoóc-môn tăng, làm cho quá trình tiêu hóa chậm lại, cơ bắp chuyển sang giai đoạn thả lỏng, ít co bóp. Thêm vào đó, áp lực của tử cung phát triển đẩy vào phía ruột cũng có thể làm tăng chứng táo bón.
Giải pháp: nên uống 8 - 10 ly nước mỗi ngày, không nên uống caffeine, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ như trái cây tươi hoặc khô, rau sống, và ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì. Tăng cường hoạt động thể chất nhẹ nhàng. Hãy gọi cho bác sĩ nếu hiện tượng táo bón trở nên trầm trọng.
Chóng mặt:
Nhiều người khi mang thai phàn nàn hay bị chóng mặt, đầu óc quay cuồng, thậm chí kéo dài suốt cả giai đoạn thai kỳ. Ngất xỉu tuy hiếm nhưng vẫn xảy ra ở một số phụ nữ mang thai khỏe mạnh. Có nhiều lý do để giải thích cho các hiện tượng trên. Ví dụ, sự phát triển của các mạch máu trong quý đầu thai kỳ, áp lực do tử cung mở rộng làm căng mạch máu, và cả nhu cầu thực phẩm của cơ thể người mẹ cũng góp phần làm tăng hiện tượng choáng váng và chóng mặt.
Giải pháp: nên đứng lên từ từ, tránh đứng quá lâu, không nên bỏ bữa, nằm nghiêng sang bên trái, mặc quần áo rộng. Hãy gọi cho bác sĩ nếu cảm thấy mắt mờ và bị chảy máu âm đạo hoặc đau bụng.
Mệt mỏi, khó ngủ:
Trong quá trình mang thai, người mẹ có thể cảm thấy mệt mỏi ngay cả khi đã có giấc ngủ tốt. Và cũng có nhiều phụ nữ cảm thấy như đang kiệt sức trong quý đầu mang thai. Đừng lo lắng, điều này là bình thường. Thực chất, đây là cách cơ thể phản ứng, báo cho người trong cuộc biết cần nghỉ ngơi nhiều hơn. Ở quý 2, mệt mỏi thường được thay bằng cảm giác hạnh phúc và dồi dào năng lượng. Nhưng trong quý ba, kiệt sức lại tái xuất hiện một lần nữa. Khi mệt mỏi nó ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ. Ngoài ra do em bé lớn dần, do trao đổi chất của cơ thể tăng cũng có thể làm gián đoạn hoặc làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Chân bị chuột rút cũng có thể làm cho giấc ngủ bị gián đoạn.
Giải pháp: nằm nghiêng bên trái, sử dụng gối hỗ trợ, chẳng hạn như gối phía sau lưng, hoặc kê gối ở những nơi thích hợp, để tạo cảm giác dễ chịu khi ngủ. Áp dụng thói quen ngủ tích cực, chẳng hạn như ngủ và thức đúng giờ, sử dụng giường ngủ cho mục địch ngủ và cho quan hệ vợ chồng. Nên đi ngủ sớm hơn một chút và tận dụng cả giấc ngủ trưa nếu đêm thiếu ngủ. Chỉ nên uống nước trong ngày, hạn chế uống nhiều nước trước khi đi ngủ.
Hầu hết phụ nữ khi mang thai đều gia tăng kích thước và có cảm giác bầu vú lớn hơn
Bệnh trĩ thai kỳ:
Đây là căn bệnh xuất hiện khi tĩnh mạch trong trực tràng bị sưng, gây ngứa, đau và chảy máu. Có trên 50% phụ nữ mang thai mắc bệnh này. Lý do, khi mang thai lượng máu tăng lên đột ngột, làm cho tĩnh mạch phồng to. Tử cung mở rộng gây áp lực lên tĩnh mạch ở trực tràng hoặc táo bón cũng có thể làm trầm trọng thêm bệnh trĩ và phần lớn sau khi sinh bệnh được cải thiện và tự khỏi.
Giải pháp: uống nhiều nước, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, như ngũ cốc nguyên hạt, rau lá xanh hoặc nấu chín, và trái cây. Nếu nặng, có thể tư vấn sử dụng các loại dược phẩm hay thảo dược để làm dịu bệnh trĩ.
Chuột rút:
Tại thời điểm khác nhau trong quá trình thai kỳ, phụ nữ thường gặp các cơn co thắt cơ đột ngột ở chân hoặc bàn chân, nhất là ban đêm, đây là cách mà cơ thể dùng để xử lý canxi.
Giải pháp: cử động nhẹ nhàng cơ bắp, nên tập thể dục nhẹ nhàng. Nếu chuột rút đột ngột, nên uốn cong bàn chân về phía trước. Tăng cường thực phẩm giàu canxi và bổ sung magiê theo tư vấn của bác sĩ.
Ốm nghén:
Trong quý đầu mang thai do hormone thay đổi nên phát sinh hiện tượng buồn nôn và nôn. Chuyên môn và dân gian gọi đây là “ốm nghén”, mặc dù nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày và bắt đầu giảm trong quý 2 thai kỳ.
Giải pháp: ăn nhiều bữa ăn nhỏ thay vì ba bữa để giữ cho dạ dày không bị trống rỗng. Không nên đi nằm ngay sau khi ăn. Nên ăn bánh mì khô, bánh quy giòn mặn, hoặc ngũ cốc khô trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng. Ăn thực phẩm nhạt có ít chất béo và dễ tiêu hóa, như ngũ cốc, gạo, và chuối. Nhâm nhi nước, trà nhạt, hoặc nước giải khát loãng hoặc ăn các mảnh vụn đá khô. Tránh các mùi khó chịu đối với dạ dày. Hãy gọi cho bác sĩ nếu những triệu chứng giống như cúm, có thể báo hiệu một tình trạng nghiêm trọng hơn hay buồn nôn liên tục hoặc ói mửa nhiều lần trong ngày.
Bệnh liên quan đến mũi:
Chảy máu cam và nghẹt mũi là hai hiện tượng phổ biến trong giai đoạn thai kỳ. Đây là kết quả của sự gia tăng lưu thông máu trong cơ thể, và thay đổi hoóc-môn tác động trực tiếp lên các mô mũi và cuối cùng phát sinh bệnh .
Giải pháp: có thể thổi mũi nhẹ nhàng, uống nhiều nước và duy trì hàm ẩm trong phòng thích hợp. Để hạn chế chảy máu mũi, nên dùng tay vắt sạch mũi, giữa cho mũi thông suốt và đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Trường hợp máu cam chảy không ngừng sau vài phút thì nên đi khám và tư vấn bác sĩ ngay.
Vết rạn da và thay đổi da:
Vết rạn da là những vệt đỏ, hồng, hoặc nâu xuất hiện trên da, nhất là trên đùi, mông, bụng, và vú trong nửa cuối của thai kỳ.
Giải pháp: hãy kiên nhẫn, vết rạn da và nám da sẽ mờ dần sau khi sinh.
Sưng tấy:
Giai đoạn thai kỳ nhiều phụ nữ bị sưng nhẹ ở mặt, tay, hoặc mắt cá chân và càng đến ngày sinh, hiện tượng trên có thể trầm trọng hơn.
Giải pháp: nên uống nhiều nước, khoảng 10 ly mỗi ngày. không nên uống cà phê hoặc dùng thức ăn mặn. Nghỉ ngơi và nâng cao chân khi ngồi hay nằm. Trường hợp bàn tay hoặc bàn chân sưng lên đột ngột hoặc tăng cân nhanh thì rất có thể mắc bệnh cao huyết áp thai kỳ. Nên đi khám bác sĩ để có biện pháp xử lý sớm.
Tiểu tiện nhiều lần và són tiểu:
Khi mang thai bàng quang, niệu đạo, và các cơ sàn chậu hông bị ép xuống do thai nhi phát triển dẫn đến nhu cầu đi tiểu nhiều hơn và xón tiểu, nhất là khi ho, hắt hơi, hay cười.
Giải pháp: nghỉ ngơi thường xuyên, uống nhiều nước để tránh mất nước. Thực hành các bài tập Kegel để thư giãn cơ bắp vùng chậu hông.
Giãn tĩnh mạch:
Khi mang thai, lượng máu tăng lên đột ngột, làm cho tĩnh mạch giãn ra. Thêm vào đó là áp lực đè lên các tĩnh mạch lớn ở phía sau tử cung làm cho máu lưu thông về tim chậm lại. Tất cả những lý do trên phát sinh tình trạng giãn tĩnh mạch chân và hậu môn, gia tăng bệnh trĩ thai kỳ.
Giải pháp: kê chân cao khi ngồi hoặc nằm.
Khắc Hùng - suckhoedoisong.vn