Thông cáo báo chí tại Hội nghị Nghị sĩ Châu Á họp mặt Công nhận Quyền dinh dưỡng cho trẻ em  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ

THÔNG CÁO BÁO CHÍ NGÀY 2 THÁNG 4 NĂM 2015

Liên hệ:

UNICEF: Laura Ngô-Fontaine, lngofontaine@unicef.org,  +84 (0) 9 6653 9673

Alive & Thrive: Phan Thị Hồng Linh, plinh@fhi360.org, +84 (0) 9 0612 0268 


Nghị sĩ Châu Á họp mặt Công nhận Quyền dinh dưỡng cho trẻ em

Vai trò chủ đạo của Nghị sĩ đối với vấn đề Dinh dưỡng Trẻ em được nêu bật

nhân dịp kỷ niệm 25 năm Công ước về Quyền Trẻ em

Hà Nội, Việt Nam, ngày 2 tháng 4 năm 2015 – Ngày hôm nay, lãnh đạo và nghị sĩ đến từ các quốc gia Châu Á sẽ họp mặt để công nhận vai trò quan trọng của các  nghị sĩ trong việc thúc đẩy dinh dưỡng và sự phát triển của trẻ em. Tiếp sau Đại Hội Đồng Liên Minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 132, UNICEF và Tổ chức Alive & Thrive sẽ phối hợp với Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đồng tổ chức Hội nghị Vai trò của Nghị sĩ trong việc thực hiện Quyền Trẻ em về Dinh dưỡng và Phát triển.


Hội nghị được mở đầu bằng bài phát biểu khai mạc của Ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc Hội. “Tôi rất vui mừng khi có mặt tại đây ngày hôm nay cùng UNICEF và Alive & Thrive để thảo luận về vai trò quan trọng của nghị sĩ đối với sức khỏe và dinh dưỡng trẻ em. Vai trò lãnh đạo mạnh mẽ và tâm huyết trong khu vực Nam và Đông Á sẽ giúp đảm bảo những ưu tiên đầu tư vào vấn đề dinh dưỡng và sức khỏe cho trẻ em, cũng như việc các quốc gia đầu tư vốn con người nhằm duy trì sự cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phát triển ngày nay.”


Nhiều quốc gia Châu Á đã cam kết với việc cải thiện vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em thông qua Công ước về Quyền Trẻ em (CRC), coi đây là một nhân quyền cơ bản. Mặc dù đã có sự đầu tư mạnh mẽ đến từ các quốc gia, song vấn đề dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong khu vực vẫn chưa thực sự được cải thiện.


Sau 25 năm thực hiện CRC, vẫn còn ít nhất một nửa trẻ em tại sáu quốc gia Đông Nam Á bị thấp còi. Tình trạng thấp còi, hay tình trạng quá thấp so với tuổi, làm giảm khả năng phát triển thể chất, xã hội và nhận thức trong suốt giai đoạn tuổi thơ đến thời kỳ trưởng thành. Khi còn nhỏ tuổi, trẻ thấp còi thường có xu hướng đạt điểm số thấp hơn trong các bài kiểm tra, và ít khi được học đúng cấp so với lứa tuổi của các em. Khi trưởng thành, khả năng thu nhập của các em cũng thấp hơn 20% so với bạn bè cùng lứa không bị thấp còi. 


Theo lời bà Fackhuda Zahra Naderi, thành viên Nghị viện Afghanistan: “Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á tiếp tục phải trả chi phí kinh tế tăng cao cho việc không giải quyết vấn đề thấp còi ở trẻ em, trong đó có chi phí giáo dục và y tế tăng cao. Những nhân tố kép này có thể khiến GDP của một quốc gia giảm ít nhất 3 phần trăm. Còn theo lời Ông Damien Cole, Đại sứ Ai-len tại Việt Nam: “Chúng ta không còn đủ sức chi trả cho những chi phí hậu quả của việc trì hoãn giải quyết các vấn đề suy dinh dưỡng và thấp còi ở trẻ em được nữa. Một trong những cơ hội tốt nhất để đạt được tầm nhìn là đảm bảo những mục tiêu và chỉ tiêu mạnh mẽ về an ninh lương thực và dinh dưỡng được đưa vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SPGs) giai đoạn hậu 2015”. Chính phủ Ai-len vẫn luôn hỗ trợ mạnh mẽ cho Phong trào Tăng cường Dinh dưỡng.

Các diễn giả tại Hội nghị sẽ thảo luận về việc các nhà hoạch định chính sách và nghị sĩ có thể hỗ trợ các gia đình như thế nào nhằm cải thiện những thực hành ăn uống ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là trong thực hành nuôi con bằng sữa mẹ. “Nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những cách đơn giản nhất, thông minh nhất và hiệu quả nhất về mặt chi phí mà chúng ta có để hỗ trợ trẻ em được “khỏe” hơn và gia đình được “mạnh” hơn. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng đầu đời tốt nhất cho trẻ sơ sinh, cung cấp những dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ có chỉ số IQ cao hơn so với trẻ đồng trang lứa không được nuôi bằng sữa mẹ.” Trích lời ông Dan Toole, Giám đốc Văn phòng Khu vực UNICEF.


UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến khích các bà mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời của trẻ, và chỉ cho trẻ bú sữa mẹ mà không bổ sung đồ ăn hay thức uống nào khác. Khi tròn 6 tháng tuổi, trẻ nên được bổ sung đồ ăn dặm đủ dinh dưỡng, phù hợp và đa dạng, đồng thời tiếp tục bú mẹ cho đến khi tròn 24 tháng tuổi và lâu hơn nữa.


Tuy nhiên, các công ty sữa và đồ ăn trẻ em đã nhắm vào thị trường khu vực Châu Á-Thái Bình Dương từ nhiều năm nay, làm tăng tỷ lệ nuôi con không bằng sữa mẹ, cản trở tiến trình hướng tới tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ của khu vực. Bên cạnh đó, chế độ thai sản không đầy đủ cũng góp phần làm giảm tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời trẻ nhỏ, cũng như làm giảm tỷ lệ tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ cho đến khi trẻ được 24 tháng tuổi.


Các nghị sĩ có thể hỗ trợ các gia đình bằng cách tăng cường pháp luật xung quanh Bộ luật Quốc tế về các Sản phẩm thay thế sữa mẹ (BMS Code) và bảo vệ thai sản. BMS Code được ban hành nhằm hỗ trợ tối đa dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bằng cách quy định các sản phẩm thay thế sữa mẹ (bao gồm sữa công thức và đồ ăn dặm) được tiếp thị/quảng bá khi nào và như thế nào, cũng như cấm mọi hình thức quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ. Những chính sách bảo vệ thai sản mạnh mẽ giúp đảm bảo phụ nữ  được tuyển dụng chính thức và nhận được hỗ trợ cần thiết để nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời, và tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ cho đến khi trẻ được 24 tháng tuổi. 


“Năm 2012, Việt Nam đã kéo dài thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng, và mở rộng việc cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ sơ sinh từ 6 tới 24 tháng tuổi. Hai quyết định quan trọng này đã giúp đảm bảo mọi bà mẹ và gia đình được hỗ trợ đầy đủ để lựa chọn cách thức nuôi dưỡng con em mình một cách an toàn và dinh dưỡng nhất”, theo lời ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc Hội. “Tại hội nghị hôm nay, các nghị sĩ sẽ đưa ra những đề xuất và giải pháp mạnh mẽ nhằm cải thiện những chính sách hỗ trợ cho dinh dưỡng và sự phát triển của trẻ em của quốc gia mình. Chúng ta đang cùng nhau xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em, và một tương lai tốt đẹp hơn cho các quốc gia.”


Giới thiệu về UNICEF
UNICEF thúc đẩy quyền và phúc lợi của trẻ em trong tất cả những hoạt động của mình. Cùng với các đối tác, chúng tôi  hoạt động trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới để biến những cam kết thành hành động cụ thể, tập trung nỗ lực đặc biệt nhằm đến được với các trẻ em yếu thế và bị xao nhãng, vì lợi ích của tất cả trẻ em khắp mọi nơi trên toàn Thế giới. Cần thêm thông tin, xin tham khảo website của chúng tôi tại địa chỉ: www.unicef.org

Giới thiệu về tổ chức Alive & Thrive

Alive & Thrive là một sáng kiến nhằm cải thiện cuộc sống, phòng chống bệnh tật và đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh thông qua cải thiện việc nuôi con bằng sữa mẹ và các thực hành dinh dưỡng bổ sung. Alive & Thrive hiện đang hỗ trợ các tổ chức khác để  tăng cường dinh dưỡng bằng cách áp dụng những công cụ và phương pháp tiếp cận đã được kiểm chứng trong bối cảnh các nước như Burkina Faso, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Với việc chú trọng vào học hỏi và đổi mới, Alive & Thrive đang mở rộng trọng tâm tới vấn đề dinh dưỡng cho bà mẹ tại Bangladesh, và theo một hướng tiếp cận đa ngành hơn tại Ethopia. Để biết thêm thông tin về Alive & Thrive và công việc chúng tôi đang làm, vui lòng truy cập website www.aliveandthrive.org và theo dõi chúng tôi trên Twitter tại @aliveandthrive


Cập nhật: 08/04/2015
Lượt xem: 5921
Lên trên
Đánh giá dinh dưỡng
( Cho người trưởng thành )
Cân nặng
kg
Chiều cao
m
Kết quả B.M.I
Đánh giá
Mặt trời bé thơ - Viện Dinh dưỡng (NIN)
Địa chỉ: 48B, Tăng Bạt Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3971 7090 - Fax : (84-4) 3971 7885 - Email: ninvietnam@viendinhduong.vn
© 2011 mattroibetho.vn. Số đăng ký 180/GP-TTĐT. Cấp ngày 10/10/2011 - Thiết kế website bởi BICWeb.vn™