Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ nhỏ. Nếu trẻ không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ, đặc biệt là trong những tháng đầu sau sinh sẽ làm tăng một số nguy cơ không tốt cho sự phát triển của trẻ sau này.
Gia tăng nguy cơ tiểu đường:
Để xác định mối liên quan giữa tiêu thụ sữa bò và việc phát sinh kháng thể đối với các prôtêin sữa bò, các nhà nghiên cứu Italia đã định lượng kháng thể của 16 trẻ bú mẹ và 12 trẻ ăn sữa bò dưới 6 tháng tuổi. Những trẻ ăn sữa bò có lượng kháng thể với beta-casein cao so với trẻ bú mẹ. Họ kết luận rằng, bú mẹ trong 6 tháng đầu đã ngăn ngừa việc sản xuất kháng thể này, do đó có thể phòng ngừa hiệu quả bệnh tiểu đường týp 1.
Một nghiên cứu đối chứng ở 46 bệnh nhân tiểu đường týp 2 người Canada và 92 người đối chứng cho thấy: NCBSM làm giảm được nguy cơ mắc bệnh tiểu đường týp 2.
Gia tăng nguy cơ mắc một số bệnh ở trẻ nhỏ:
Một nghiên cứu ở Anh đã phân tích 3500 trường hợp ung thư nhũ nhi và mối liên quan với NCBSM. Kết quả cho thấy có sự giảm nhẹ tỷ lệ mắc bệnh ung thư bạch cầu (leukemia) và các căn bệnh ung thư khác phối hợp đối với những trẻ đã từng bú mẹ.
Một nghiên cứu đối chứng ở Emirates xem xét 117 ca ung thư bạch cầu Lympho cấp tính và 117 ca đối chứng nhận thấy thời gian bú mẹ của những đứa trẻ bị ung thư máu ngắn hơn có ý nghĩa so với những trẻ ở nhóm chứng và kết luận: thời gian bú mẹ 6 tháng hoặc lâu hơn có thể giúp trẻ chống lại bệnh ung thư máu cấp tính.
Gia tăng nguy cơ béo phì:
Để xác định tác động của việc nuôi dưỡng với chứng béo phì ở trẻ ấu thơ, một nghiên cứu lớn đã xem xét chỉ số khối cơ thể (BMI) của 32.200 trẻ em từ 39-42 tháng tuổi. Sau khi loại trừ các nhân tố làm sai lệch, tình trạng kinh tế xã hội, cân nặng khi sinh và giới, các tác giả nhận thấy tỷ lệ béo phì ở những trẻ nuôi dưỡng bằng sữa hộp cao hơn. Điều này chứng tỏ nuôi dưỡng bằng sữa hộp liên quan với sự gia tăng bệnh béo phì ở trẻ nhỏ. Các nhà nghiên cứu của Đức thông qua thu thập các số liệu về chiều cao, cân nặng của 9.375 trẻ em ở lứa tuổi nhận thấy tỷ lệ béo phì là 4,5% ở những trẻ chưa hề được bú mẹ trong khi ở trẻ bú mẹ hoàn toàn là 2,8% tức là cao hơn gần 40%.
Gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính:
Nuôi dưỡng nhân tạo có liên quan tới sự gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường týp 1, bệnh tiêu chảy, ung thư và bệnh viêm ruột.
Bệnh tiêu chảy có thể gây ra khi trẻ ăn một loại thực phẩm có chứa protein, glutein. Ivarson và cộng sự đã điều tra trên 627 trẻ nhỏ bị tiêu chảy và ở 1.254 trẻ khỏe mạnh để xác định hiệu quả của việc NCBSM trong thời gian đầu làm quen với các thực phẩm chứa glutein và hậu quả của tiêu chảy.
Kết quả cho thấy so với dự báo, đã giảm được 40% nguy cơ có thể gây ra bệnh tiêu chảy ở trẻ dưới 2 tuổi được bú mẹ khi làm quen với thực phẩm bổ sung có chứa glutein. Hiệu quả còn rõ ràng hơn với những trẻ tiếp tục được bú mẹ.
Gia tăng nguy cơ tử vong:
So với bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, những trẻ được bú mẹ một phần có nguy cơ tử vong cao vì tiêu chảy cao hơn 4,2 lần. Những trẻ dưới 1 tuổi không được bú mẹ có nguy cơ tử vong do nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính nhiều hơn những trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là 2,4 lần. Ước tính NCBSM hoàn toàn có thể làm giảm tỷ lệ tử vong đến 20% khi trẻ được bú từ sau khi sinh đến 18-24 tháng.
Làm chậm sự phát triển trí tuệ :
Một nghiên cứu ở Australia trên 3.880 trẻ sau khi sinh để xác định mô hình NCBSM và sự chậm phát triển trí tuệ. Những trẻ bú mẹ trong 6 tháng trở lên tham gia trắc nghiệm từ ngữ có tỷ lệ cao hơn 8,2 điểm với các bé gái và 5,8 điểm với các bé trai so với những trẻ không hề được bú mẹ.
NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu ở trẻ đẻ non có lợi ích đáng chú ý trong sự phát triển trí tuệ của trẻ sau này.
Ths. Lê Thị Hải