Mang thai và sinh con là một giai đoạn có tính chất đột biến. Giai đoạn này đòi hỏi người phụ nữ có sự tổ chức lại và thích nghi cả về mặt cơ thể và tâm thần. Do đó các vấn đề về cảm xúc và tâm thần thường xuất hiện ở giai đoạn này, trong đó có loạn thần sau đẻ.
Loạn thần sau đẻ là một hiện tượng rối loạn về mặt tâm thần xuất hiện ở giai đoạn sau sinh. Tỉ lệ mắc loạn thần sau đẻ ở các nước phát triển thấp hơn so với các nước đang phát triển do ở các nước phát triển có điều kiện chăm sóc sản khoa tốt hơn. Tỉ lệ mắc loạn thần sau đẻ theo các tài liệu nước ngoài từ 1- 2 phần nghìn phụ nữ sau sinh trong vòng 1 năm. Tỉ lệ cao nhất gặp trong 2- 3 tuần sau đẻ.
Các triệu chứng giống loạn thần cấp với các hoang tưởng ảo giác rầm rộ không hệ thống, đa dạng có kèm theo rối loạn ý thức dạng lú lẫn cảm xúc, nét mặt dễ thay đổi. Các rối loạn cảm xúc sau đẻ bao gồm trầm cảm sau đẻ. Với biểu hiện trầm buồn không rõ nguyên nhân, lo lắng quá mức trong việc chăm sóc con, ăn kém do chán ăn, mất cảm giác ngon miệng dẫn đến gầy sút, mất ngủ, hay khóc vô cớ, có cảm giác yếu ớt, tội lỗi. Các triệu chứng trên kéo dài hàng tháng, hàng năm. Trường hợp nặng trầm cảm sau đẻ có thể có ý tưởng tự sát hoặc hoang tưởng bị tội.
Để phòng bệnh, người phụ nữ nên chuẩn bị tâm lý sinh con và nuôi con ngay từ thời kỳ mang thai. Người phụ nữ cần được cung cấp các kiến thức về sản khoa, về cách nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sơ sinh. Có như thế, sau khi sinh con, người phụ nữ sẽ tự tin hơn và tránh rơi vào tâm lý hoảng loạn, hoang mang khi phải bắt đầu vai trò làm mẹ.
Ngoài ra, người thân trong gia đình cũng nên quan tâm, chăm sóc và phát hiện sớm các triệu chứng bất thường để điều trị. Việc phát hiện và điều trị sớm các rối loạn tâm thần sau đẻ có ý nghĩa rất quan trọng. Tùy theo tính chất bệnh mà bệnh nhân được dùng các thuốc chống trầm cảm hoặc chống loạn thần. Các thuốc này phải được các nhà chuyên khoa chỉ định.
Vấn đề quan hệ mẹ con cũng rất quan trọng. Không nên cách ly trẻ khỏi người mẹ. Ở các nước tiên tiến, trong đơn vị điều trị bệnh nhân loạn thần sau đẻ cũng có cả bộ phận chăm sóc trẻ mới sinh hoặc trẻ nhỏ nhằm tạo điều kiện cho người mẹ vừa được điều trị vừa được tiếp tục phát triển mối quan hệ mẹ con.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng