Tuần lễ Thế giới NCBSM được diễn ra từ ngày 01- 07/8 hàng năm, bắt đầu từ năm 1992 đến nay tại 120 nước với sự tham gia tích cực của các cá nhân, tổ chức và chính phủ trong đó có Việt Nam. Với chủ đề: “ Lao động nữ với việc NCBSM – Hãy tạo ra một môi trường làm việc thân thiện để hỗ trợ lao động nữ được tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ”, chương trình nhằm mục tiêu gây dựng lại văn hoá nuôi con bằng sữa mẹ và hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ khắp thế giới.
Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ được tổ chức tại Việt Nam với nhiều hoạt động hưởng ứng thiết thực như: Chiến dịch “Cái ôm đầu tiên” do Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, phối hợp với Bộ Y tế phát động và thực hiện tại các Bệnh viện phụ sản lớn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với mục đích tạo ra môi trường hỗ trợ bà mẹ, trẻ sơ sinh được nhận chăm sóc sơ sinh sớm tại bệnh viện; Chiến dịch “Hành trình sữa mẹ xuyên Việt” nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ, kết nối các bà mẹ cho nhận sữa, cho con bú tập thể, phát tài liệu cập nhật mới nhất của Unicef về sữa mẹ, kêu gọi việc nuôi con bằng sữa mẹ vì tương lai sức khỏe của trẻ em…
Tại Việt Nam, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ nằm trong nhóm thấp nhất thế giới. Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) năm 2011, có đến 78% lao động nữ nhận thức được sữa mẹ là nguồn sinh dưỡng tốt nhất cho trẻ nhỏ, nhưng chỉ có 36% trẻ được tiếp tục cho bú mẹ đến 19-24 tháng do người mẹ phải đi làm trở lại, tỷ lệ cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là 19.6%. Từ những thực tế đó, nhiều năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có những hoạt động hợp tác hiệu quả, thiết thực với Tổ chức phi chính phủ Nuôi dưỡng và Phát triển (A&T) để hỗ trợ lao động nữ có điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc và chương trình đã có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Năm 2012, Bộ Luật lao động được ban hành nâng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng đã tạo điều kiện để phụ nữ sau khi sinh được ở nhà nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, song để duy trì cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi thì phần lớn các nơi làm việc đều chưa có cơ sở vật chất và hỗ trợ giúp vắt và trữ sữa tại chỗ. Do đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp cùng Dự án Nuôi dưỡng và Phát triển và các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị để tạo môi trường làm việc cho phép người mẹ vắt và trữ sữa mẹ cũng như hỗ trợ họ đảm bảo sự phát triển và tăng trưởng mạnh khỏe của trẻ - nguồn nhân lực tương lao của đất nước.
Kết quả, tính đến tháng 8/2014, tỷ lệ NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu đã tăng lên 39%, 70 phòng vắt và trữ sữa được lắp đặt tại 23 tỉnh, thành phố ở Việt Nam, gần 180.500 lao động nữ được truyền thông về NCBSM và chính sách pháp luật liên quan tới lao động nữ. Tại ngành Ngân hàng, đã có gần 2000 cán bộ Công đoàn, cán bộ nữ công và nữ CNVCLĐ được truyền thông về chế độ chính sách và kiến thức NCBSM, 15 cabin được lắp đặt tại các Công đoàn cấp trên cơ sở và Công đoàn cơ sở trực thuộc CĐNHVN, số lượng cabin sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, góp phần nâng cao điều kiện thụ hưởng cho lao động nữ. Tại Hội nghị biểu dương các đơn vị thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ NCBSM tại nơi làm việc do TLĐLĐVN tổ chức, các đơn vị trong ngành Ngân hàng cũng đã ký tên cam kết sẽ tiếp tục triển khai mở rộng chương trình và hỗ trợ lao động nữ NCBSM tại đơn vị mình.
Ban Nữ công CĐNHVN truyền thông về nuôi con bằng sữa mẹ tại Vietinbank
Năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ, theo đó quy định mới nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng hoặc bình bú, vú ngậm nhân tạo dưới mọi hình thức; Bộ Y tế Ban hành Quyết định số 4673/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu hướng dẫn chuyên môn chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ. Theo đó, các quy trình chuẩn theo tổ chức y tế thế giới sẽ được áp dụng như: Xoa đáy tử cung, kẹp và cắt dây rốn muộn, tiếp xúc da kề da, cho trẻ bú sớm và bú sữa mẹ hoàn toàn ngay sau khi đẻ không dùng sản phẩm thay thế nào khác…
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng tham gia tích cực với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để đề xuất với Chính phủ bổ sung ban hành nghị định hướng dẫn riêng một số điều quy định liên quan tới lao động nữ, trong đó có quy định mở rộng chương trình hỗ trợ NCBSM tại nơi làm việc. Điều này cho thấy sự quan tâm của Chính phủ, các cơ quan Nhà nước đối với bà mẹ trẻ em nói chung và đảm bảo cho trẻ em được hưởng những điều tốt đẹp nhất ngay từ khi sinh ra.
Cabin vắt sữa tại NHNN TP. HCM (ảnh trái) và tại VP Bank (ảnh phải)
Hưởng ứng Tuần lễ Thế giới NCBSM năm 2015, CĐNHVN đã chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống tiếp tục tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về lợi ích của việc NCBSM, các kiến thức chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em từ sơ sinh đến 24 tháng tuổi, chăm sóc thiết yếu sau sinh… Tại các đơn vị cũng triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: Công đoàn Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã tham mưu và được Ban Lãnh đạo Ngân hàng chấp thuận truyền thông mở rộng tới tất cả các chi nhánh và lắp đặt 06 cabin vắt và trữ sữa mẹ trong năm 2015; Công đoàn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam hỗ trợ kinh phí nuôi con bằng sữa mẹ tại công sở cho các chi nhánh trong toàn hệ thống; Công đoàn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ phần kinh phí hoạt động để lại tại các CĐCS để triển khai chương trình NCBSM….
Với mục tiêu đưa hoạt động công đoàn đi sâu tới cơ sở, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và nâng cao điều kiện thụ hưởng cho người lao động đặc biệt là lao động nữ, các cấp Công đoàn ngành Ngân hàng đã đổi mới, sáng tạo và quyết tâm triển khai các mặt hoạt động một cách tích cực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển và nâng cao vị thế của ngành Ngân hàng trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Hà Hạnh - Suckhoedoisong.vn