Vừa hạnh phúc với niềm vui được lên chức bố được vài ngày, anh Ma Văn Thoại (sinh năm 1990, người dân tộc Tày, quê Bắc Cạn) đã phải gồng mình chịu nỗi đau mất vợ.
Vợ anh Thoại sinh năm 1993. Hai người gặp và yêu nhau được gần ba năm, khi cả hai cùng làm việc tại một nhà sách. Họ kết hôn và ở trọ tại Mỹ Đình, Hà Nội. Chị mắc bệnh tim, khi có bầu, bác sĩ nhắc nhở việc mang thai có thể gây nguy hiểm nên hai vợ chồng đều đặn đi khám hàng tháng, đồng thời chú ý cho mẹ được nghỉ ngơi.
Hình ảnh bé Bo khi sống trong gia đình người tặng sữa mẹ
Thai 35 tuần, vì lý do sức khỏe, vợ anh Thoại được mổ sinh. Em bé tên Ma Văn Bảo (gọi thân mật là Bo) dù khá nhỏ, 2,2 kg, nhưng khỏe mạnh. "Lúc trong viện sản, mấy lần thấy con dâu tôi vắt sữa, bác sĩ đã khuyên không nên vì việc này ảnh hưởng đến sức khỏe và bệnh tim của con, nếu cần, họ có thể cho thuốc để cắt sữa. Nhưng con không đồng ý. Trước khi xuất viện, bác sĩ lại dặn đừng cho con bú kẻo hại sức. Nhưng về nhà, nó nói 'con của con cần sữa mẹ, con không thể không cho con bú. Bé sinh non đã thiệt thòi, cần sữa mẹ để tăng sức đề kháng'", bà Trương Thị Lê, bà nội bé Bo kể về con dâu.
|
Bé Bo, con trai anh Ma Văn Thoại, hiện được "mẹ" Ly nuôi tại nhà mình và cho bú trực tiếp hoàn toàn. Ảnh: Minh Thùy. |
Khi Bo 6 ngày tuổi (mới bú mẹ được một ngày), người mẹ đang bế con thì kêu mệt, nhờ bà nội ôm giùm để nằm nghỉ, rồi chị ngủ mãi không bao giờ dậy nữa. 7 ngày tuổi, đáng lẽ được làm lễ đầy cữ theo phong tục quê, Bo ở lại trong căn phòng trọ chật hẹp để bố cùng bà nội đưa mẹ về quê an táng.
"Những ngày sau đó, mỗi lần nhìn con khát sữa, rồi lúng túng pha sữa công thức cho con ăn, tôi cảm thấy thực sự đau lòng và thấy mình bất lực", anh Văn Thoại chia sẻ.
Đau đớn, bế tắc, khi ấy, anh đã nghĩ đến chuyện bỏ việc, đưa con về quê chăm sóc. Nhưng mẹ và người thân đã động viên anh ở lại Hà Nội, để có thể tiếp tục công việc lập trình viên, và có điều kiện chăm sóc cho con, giúp con dễ tiếp cận điều kiện y tế mà ở quê thôn bản không có.
|
Bo bú ngon lành bầu sữa của "mẹ" Ly. Chị Ly cho biết, Bo hôm nay đã được 2,7 kg. Ảnh: Minh Thùy. |
Nén nỗi đau mất vợ, anh Thoại lên mạng tìm kiếm thông tin về việc xin sữa mẹ cho con. Anh đọc sách về việc cho con bú sữa mẹ, liên hệ với một người từng trải qua hoàn cảnh giống mình là anh Trình Tuấn rồi theo lời chỉ dẫn của ông bố này, bắt đầu hành trình tìm nguồn sữa mẹ cho con.
Anh đăng thông tin xin sữa trên nhóm facebook ngân hàng sữa mẹ và nhận được sự cảm thông và trợ giúp của nhiều chị em. Cứ ai nói đồng ý cho sữa, là anh liên hệ lại ngay, xin địa chỉ rồi tranh thủ lúc nghỉ trưa, phóng tới lấy sữa và vội vàng về nhà trọ cất vào tủ lạnh để bà nội cho bé bú, sau đó mới tới chỗ làm. Buổi chiều, hết giờ làm, có khi anh cũng đi một tua nữa. Nhà cách chỗ làm cả chục cây số, nhiều hôm anh đi gần như vòng quanh Hà Nội để nhận sữa.
Ông bố trẻ chia sẻ, những ngày đó, anh gặp được rất nhiều bà mẹ tận tình, không chỉ cho sữa mà còn hướng dẫn anh cách bảo quản, cho con dùng sữa mẹ đã cất tủ lạnh. Vậy nhưng, cũng có lần, ông bố trẻ bị người ta nhìn bằng con mắt ngờ vực.
|
"Bé Bo biết nắm tay bố rồi này. Cảm ơn chị Ly Ly, chị Khánh Linh và các mẹ sữa nhiều ạ. Cháu trộm vía ngoan lắm. Ăn xong là ngủ tít à", ông bố trẻ Ma Văn Thoại chia sẻ những lời nhắn nhủ kèm bức hình trên trang facebook của anh. Ảnh: NVCC. |
Khi Bo được 14 ngày tuổi, một bà mẹ trẻ tên Bùi Hoàng Ly Ly, biết anh qua trang ngân hàng sữa mẹ, đã tìm tới tận nhà thăm bé và ngỏ ý muốn đưa hai bà cháu về nhà ở gần đó để chị trực tiếp cho em bé bú.
"Mình đến thấy bé ở trong căn nhà trọ ở tận tầng 7, không có thang máy, phòng không hề có cửa sổ, vì thế nên đề nghị bà và bố cho bé về nhà mình. Con sinh non, cần được tăng sức đề kháng, trong khi việc cho con bú bình, dù là bằng sữa mẹ, vẫn không hoàn toàn an toàn. Hơn nữa, con đã mất mẹ nên cần cả hơi ấm và tình cảm từ bầu sữa nuôi", chị Ly Ly giải thích lý do đón bé Bo về ở nhà mình gần nửa tháng nay.
Theo lời chị Ly, Thoại là ông bố hiền lành, chất phác. Chị vẫn nhớ mãi ngày đầu tiên đưa con tới gia đình chị, lúc quay ra nhìn thấy chị đang ôm và hôn con mình, người đàn ông ấy đã không giấu nổi dòng nước mắt. "Có lẽ giây phút ấy đã khiến cậu ấy chạnh lòng, nhớ vợ và thương con", chị Ly kể.
Chị Ly có con trai 6 tháng tuổi, được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ. Khá dư sữa khi nuôi con, chị cũng hay giúp các bà mẹ bị khan sữa trong nhóm. Lúc nhận được lời đề nghị của chị, ông bố trẻ Văn Thoại cũng trằn trọc cả đêm suy nghĩ. Từ khi vợ mất, với anh, con là nguồn sống, là tình yêu, là niềm an ủi mỗi ngày. Anh muốn ở bên con, chăm con từng ngày. Anh cũng lo giao con cho người khác sẽ làm phiền họ, gây xáo trộn cuộc sống gia đình của người ta.
"Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, giữ con bên mình thì tôi cũng chỉ biết nhìn, không thể cho con nguồn sữa cháu cần để phát triển, vượt qua các bệnh tật có thể rình rập. Việc được bú trực tiếp vô cùng cần thiết cho cháu", anh Thoại chia sẻ về lý do đưa con sang nhà chị Ly.
Vậy là ngay ngày hôm sau, bé Bo cùng bà nội dọn tới ở trong nhà chị Ly. Chị Ly chia sẻ, chồng chị rất ủng hộ vợ trong việc này. Khi biết chuyện, nhiều người dân xung quanh khu chung cư nơi chị sống cũng tìm tới nhà thăm Bo, cho bé quà.
Chị cho biết, Bo là em bé rất ngoan, ít khi khóc. Bé khỏe mạnh và khá nhanh nhẹn, chưa đầy một tháng tuổi nhưng đã biết mút tay, biết trườn khi đặt nằm sấp. Bo bú khỏe nhưng không bú nhiều lần, thường cứ đúng giờ mới ti. Thi thoảng các mẹ đang nuôi con nhỏ ở gần đó cũng tới cho Bo bú.
"Cháu thật may mắn được người tốt như chị Ly yêu thương, cho bú. Giờ Bo có nhiều mẹ, nhiều bà lắm", bà nội Bo chia sẻ bằng thứ tiếng kinh lơ lớ.
Từ khi con chuyển tới nhà chị Ly ở, bố Thoại cứ tan làm là đi thẳng về đó thăm con. Anh ở lại bên con tới khoảng 10h đêm thì lại lặng lẽ về nhà trọ. Ông bố trẻ chia sẻ, bây giờ, anh cảm thấy yên tâm hơn vì biết con luôn được nuôi dưỡng đầy đủ, yêu thương. "Mẹ tôi là người dân tộc, bà chưa ra Hà Nội bao giờ, đường xá không biết, điện thoại không biết cách dùng. Trước để hai bà cháu ở nhà ôm nhau, tôi đi làm cũng nơm nớp. Giờ thì ổn rồi, cố gắng tập trung làm việc thật tốt, tìm việc làm thêm để có tiền nuôi con, hành trình còn rất dài phía trước", anh Thoại nói.
Anh chia sẻ, mấy đêm đầu không có con trong phòng, anh không ngủ được vì nỗi trống trải. Còn thời gian này, anh thường làm việc tới 1-2h sáng rồi thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn. Với anh bây giờ, nhìn con lớn lên mỗi ngày, chăm con... cũng là cách để nguôi ngoai nhớ người đầu ấp tay gối.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 sẽ có hiệu lực từ năm 2016: trường hợp mẹ (hoặc cả cha và mẹ) tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ mất sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ.
Trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ. Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi. |
Vương Linh - Báo Vnexpress.net