Chăm sóc bầu vú thế nào khi cho con bú?  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ
Trong thời kỳ cho con bú, phụ nữ rất dễ có rắc rối như: căng tức sữa, tắc tia sữa, nứt vú... nếu không chăm sóc xử trí đúng cách nhất là với người lần đầu nuôi con dễ mắc viêm tuyến vú, áp xe vú... Để tránh những rắc rối trên, bài viết sau đây cung cấp một số thông tin giúp phụ nữ đang cho con bú có thêm hiểu biết về vấn đề này.

Cách vệ sinh bầu vú và núm vú: Trong suốt thời gian cho con bú, các mẹ cần chăm sóc cẩn thận hai bầu vú, nhất là phần núm vú.  Bằng cách đơn giản là rửa sạch tay trước khi chạm vào vú. Thay tấm lót sữa thường xuyên để núm vú được khô ráo. Núm vú ẩm ướt là môi trường tốt để vi khuẩn phát triển và khiến da bị phân hủy. Không nên dùng các tấm lót sữa có lớp lót nylon vì dễ gây ẩm ướt.

Sau mỗi cữ bú, mẹ có thể vắt một chút sữa lên núm vú và quầng sẫm xung quanh núm để bảo vệ da. Sữa có tác dụng làm ẩm da và tạo rào cản chống nhiễm trùng. Đợi núm vú khô rồi mới mặc áo ngực.

Cần vệ sinh bầu vú bằng nước sạch. Không bôi trực tiếp xà phòng hay dầu, sữa tắm lên núm vú, các hóa chất này có thể làm mất các chất nhầy tự nhiên của da, khiến núm vú trở nên khô và nứt nẻ. Không nên chà xát mạnh vùng núm vú khi tắm rửa.

Sau mỗi cữ bú cần kiểm tra núm vú. Nếu thấy có vết nứt hay trầy xước thì cần xử lý sớm để tránh nhiễm khuẩn.



Nếu bầu vú cương cứng: Người mẹ cần tiến hành chườm lạnh hoặc chườm ấm. Cụ thể, đối với chườm lạnh có thể dùng túi chườm lạnh bọc trong khăn, túi hạt đậu đông lạnh hay một chiếc khăn ướt ướp lạnh. Đặt túi chườm lạnh trên bầu vú trong vài phút, điều này giúp làm giảm tình trạng phù nề. Chú ý nên hạn chế thời gian chườm ở mức vài phút để tránh làm tổn thương da.

Chườm ấm bằng cách tắm vòi sen với nước ấm hoặc đặt khăn ấm lên bầu vú trong vài phút cho tới khi sữa bắt đầu xuống. Người mẹ cũng có thể sử dụng túi chườm nóng hay chai nước nóng bọc trong khăn vải. Sau khi chườm, hãy nhẹ nhàng xoa bóp bầu vú và vắt một chút sữa cho tới khi vùng xung quanh núm vú trở nên mềm mại. Cho bé bú đến khi vú không còn cứng nữa.

Nếu căng tức sữa (khi bầu vú mẹ căng cứng sữa, gây đau): Tình trạng này đôi khi có thể làm bé không thể bú cạn sữa nên tình trạng căng sữa sẽ ngày càng trở nên trầm trọng. Vì vậy, trước khi cho bé bú cần xoa nhẹ đầu vú để kích thích vú tiết sữa. Nếu vú bị cương sữa khi đó sản phụ sẽ thấy ngực căng tức thì có thể dùng khăn ấm massage bầu vú. Có thể sử dụng lược chải bầu vú theo hướng từ trên xuống để các tuyến sữa được thông. Sau đó, cần xoa bóp tuyến vú nhẹ nhàng giảm  căng sữa rất hữu hiệu. Điều lưu ý, mẹ chọn tư thế đúng khi cho bé bú và tập cho bé ngậm bắt vú đúng cách. Nếu vú quá căng tức sữa khiến bé không thể ngậm bắt đúng cách, hãy dùng tay vắt một chút sữa trước mỗi cữ bú để làm mềm quầng vú, giúp bé ngậm bắt vú dễ hơn.

Nếu tắc tia sữa: Tắc tia sữa hay tắc ống dẫn sữa có thể dẫn tới hình thành các khối sữa đông đặc ở bầu vú, gây đau đớn. Lỗ ở núm vú bị tắc sẽ dẫn tới hình thành một hoặc nhiều đốm trắng ở núm vú. Các nguyên nhân gây tắc tia sữa bao gồm: Cho bé bú không đúng cách, áo ngực không thích hợp, áo ngoài quá chật, giảm đột ngột số lần cho con bú, cương sữa và nhiễm trùng vú. Để phòng ngừa và khắc phục tắc tia sữa cần chọn tư thế đúng khi cho con bú, giúp bé bắt núm vú đúng cách. Chú ý thay đổi vị trí của bé trong các cữ bú để các phần khác nhau của vú đều được bú cạn. Có thể chọn cách bế sao cho cằm bé áp sát vùng bị tắc, cách này giúp giải tỏa tốt nhất khu vực bị tắc. Dùng tay vắt hoặc máy hút kiệt sữa trong bầu vú. Không nên ngừng cho con bú vì làm vậy có thể dẫn tới cương sữa và khiến tình hình càng trở nên trầm trọng. Chườm ấm hay tắm bằng nước ấm rồi dùng tay xoa bóp vú theo 2 chiều: từ ngoài tới núm vú (để đẩy khối tắc về phía núm vú) và ngược lại (để làm thông thoáng ống dẫn sữa). Nếu tình trạng tắc sữa không được cải thiện trong vòng 1- 2 ngày cần đến cơ sở  y tế gần nhất để được khám và xử lý.

Hướng dẫn bà mẹ sơ sinh cho bé bú đúng cách.

Nếu viêm vú: Có thể xảy ra vào thời điểm bất kỳ trong giai đoạn cho con bú, nhưng phổ biến nhất là trong vòng 6 tuần đầu sau khi sinh. Đây là kết quả của tình trạng cương tức tuyến vú hoặc tắc sữa mà không xử trí hiệu quả. Vú bị phù nề cứng một vùng với đủ triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau. Viêm vú dễ nhầm với cương tức tuyến vú nhưng cương vú thường toàn bộ vú và không có dấu hiệu sưng đỏ còn viêm vú thường khu trú ở 1 phần vú. Viêm vú khi cho con bú thường đi kèm sốt (mẹ dùng thuốc giảm đau có thể không nhận ra triệu chứng này), đau cơ và đau tuyến vú. Nếu không được phát hiện và điều trị viêm vú sẽ tiến triển thành áp-xe trong vòng 48-72 giờ. Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ viêm tuyến vú cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Nếu sau 2-3 ngày không thấy cải thiện thì cần tái khám. Tiếp tục cho con bú, kể cả khi người mẹ đang được điều trị, cố gắng cải thiện kỹ thuật cho con bú để bầu vú được kiệt sữa tốt hơn. Để giảm triệu chứng đau nhức cần chườm mát.

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi bị căng ngực bình thường có thể chuyển sang dạng căng sữa nếu bé không bú đủ hoặc bé bú không hết và người mẹ không biết cách làm trống bầu sữa hiệu quả. Khi có các biểu hiện như: Cảm giác căng ngực không giảm bớt, dịch xung quanh tuyến sữa tụ lại và tuyến sữa bắt đầu sưng lên; bầu vú của người mẹ cứng dần lên và vùng da xung quanh bị căng bóng, bầu vú bị đau, đôi khi người mẹ có thể bị sốt nhẹ...  nếu để lâu sẽ bị có thể bị tắc các ống sữa và viêm nhiễm tuyến vú rất nguy hiểm. Lúc này sản phụ cần đến cơ sở y tế để được tư vấn. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc làm ngưng tiết sữa vì các thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ.

Để phòng ngừa hiện tượng căng sữa, người mẹ cần cho bé bú thường xuyên, cách 3 giờ cho bé bú 1 lần (có thể 10 - 12 lần một ngày, trong đêm không nên để quá 3 giờ). Mỗi lần cho bé bú ít nhất 15 phút ở một bên vú trước khi chuyển sang vú kia. Nếu bé không bú hết sữa nên vắt sữa bỏ đi để tránh tắc sữa.

BS. Thu Thủy - Suckhoedoisong.vn

Cập nhật: 09/03/2016
Lượt xem: 3234
Lên trên
Đánh giá dinh dưỡng
( Cho người trưởng thành )
Cân nặng
kg
Chiều cao
m
Kết quả B.M.I
Đánh giá
Mặt trời bé thơ - Viện Dinh dưỡng (NIN)
Địa chỉ: 48B, Tăng Bạt Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3971 7090 - Fax : (84-4) 3971 7885 - Email: ninvietnam@viendinhduong.vn
© 2011 mattroibetho.vn. Số đăng ký 180/GP-TTĐT. Cấp ngày 10/10/2011 - Thiết kế website bởi BICWeb.vn™