Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong giai đoạn từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi, trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn.
Sữa mẹ cung cấp dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ, nó cũng cung cấp các miễn dịch, giúp trẻ phòng ngừa bệnh tật, không những thế, một trong những lợi ích quan trọng nhất của việc chăm sóc là tạo ra sợi dây liên kết cảm xúc giữa mẹ và trẻ. Việc tiếp xúc và gần gũi về thể chất này chỉ xảy ra khi cho con bú. Vì vậy, để có đủ sữa cho con, người mẹ cần có chế độ ăn uống hợp lý và khoa học nhất.
Yêu cầu về dinh dưỡng của bà mẹ đang cho con bú
- Trong thời gian cho con bú, người mẹ cần duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh nhằm đảm bảo cung cấp cho cơ thể đầy đủ các chất dinh dưỡng và năng lượng. Điều này sẽ không chỉ giúp đảm bảo sức khỏe của mình, mà còn đảm bảo cho sức khỏe của trẻ.
- Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng, bà mẹ cho con bú cần được cung cấp thêm khoảng 500 calo (tương đương với lượng calo trong một cốc sữa, một lòng đỏ trứng gà và một quả chuối) mỗi ngày trong 6 tháng đầu cho con bú và cần thêm 25g protein mỗi ngày (bằng với các protein trong khoảng 1,2 lạng thịt gà). Quan trọng nhất, nhóm 3 chất carbohydrate, sắt, nước… tuyệt đối không thể vắng mặt trong thực đơn hàng ngày của các mẹ.
Bà mẹ cần ăn uống đủ chất để đảm bảo cho sức khỏe cho mẹ và bé - Nếu thiếu carbohydrate, chất có chức năng tiếp tế và cung cấp năng lượng cho cơ thể, các mẹ sẽ nhanh chóng có cảm giác hụt hơi, kiệt quệ ngay sau bữa ăn, hậu quả là tình trạng ngủ gật ngay khi đang cho con bú. Vậy nên bạn hãy sử dụng các loại thực phẩm giàu carbonhydrate như ngũ cốc, các loại đậu, hạt, trái cây sấy, tinh bột, bánh mì… Trứng và phô mai tuy được liệt vào nhóm thực phẩm nghèo carbonhydrate nhưng lại là nguồn cung cấp protein dồi dào, có tác dụng làm chậm và kéo dài quá trình tiêu tán carbohydrate trong mạch máu.
- Thiếu sắt là triệu chứng phổ biến ở các bà mẹ trong thời kỳ mang thai và trong giai đoạn hậu sản, gây nên tình trạng mệt mỏi kéo dài. Thủ thuật để bổ sung chất sắt hiệu quả nhất là uống thêm nước trái cây. Các vitamin trong nước trái cây sẽ thúc đẩy quá trình hấp thụ chất sắt trong cơ thể diễn ra nhanh và mạnh hơn.
- Ngoài ra, người mẹ cần có đủ lượng vitamin D trong thời gian cho con bú, bạn có thể thường xuyên tắm nắng trước 9h sáng để bổ sung vitamin D rất tốt có sẵn trong tự nhiên.
Bà mẹ đang cho con bú, nên và không nên ăn những gì
Ăn uống khỏe mạnh, đủ dưỡng chất, bạn cần phải tiêu thụ thêm các loại thực phẩm sau:
- Nên tiêu thụ ít nhất 5 lọai trái cây và rau xanh khác nhau mỗi ngày.
- Hàng ngày, nên ăn điểm tâm với bánh mì hoặc bột và các loại ngũ cốc khác. Vì các loại thực phẩm này chứa rất nhiều chất xơ, có lợi cho quá trình tiêu hóa.
- Nên chọn lựa những loại thực phẩm giàu protein như thịt nạc, gà, các loại đậu, trứng và cá trong chế độ ăn hàng ngày.
- Những sản phẩm làm từ bơ sữa như phô mai và sữa chua cũng rất hữu ích cho cơ thể bạn trong thời gian cho con bú.
Các loại thực phẩm cần giới hạn:
- Không nên ăn nhiều hơn hai khẩu phần các loại cá có dầu như cá thu, cá mòi, cá hồi và cá ngừ tươi mỗi tuần (chú ý, cá ngừ đóng hộp không được xem là cá dầu).
- Không nên ăn đậu phộng và các sản phẩm được chế biến từ đậu phộng. Đặc biệt trong trường hợp bạn hay chồng bạn, hoặc anh chị em của bạn đã bị chứng dị ứng với đậu phộng, như bệnh sốt, bệnh hen suyễn, bệnh chàm…
- Tránh các loại thực phẩm khiến bạn giảm cân.
Các loại thức uống cần tránh
Những loại thức uống có chứa cafein có thể kích thích sự tỉnh táo của đứa trẻ, vì vậy bạn nên giới hạn việc uống trà, cà phê và các lọai nước giải khát có chứa chất cola. Uống nhiều rượu cũng sẽ ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe của đứa bé, do vậy, bạn cũng nên hạn chế việc uống rượu.
Thu Minh - Dinhduong.com.vn