Kinh nghiệm từ các chương trình và bằng chứng từ các nghiên cứu khoa học trên thế giới về HIV và nuôi dưỡng trẻ nhỏ đã cho thấy rằng can thiệp ARV cho các bà mẹ nhiễm HIV và trẻ nhỏ phơi nhiễm với HIV có thể giảm đáng kể nguy cơ lây truyền mẹ con thông qua bú mẹ. Hiện nay người ta đã tìm thấy HIV trong sữa mẹ, khoảng 5-20% tỷ lệ trẻ bị nhiễm HIV qua sữa mẹ do bú sữa mẹ của người mẹ bị HIV dương tính) nếu không có can thiệp. Trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm HIV so với ăn hỗn hợp xuống còn khoảng 4%. Trẻ bú mẹ hoàn toàn kết hợp điều trị ARV (cho người mẹ) sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm HIV xuống dưới 1%. Không cho trẻ ăn hỗn hợp (vừa bú mẹ vừa ăn các thức ăn, nước uống hoặc sữa khác trong 6 tháng đầu) vì việc đó làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.
Nếu bà mẹ nhiễm HIV thì nên cân nhắc về nguy cơ truyền HIV cho con mình qua sữa mẹ nguy hiểm hơn nguy cơ trẻ bị nhiễm khuẩn do nuôi nhân tạo hay nguy cơ trẻ chết do không được bú mẹ cao hơn nguy cơ truyền HIV cho con. Cần phải cân nhắc, lựa chọn giữa việc dự phòng lây nhiễm HIV với việc đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng, bảo vệ trẻ khỏi các nguyên nhân khác dẫn đến tử vong, đảm bảo sự sống còn của trẻ và không làm tổn hại sức khỏe của bà mẹ. .
Theo hướng dẫn của WHO về HIV và nuôi dưỡng trẻ nhỏ năm 2010 đề nghị cán bộ y tế tư vấn cho bà mẹ có HIV dương tính lựa chọn nuôi dưỡng trẻ bị HIV dương tính giống như trẻ không bị nhiễm HIV. Nếu thuốc ARV không có sẵn, các bà mẹ có HIV dương tính nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) có thể vẫn tạo cho trẻ không bị HIV một cơ hội lớn hơn là nuôi dưỡng thay thế. Dù bà mẹ có HIV dương tính hay không nên được tư vấn NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bắt đầu cho ăn bổ sung từ sau 6 tháng và tiếp tục NCBSM đến 2 tuổi và lâu hơn. Họ chỉ nên dừng NCBSM khi họ có thể nuôi bằng chế độ ăn an toàn và đủ dinh dưỡng ngoài sữa mẹ. Họ nên dừng NCBSM dần dần trong vòng một tháng và tiếp tục dự phòng ARV trong 1 tuần sau khi dừng sữa mẹ hoàn toàn.
Theo hướng dẫn của WHO, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn Chăm sóc và Hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS (2012) trong đó có hướng dẫn về lựa chọn các hình thức nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Dựa vào tình trạng nhiễm HIV của trẻ sơ sinh: Nếu trẻ được chẩn đoán xác định là nhiễm HIV, bà mẹ nên NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu; Nếu trẻ chưa xác định nhiễm HIV , các bộ y tế sẽ tiến hành đánh giá điều kiện của bà mẹ/người chăm sóc. Nếu bà mẹ và trẻ được điều trị ARV hoặc dự phòng lây truyền mẹ con bằng ARV theo qui định của Bộ Y tế, bà mẹ sẽ được tư vấn để NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Trong trường hợp không được điều trị/dự phòng ARV, bà mẹ sẽ phải được đánh giá xem có đáp ứng đủ 6 điều kiện nuôi dưỡng trẻ thay thế an toàn hay không. Nếu đáp ứng đủ cả 6 điều kiện thì mới được tư vấn để nuôi trẻ bằng sữa thay thế hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
SÁU ĐIỀU KIỆN NUÔI DƯỠNG
TRẺ THAY THẾ AN TOÀN THEO WHO
Những bà mẹ nhiễm HIV chỉ được dùng các loại sữa công
thức làm sữa thay thế cho trẻ không nhiễm HIV hay trẻ chưa biết tình trạng nhiễm
HIV khi SÁU điều kiện dưới đây được đáp ứng (WHO 2010):
- Gia đình hỗ trợ cách nuôi dưỡng này, VÀ
- Bà mẹ hoặc người chăm sóc có thể cung cấp sữa thay thế hoàn toàn trong
6 tháng đầu, VÀ
- Bà mẹ hoặc người chăm sóc có thể chắc chắn cung cấp sữa thay thế đầy đủ
để hỗ trợ sự trưởng thành và phát triển của trẻ, VÀ
- Bà mẹ hoặc người chăm sóc có khả năng chuẩn bị cho trẻ sử dụng sữa thay
thế sạch sẽ và thường xuyên sao cho an toàn và có ít nguy cơ gây tiêu chảy và
suy dinh dưỡng, VÀ
- Nước sạch và vệ sinh được đảm bảo tại hộ gia đình và cộng đồng, VÀ
- Bà mẹ hoặc người chăm sóc tiếp cận chăm sóc y tế để nhận được dịch vụ sức
khoẻ toàn diện cho trẻ.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quí giá cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Với những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị sớm HIV, các bà mẹ nhiễm HIV vẫn có khả năng nuôi dưỡng trẻ bằng nguồn sữa của mình an toàn. Bên cạnh đó, nuôi con bằng sữa mẹ đảm bảo sự tiện lợi, tiết kiệm và tăng cường gắn kết tình cảm mẹ con mà hình thức nuôi thay thế không có lợi thế này.
TS. BS. Huỳnh Nam Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Viện Dinh dưỡng