Táo bón kéo dài ở trẻ có thể là biểu hiện của bệnh phình đại tràng bẩm sinh. Để khắc phục, bác sĩ phải cắt bỏ đoạn ruột bệnh lý - nguyên nhân gây bệnh - để tái lập lưu thông bình thường cho ruột của trẻ.
Bí đại tiện kéo dài còn được gọi là táo bón. Đây là triệu chứng rất thường gặp ở trẻ em. Bác sĩ chia triệu chứng này ra hai loại khác nhau: táo bón cơ năng và táo bón bệnh lý.
|
Tình trạng tiêu hóa tốt sẽ tạo cho trẻ một tâm lý thoải mái trong sinh hoạt. Ảnh: Mỹ Lan. |
Theo Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Nhi đồng 1 Đào Trung Hiếu, nếu trẻ thỉnh thoảng mới khó đi ngoài và tự khỏi trong vài ngày thì đó là táo bón cơ năng, xuất hiện do sữa, thức ăn hay một lý do tạm thời nào đó. Còn nếu trẻ có triệu chứng táo kéo dài 3 tháng trở lên, mỗi lần đi ngoài trẻ rất đau đớn thì đó là dấu hiệu của táo bón bệnh lý, cần phải được điều trị.
Đại tiện (hay đi ngoài) là một phản xạ bình thường của đường tiêu hóa giúp cơ thể loại bỏ chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Để hoạt động này bình thường, cần có sự tham gia của nhiều yếu tố như phản xạ thần kinh, nhu động ruột và tính chất phân. Nếu một trong các yếu tố này trục trặc, trẻ sẽ bị táo bón kinh niên. Nguyên nhân thường gặp nhất là bệnh phình đại tràng bẩm sinh.
Phình đại tràng xuất hiện do nhu động ruột ở đại tràng kém, phân ứ động lâu ngày trong lòng ruột làm đại tràng giãn rất to. Sau đó, khối phân này khô cứng và bịt chặt ngay trên lỗ hậu môn làm trẻ không thể nào đại tiện được. Tình trạng này sẽ không còn nếu đoạn ruột giãn to bệnh lý bị cắt bỏ để tái lập lại lưu thông ruột bình thường, bác sĩ Hiếu giải thích.
Cũng theo bác sĩ Hiếu, trước đây, quá trình điều trị phình đại tràng rất phức tạp. Bệnh nhi phải trải qua ít nhất ba lần phẫu thuật mở ổ bụng để hoàn thành quá trình điều trị này. Và trẻ phải trên 10 kg mới được chọn để tiến hành điều trị. Nhưng hiện nay, bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột giãn to bệnh lý qua đường hậu môn.
Với phương pháp này, bệnh nhi không bị phẫu thuật mở ổ bụng, trẻ chỉ chịu phẫu thuật một lần. Do đó, tuổi phẫu thuật của trẻ được hạ thấp tối đa, chưa đầy tháng cũng thực hiện được. Trong gần 800 ca mổ kiểu này cắt tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh nhi nhỏ nhất mới 15 ngày tuổi.
Tuy nhiên, với biện pháp mới, bác sĩ không thể cắt được những đoạn ruột bệnh lý quá dài (lúc đó cần kết hợp với đường mổ ở bụng, nhưng cũng chỉ mổ một lần duy nhất).
Bác sĩ cảnh báo rằng, mắc phải bệnh phình đại tràng bẩm sinh, trẻ có thể bị sa trực tràng khi cố rặn để đi ngoài, hoặc bị rách hậu môn, viêm nhiễm từ vết rách. Trẻ dễ có tâm lý sợ ăn uống vì sợ phải đi vệ sinh và đây là một nguyên nhân gây suy dinh dưỡng...Do đó, khi trẻ có các triệu chứng như bị đau bụng dưới, phân cứng như sỏi, có máu khi đi ngoài..., nên đưa đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị đúng phương pháp. Tuyệt đối không nên tự ý cho trẻ uống thuốc nhuận tràng vì sẽ làm rối loạn hệ tiêu hóa.
Mỹ Lan - Giadinh.net