Chăm sóc trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ

Trong 6 tháng đầu đời, sữa mẹ là thức ăn phù hợp nhất cho sự phát triển của trẻ. Thông thường, bé được tập cho ăn dặm từ tháng thứ 6, một số bé có thể cho ăn sớm hơn do sữa mẹ ít, nhưng dù ăn dặm từ lúc nào cũng nên cho bé tiếp tục bú mẹ cho đến 24 tháng. Ở thời điểm 6 tháng, bé phát triển vận động nhiều hơn (lật, trườn, …) nên cần được cung cấp nhiều năng lượng hơn. Hơn nữa, ở thời điểm này, một số bé đã bắt đầu mọc răng và tuyến nước bọt đã phát triển hoàn chỉnh, sẵn sàng cho việc tiêu hoá chất bột, nên bé cần được tập cho ăn dặm để bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.

 

Làm sao nhận biết được thời điểm bé bắt đầu cần ăn dặm?


Thời điểm ăn dặm không nhất thiết phải “chính xác đến từng giây”, ví dụ 6 tháng 1 ngày chẳng hạn. Thời điểm này có thể thay đổi tuỳ theo bé và được nhận biết thông qua một số biểu hiện sau: bé bắt đầu “lơ là” trong việc bú sữa, hay thức giấc lúc nửa đêm để đòi bú, bé nhìn người lớn ăn một cách chăm chú, bé vẫn còn đói sau khi đã bú hết 2 bên vú mẹ v.v… Những lúc đó, bà mẹ nên chuẩn bị để tập cho bé ăn dặm được rồi đấy.

 

Các nguyên tắc tập ăn dặm


Bé nên được làm quen với thức ăn khác theo nguyên tắc từ ít rồi tăng dần, từ loãng đến đặc dần. Bé nên được ăn đơn giản với 1 loại thức ăn trước rồi sau đó dần dần cho ăn đa dạng hơn. Bé nên được ăn cả phần cái lẫn nước để đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng và thường xuyên thay đổi thức ăn cho bé không thấy nhàm chán. Trong quá trình tập ăn, chắc chắn có những lúc bé “nhõng nhẽo” hay từ chối không chịu ăn, những lúc đó các bậc phụ huynh cũng không nên nóng ruột mà la rầy bé vì bé chỉ mới làm quen thôi mà. Chúng ta cứ nhẹ nhàng, khuyến khích bé và xin nhớ là bữa ăn không nên kéo dài quá 30 phút vì dễ làm bé chán và khó chịu, nếu cần chúng ta cứ mạnh dạn ngưng bữa ăn và bé có thể sẽ ăn tốt hơn vào lần sau.

 

Bữa ăn dặm của bé gồm:

 

Để trẻ phát triển toàn diện, bữa ăn dặm cần có đủ 4 nhóm thức ăn: chất bột đường, chất đạm, chất béo và rau xanh.

Nhóm chất bột đường: chủ yếu giúp tạo năng lượng cho bé vận động, có nhiều trong bột, cháo, cơm, nui, khoai, bánh mì, …

 

Nhóm chất đạm: trẻ đang tăng trưởng rất nhanh nên cần nhiều đạm để phát triển các mô và cơ quan trong cơ thể, tăng cường sức đề kháng, tổng hợp các enzym và nội tiết tố. Bữa ăn cho trẻ cần đầy đủ chất đạm, đặc biệt là 8 acid amin thiết yếu. Với trẻ nhỏ, cần bổ sung một acid amin có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của não bộ và thị giác là Taurine. Chất đạm có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua và các loại đậu.

 

Nhóm chất béo: là một nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho cơ thể vì 1g chất béo sản sinh đến 9kcal (đơn vị năng lượng) trong khi mỗi 1g chất bột đường hoặc đạm chỉ cung cấp 4kcal. Chất béo cũng tham gia chặt chẽ vào quá trình hình thành tế bào vì là một thành phần chính của màng tế bào. Các acid béo thiết yếu như DHA, AA, Acid Linoleic và Acid Linolenic, và một số chất khác như Phospholipid có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của não bộ, hệ thần kinh và thị giác v.v… Ngoài ra, nếu không có chất béo trong chế độ ăn thì việc hấp thu các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K sẽ rất hạn chế. Vì hệ tiêu hóa của trẻ dưới 1 tuổi còn non yếu, khó tiêu hóa chất béo trong bơ và mỡ động vật, trong mỗi một chén bột hay cháo nên cho thêm 1 muỗng dầu ăn.

 

Rau xanh: là một nguồn cung cấp dồi dào các loại vitamin, muối khoáng và chất xơ mà không có loại thức ăn nào khác có thể thay thế được. Những nghiên cứu gần đây cho thấy chất xơ trong thức ăn giúp ích rất nhiều trong việc phòng ngừa táo bón, điều hoà hệ miễn dịch đường tiêu hoá, giúp giảm thiểu nguy cơ các bệnh lý ung thư đường ruột về sau.

 

Ngoài ra, trẻ cần được cung cấp đầy đủ các loại khoáng chất (canxi, phospho, sắt, kẽm...), các vitamin (A, D, E, K, B1, B2, B6, B12, Biotin, Choline, C, Nicotinamid...), carotenoid (lutein, beta caroten), các nguyên tố vi lượng (Iod, Selen...) giúp phát triển các cơ quan quan trọng như xương, răng, hệ miễn dịch, thần kinh, mắt, da, v.v… Một số loại thức ăn có chứa các yếu tố kể trên là:

 

  • Bí đỏ: nhiều beta-caroten, vitamin C, E, …

  • Chuối: nhiều vitamin B6, …

  • Táo: nhiều vitamin C, …

  • Cải xoăn, cải bẹ xanh, bắp, cà-rốt: chứa nhiều lutein

  • Thịt bò, cừu, gan: cung cấp nhiều chất sắt

Tóm lại, giai đoạn 6-12 tháng tuổi là một giai đoạn đặc biệt của bé, lúc bé bắt đầu tập ăn các thức ăn của người lớn. Theo thống kê, suy dinh dưỡng xảy ra nhiều nhất là vào giai đoạn này, do cho bé ăn dặm chưa hợp lý. Mỗi ngày nên cho bé ăn 3 bữa, mỗi bữa lưng bát bột hoặc cháo, trong mỗi bát phải có đủ 1 thìa canh thịt băm nhỏ, 1 thìa canh rau xanh băm nhỏ, 1 thìa canh dầu ăn, một chút gia vị cho bé vừa miệng. Với bé nhỏ hơn 9 tháng, bột vẫn được ưu tiên hơn cháo vì hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn chỉnh, cho ăn cháo sớm có thể làm bé lười ăn nếu là cháo thì nên xay nhuyễn rồi nấu cho bé. Cho bé ăn thêm một ít hoa quả tươi theo nhu cầu.

 

Một chế độ ăn dặm khoa học, đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp bé phát triển tốt cả về thể chất và tinh thần, cho bé mau khôn lớn như kỳ vọng của cha mẹ.


                                                                                                                             BS. Trần Châu Quyên

Cập nhật: 17/04/2013
Lượt xem: 15989
Lên trên
Đánh giá dinh dưỡng
( Cho người trưởng thành )
Cân nặng
kg
Chiều cao
m
Kết quả B.M.I
Đánh giá
Mặt trời bé thơ - Viện Dinh dưỡng (NIN)
Địa chỉ: 48B, Tăng Bạt Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3971 7090 - Fax : (84-4) 3971 7885 - Email: ninvietnam@viendinhduong.vn
© 2011 mattroibetho.vn. Số đăng ký 180/GP-TTĐT. Cấp ngày 10/10/2011 - Thiết kế website bởi BICWeb.vn™