Kẽm đóng một vai trò sinh học không thể thiếu đối với sức khỏe con người, cho dù kẽm chỉ chiếm khaỏng vài phần triệu trọng lượng khô của cơ thể. Kẽm tham gia vào thành phần của trên 300 enzym khác nhau, được xem như chất xúc tác không thể thiếu của ARN- polymerase trong quá trình nhân bản AND. Đây là chức năng quan trọng giúp kích thích tăng trưởng ở trẻ em, kẽm vừa là cấu trúc vừa tham gia vào duy trì chức nằg của hàng loạt các cơ quan quan trọng. Kẽm có độ tập trung cao trong não, nếu thiếu kẽm ở các cấu trúc thần kinh có thể dẫn đến nhiều rối loạn thần kinh. Vai trò hết sức quan trọng nữa của kẽm là tham gia điều hòa chức năng của hệ thống nội tiết và có trong thành phần các hormon (tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục…) hệ thống này có vai trò quan trọng trong việc phối hợp với hệ thống thần kinh trung ươnng, điều hòa hoạt động sống trong và ngoài cơ thể. Kẽm còn là chất chống oxy hóa, chống lại các tổn thương do nhiễm trùng và nhiễm các độc tố, làm mau lành vết thương bảo vệ làn da, phòng chống ung thư và chống lão hóa, duy trì hoạt động bình thường của chức năng tình dục. Như vậy kẽm có vai trò quan trọng với tất cả mọi người, nhưng đối với phụ nữ có thai và cho con bú kẽm lại càng quan trọng hơn.
Kẽm duy trì tổng hợp protein cho cơ thể, giúp phân chia, sinh trưởng và tái sinh tế bào một cách bình thường giúp bào thai tăng trưởng và phát triển cho nên thiếu kẽm ở bà mẹ mang thai không những ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến thai nhi. Khi thiếu kẽm bà mẹ mang thai nghén nhiều hơn với các biểu hiện buồn nôn, nôn, chán ăn, mệt mỏi, dự trữ năng lượng tạo sữa sau này sẽ thấp, bà mẹ sẽ bị thiếu sữa, mất sữa nuôi con sau sinh, bà dễ bị sảy thai, đẻ non, dễ bị tai biến sản khoa khi sinh. Ảnh hưởng đến thai nhi: thai chậm phát triển dẫn đến bị suy dinh dưỡng bào thai: thai nhi nhẹ cân và thấp chiều cao, thai dễ bị dị dạng. Trong giai đoạn nuôi con bú nếu thiếu kẽm bà mẹ ăn uống kém, mệt mỏi, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn giấc ngủ dẫn đên thiếu sữa, mất sữa đây cũng là nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng của trẻ em. Phụ nữ có thai và cho con bú là một trong những đối tượng tăng nhu cầu về kẽm nhưng lại không được đáp ứng, tình trạng nghén ở bà mẹ làm cho việc ăn uống không được đầy đủ dẫn đến thiếu kẽm, khi thiếu kẽm lại làm tình trạng nghén tăng lên cứ như vậy đã tạo thành một vòng soắn bệnh lý rất khó gỡ ra được. Vậy để tránh tình trạng thiếu kẽm trong thời kỳ mang thai và cho con bú các bà mẹ phải ăn các thực phẩm giàu kẽm từ trước khi mang thai 2 - 3 tháng cũng như suốt thời ký mang thai và nuôi con bú. Sau đây là những thực phẩm giàu kẽm mà chúng ta cần biết để chọn ăn hàng ngày:
Hàm lượng kẽm trong 100g thực phẩm
Tên thực phẩm | Hàm lượng kẽm (mg%) |
Con hàu | 75 |
Sò, ngao | 13,4 |
Thịt cóc | 9,7 |
Gan bò, lợn, gà | 4,5 – 9 |
Lòng đỏ trứng gà | 3,5 |
Lươn | 2,7 |
Thịt lơn nạc | 2,5 |
Thịt bò loại I | 2,7 |
Thịt gà ta | 1,5 |
đậu nành | 3,8 |
Gạo tẻ, nếp | 1,3 – 2,2 |
Khoai lang | 2,0 |
Ngô | 1,4 |
Quả ổi | 2,4 |
Trái cây nói chung | 0,1 – 0,6 |
Như vậy các loại thực phẩm giàu kẽm nhất đó là các loài thủy hải sản, thịt cóc, gan động vật, trứng, thịt nạc…và kẽm từ các thực phẩm này có giá trị sinh học cao hơn so với kẽm có nguồn gốc thực vật, và khả năng hấp thu cũng cao hơn. Ngoài ra khi mang thai và cho con bú các bà mẹ có thể ăn thêm các thực phẩm tăng cường kẽm như bánh qui, bột dinh dưỡng… Cũng như sắt muốn hấp thu kẽm tốt trong khẩu phần ăn phải đầy đủ hàm lượng protein có nguồn gốc động vật. Kẽm được đưa vào trong cơ thể chủ yếu qua đường tiêu hóa, được hấp thu phần lớn ở ruột non, cho nên những người có bệnh ở đường tiêu hóa thường bị thiếu kẽm. Kẽm được thải ra ngoài qua dịch ruột, dịch tụy (thải qua phân), thải qua nước tiểu, qua mồ hôi. Khi vào cơ thể kẽm phần lớn tập trung trong tế bào, chỉ một lượng nhỏ trong huyết tương dạng gắn kết với albumin.
Trong những trường hợp do nghén nặng hoặc ăn uống kém hoặc có những dấu hiệu lâm sàng của thiếu kẽm: chán ăn, mệt mỏi, rụng tóc, tóc dễ gãy, da khô, bong da, trên móng tay xuất hiện các vệt trắng,móng chân tay chậm mọc và dễ gãy, rối loạn giấc ngủ: ngủ không ngon giấc, trằn trọc, hay mơ ngủ, ác mộng, cơn khiếp sợ trong giấc ngủ, hay bị nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu hóa, vết thương lâu liền, hoặc những người thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa ăn vào không hấp thu được, hoặc định lượng nồng độ kẽm trong huyết thanh thấp thì cần phải bổ sung kẽm dưới dạng thuốc. Liều bổ sung từ 15 – 20 mg kẽm nguyên tố/ngày, tối đa là 50mg/ngày. Nên uống đều đặn vào một giờ nhất định, nên uống cách xa các thuốc có chứa sắt, canxi để tránh tương tác cạnh tranh hấp thu, nên uống 1 giờ trước khi ăn hoặc 2giờ sau khi ăn. Trong những trường hợp hay nôn có thể uống cùng với thức ăn, hoặc uống vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Ths. Lê Thị Hải - Viện Dinh dưỡng