Có đến hơn 50% trẻ em Việt Nam thiếu hụt các vitamin A, B1, C, D và sắt trong chế độ ăn hằng ngày.
Tỉ lệ trẻ béo phì và dư cân cũng đang gia tăng, đặc biệt là ở đô thị. Cứ 3-4 trẻ thì có 1 trẻ có tình trạng dinh dưỡng không hợp lý: hoặc thiếu dưỡng chất hoặc thừa dinh dưỡng.
Đây là kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á vừa được công bố ngày 2/3 do Viện FrieslandCampina thực hiện đồng thời tại 4 nước Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Thái Lan với trên 16.000 trẻ từ 6 tháng đến 12 tuổi. Riêng khảo sát tại Việt Nam được các chuyên gia Viện Dinh dưỡng tiến hành ở 2.880 trẻ.
Thạc sĩ Lê Nguyễn Bảo Khanh, Viện Dinh dưỡng quốc gia, người điều phối dự án cho biết, xét về thực trạng thiếu vi chất trong khẩu phần ăn thì Việt Nam có tỷ lệ cao nhất trong 4 nước. Trong khi đó, 3 nước còn lại là Malaysia, Indonesia và Thái Lan sự thiếu hụt vi chất trong các khẩu phần ăn không cao như ở Việt Nam. “Như vậy chứng tỏ, bữa ăn truyền thống của ta trên thực tế chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn trẻ đang phát triển rất nhanh”.
Nhiều trẻ em suy dinh dưỡng bởi khẩu phần ăn hàng ngày không đáp ứng đủ vi chất cần thiết cho sự tăng trưởng của trẻ. Ảnh: Minh họa
Đáng chú ý trẻ ở khu vực thành thị có tỷ lệ thiếu vitamin D cao hơn trẻ nông thôn. Nhóm trẻ gái ở thành thị có tỷ lệ thiếu vitamin D cao nhất (58,36,%), tiếp đến là nhóm trẻ trai thành thị (49,69%). Tỉ lệ thiếu máu ở trẻ dưới 6 tuổi là 23% trong đó, ở nông thôn là 25% và thành thị là 20%.
Bên cạnh đó, nghiên cứu này một lần nữa khẳng định gánh nặng kép về dinh dưỡng Việt Nam đang phải đối mặt. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân vùng thành thị khoảng 11%, nông thôn khoảng 21%. Ngược lại, có đến 29% trẻ thành thị thừa cân, con số này ở nông thôn chỉ là 5,5%. |
Bà Khanh cho hay, nhiều cha mẹ chưa hiểu hết được tầm quan trọng của vitamin D với sức khỏe, cũng như sự tăng trưởng của trẻ, mà hậu quả lớn nhất của việc thiếu vi chất này là nguyên nhân chính khiến trẻ bị còi xương và hạn chế về chiều cao. "Theo nghiên cứu của chúng tôi từ trước đến nay thì khẩu phần ăn thiếu vitamin D rất cao. Tuy nhiên, thực tế nguồn vitamin này đến từ khẩu phần ăn chỉ chiếm khoảng 20% trong cơ thể, 80% còn lại lấy từ ánh nắng mặt trời”, thạc sĩ Khanh phân tích. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bà mẹ không có thói quen tắm nắng cho trẻ, nhất là giai đoạn trẻ dưới 1 tuổi và quan trọng nhất là trong 3 tháng đầu.
Vitamin D có trong khẩu phần ăn từ các sản phẩm có nguồn gốc động vật, trong đó có trứng, thịt, sữa. Theo GS Lê Thị Hợp - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia thì với trẻ, trứng và sữa là sản phẩm rất cân đối, tốt. Các bà mẹ có thể cho con ăn một quả trứng một ngày là vừa đủ.
Cũng theo nghiên cứu trên thì tỷ lệ thiếu máu trẻ em 0,5-5,9 tuổi là 23% trong đó. Tỷ lệ thiếu máu của trẻ thay đổi theo độ tuổi. Độ tuổi nhỏ nhất (6 -24 tháng) có nguy cơ thiếu máu cao nhất so với các nhóm khác, trong đó ở thành thị là gần 30% và nông thôn là 54%.
GS Lê Thị Hợp cho rằng, cần tăng cường truyền thông giáo dục cho các bà mẹ chăm sóc trẻ về dinh dưỡng hợp lý. Trong đó bà nhấn mạnh, bú mẹ là một trong những giải pháp hợp lý để phòng thừa cân sau này.
Nguồn: Gia đình