Cẩn trọng khi dùng thuốc ho thuốc cảm cho trẻ  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ

Nghiên cứu gần đây cho thấy, thuốc ho thuốc cảm dành cho trẻ em không giúp làm giảm triệu chứng bệnh. Trong một số trường hợp, chúng có thể gây nguy hiểm.

Các chuyên gia Mỹ nhất trí rằng, mỗi năm một em nhỏ có thể bị khoảng 10 đợt nhiễm virus, với các triệu chứng ho và cảm. Trên thị trường Mỹ hiện có tới hơn 800 loại thuốc ho và thuốc cảm dành cho trẻ em.

Bốn thành phần chính của các loại thuốc ho thuốc cảm:

  • Chống ngạt mũi: Làm thông thoáng mũi, giúp bé dễ thở. Thuốc làm khô niêm mạc, giúp giảm phần nào hiện tượng chảy nước mũi. Tác dụng phụ là khiến trẻ kích thích, khó ngủ.

  • Kháng histamin: Trị chứng hắt hơi, sổ mũi. Tác dụng phụ gây buồn ngủ.

  • Ức chế cơn ho: Ức chế phản xạ ho ở họng và phổi, ngăn chặn cơn ho.

  • Long đờm: Giúp đờm loãng hơn và dễ long ra.
measuring-childs-medicine-6872-141696311

Thuốc ho có an toàn cho trẻ em?

Các loại thuốc ho, thuốc cảm đã được sử dụng từ hàng chục năm nay, vẫn có rất ít nghiên cứu về độ an toàn và tính hiệu quả của chúng ở trẻ em. Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) lần đầu tiên đưa ra hướng dẫn sử dụng thuốc ho thuốc cảm ở trẻ em năm 1976. Lúc đó, liều lượng thuốc dùng cho trẻ hoàn toàn dựa vào liều dùng cho người lớn: Trẻ 5-12 tuổi dùng 1/2 liều người lớn, trẻ 2-5 tuổi dùng 1/4 liều người lớn. Tại thời điểm đó chưa có quy định về việc sử dụng thuốc ở trẻ dưới 2 tuổi.

Bản hướng dẫn này tồn tại trong hơn 30 năm, và được FDA xem xét lại khi nổi lên những nghi vấn về độ an toàn của các thuốc ho đối với trẻ em. Ngày 17/01/2008, cơ quan này đưa ra khuyến cáo cuối cùng: Không dùng thuốc ho, thuốc cảm cho trẻ dưới 2 tuổi vì chúng không an toàn, không hiệu quả. FDA đang tiếp tục xem xét khả năng sử dụng thuốc ho thuốc cảm cho trẻ 2-12 tuổi.

Nghiên cứu của Trung tâm Phòng và Kiểm soát Bệnh tật của Mỹ (CDC) thực hiện năm 2007 cho thấy, trong khoảng thời gian 2004-2005, hơn 1.500 trẻ dưới 2 tuổi được đưa tới điều trị tại các phòng cấp cứu của Mỹ vì tác dụng phụ của thuốc ho và cảm. Các tai biến nguy hiểm nhất bao gồm nhịp tim nhanh, kém tỉnh táo, co giật, tử vong. Trong số các nạn nhân, cả 3 trường hợp trẻ dưới 6 tuổi tử vong vì dùng thuốc cảm năm 2005 đều có nguyên nhân sử dụng thuốc quá liều do vô ý.

Các chuyên gia cho rằng, phần lớn các tai biến nghiêm trọng thường liên quan tới việc sử dụng thuốc không đúng cách. Thống kê năm 2004 ở Mỹ cho thấy có tới 25% trẻ được dùng thuốc đúng liều nhưng vẫn bị tai biến. Trẻ dưới 2 tuổi có tỷ lệ tai biến cao nhất.

Năm 2008, những tranh cãi xung quanh độ an toàn của thuốc cảm ở trẻ em đã khiến nhiều nhà sản xuất phải thay đổi nhãn mác và đưa ra cảnh báo trên bao bì: “Không dùng thuốc này cho trẻ dưới 4 tuổi”, “Không dùng thuốc kháng histamime như thuốc an thần hay thuốc ngủ cho trẻ”.

Thuốc ho trẻ em có hiệu quả?

Năm 2009, nghiên cứu do Bệnh viện Nhi đồng BC ở Vancouver (Canada) tiến hành cho thấy, chẳng những thuốc ho, thuốc cảm có thể gây nguy hiểm mà còn không mang lại lợi ích gì cho trẻ dưới 5 tuổi.

Bệnh nhiễm virus cần thời gian để đi hết quãng đường của mình. Không có phương thuốc gì chữa khỏi các căn bệnh này. Thuốc ho và cảm chỉ giúp làm giảm nhẹ triệu chứng. Nhiều khi tác hại do sử dụng thuốc không đúng cách còn lớn hơn nhiều so với lợi ích mà các thuốc này mang lại. Cân nhắc giữa lợi và hại, ngày càng có nhiều cha mẹ chọn cách không dùng thuốc ho thuốc cảm cho con.

Hướng dẫn sử dụng thuốc ho một cách an toàn

  • Đọc kỹ nhãn thuốc, đặc biệt là các thành phần của thuốc.

  • Không sử dụng cùng lúc 2 loại thuốc có cùng thành phần.

  • Chọn thuốc phù hợp với triệu chứng bệnh.

  • Không dùng thuốc lâu hơn quy định.

  • Không dùng thuốc thường xuyên hơn chỉ dẫn.

  • Không cho trẻ dùng thuốc của người lớn, dù có giảm liều.

  • Dùng thìa hoặc cốc đo chính xác hàm lượng thuốc, không được áng chừng.

Làm gì để giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn?

Phần lớn các bệnh nhiễm virus sẽ tự khỏi sau khoảng một tuần. Thông thường nếu được chăm sóc đúng cách, các bé sẽ khá lên nhiều kể từ ngày thứ 5.

Hãy giúp trẻ bằng cách:

  • Cung cấp đủ nước: Cho bé uống nhiều nước, nước hoa quả, bú mẹ để giữ cho cơ thể không bị mất nước, phòng ngừa hiện tượng đờm dãi bị cô đặc, gây bít tắc đường hô hấp.

  • Khuyến khích bé ho: Ho là phản xạ bảo vệ tự nhiên của cơ thể, giúp tống đờm dãi ra ngoài. Nếu bé muốn ho, hãy đặt bé ngồi trên lòng bạn, nghiêng người bé về phía trước khoảng 30 độ và vỗ rung nhẹ ở vùng lưng.

  • Làm ẩm đường mũi: Dùng nước muối sinh lý nhỏ đều đặn vào hai bên lỗ mũi, khoảng 30 phút một lần. Nếu mũi bé có nhiều dịch tiết thì cần hút sạch bằng dụng cụ hút mũi dành cho trẻ em.

  • Súc miệng bằng nước muối: Các bé từ 4 tuổi trở lên cần được khuyến khích súc miệng nước muối để giảm triệu chứng đau họng.

  • Khuyến khích bé nghỉ ngơi: Nếu bé sốt hoặc ho nhiều, nên giữ bé ở nhà, hạn chế hoạt động.

  • Mặc ấm cho bé và giữ nhiệt độ phòng ở mức mát mẻ, nhiệt độ cao quá sẽ không tốt vì làm khô đường hô hấp.

  • Làm ẩm không khí: Dùng máy phun sương duy trì độ ẩm trong phòng ở mức 50-70%. Không khí mát và ẩm tạo điều kiện tối ưu cho đường thở.

Bác sĩ Trần Thu Thủy

Bệnh viện Nhi trung ương

Cập nhật: 02/12/2014
Lượt xem: 3715
Lên trên
Đánh giá dinh dưỡng
( Cho người trưởng thành )
Cân nặng
kg
Chiều cao
m
Kết quả B.M.I
Đánh giá
Mặt trời bé thơ - Viện Dinh dưỡng (NIN)
Địa chỉ: 48B, Tăng Bạt Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3971 7090 - Fax : (84-4) 3971 7885 - Email: ninvietnam@viendinhduong.vn
© 2011 mattroibetho.vn. Số đăng ký 180/GP-TTĐT. Cấp ngày 10/10/2011 - Thiết kế website bởi BICWeb.vn™