Thiếu Kẽm ở bà mẹ và trẻ em  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ
I. VAI TRÒ VÀ Ý NGHĨA SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG CỦA THIẾU KẼM

1. Vai trò của kẽm trong cơ thể

Kẽm là vi chất dinh dưỡng có đặc tính sinh học rõ rệt. Lượng kẽm trong cơ thể khoảng 2-3g, phân phối không đồng đều, nhiều ở tinh hoàn (300mcg/g). Sau đó là ở tóc (150mcg/g), xương (100mcg/g), gan, thận, cơ vân, da, não. Kẽm có đặc điểm không dự trữ trong cơ thể, có nửa đời sống sinh học ngắn (12,5 ngày) trong các cơ quan nội tạng, nên dễ bị thiếu nếu khẩu phần cung cấp không đủ.

Kẽm là một vi chất dinh dưỡng cần thiết, có vai trò quan trọng đối với sức khoẻ. Kẽm tham gia vào hoạt động của các enzym, phân chia tế bào và phát triển cơ thể, tham gia vào chức năng miễn dịch, điều hoà vi giác, cảm giác ngon miệng.

2. Ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng của thiếu kẽm


Gần đây, thiếu kẽm cũng được biết đến như một thiếu vi chất dinh dưỡng quan trọng, mặc dù việc đánh giá tình trạng thiếu kẽm trên cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định, ở những cộng đồng có vấn đề thiếu máu thiếu sắt thường đi kèm với tình trạng thiếu kẽm. Như vậy, thiếu kẽm cũng là một thiếu vi chất dinh dưỡng cần quan tâm ở Việt Nam. Đáng chú ý là chế độ ăn nghèo sắt thường cũng nghèo kẽm. Chất lượng bữa ăn kém, ăn nhiều ngũ cốc, ít thức ăn có nguồn gốc động vật là một trong nghững nguyên nhân quan trọng gây ra thiếu kẽm cũng như các vi chất dinh dưỡng khác. Nguồn cung cấp kẽm có giá trị sinh học cao chủ yếu từ thức ăn động vật. Điều tra khẩu phần ở Việt Nam cho thấy, khẩu phần ăn của người dân thiếu các thực phẩm giàu kẽm. Thiếu kẽm đã được chứng minh là làm tăng biến chứng trong thời kỳ thai nghén, cản trở sự phát triển trí lực và thể lực ở trẻ em, làm giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, chậm các dấu hiệu dậy thì, chiều cao kém phát triển, ăn uống kém ngon miệng.

Một số nghiên cứu điều tra tình trạng kẽm ở trẻ em và phụ nữ ở Việt Nam đã cho thấy thiếu kẽm là vấn đề có ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng. Tỷ lệ thiếu kẽm dựa vào nồng độ kẽm huyết thanh thấp dao động trong khoảng 25-80% tuỳ theo địa phương và nhóm tuổi nghiên cứu. Nghiên cứu trên 1.526 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở 19 tỉnh của Việt Nam năm 2010 cho thấy tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 67,2%. Kết quả nghiên cứu ở 521 phụ nữ có thai và 947 trẻ em dưới 5 tuổi tại một số tỉnh khó khăn của Việt Nam năm 2009 cho thấy, tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 90%, trẻ em dưới 5 tuổi là 81,2%. Như vậy, tỷ lệ thiếu kẽm ở Việt nam là rất cao so với ngưỡng phân loại của Nhóm tư vấn quốc tế về kẽm (IZINC) khi tỷ lệ thiếu kẽm ở cộng đồng trên 20% được xác định là vấn đề thiếu kẽm có ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng. Theo cách ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (năm 2000), ở những vùng có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trên 20% được coi là thiếu kẽm có vấn đề ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng. Năm 2012, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi bình quân ở trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi là 26,7%, như vậy, có thể đánh giá thiếu kẽm cũng là vấn đề ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng ở Việt Nam.

Một số yếu tố nguy cơ thiếu kẽm trên cộng đồng:


Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi: Chỉ số về suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi là một chỉ số tốt phản ánh thiếu kẽm trên cộng đồng. Ngưỡng tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ³ 20% được Tổ chức y tế thế giới coi là thiếu kẽm có ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng.

Lượng kẽm trong khẩu phần: Là chỉ số đánh giá nguy cơ thiếu kẽm. Hỏi ghi khẩu phần 24 giờ, kết hợp với hỏi về tần xuất tiêu thụ những thực phẩm giàu kẽm, sắt, thức ăn nguồn gốc động vật, nguồn thực vật nhiều phytat... trong tuần, trong tháng, có thể nhận định về lượng kẽm khẩu phần.

Tỷ lệ thiếu máu: Kẽm và sắt hầu như có cùng sự phân bố và nguồn gốc trong các thức ăn. Những yếu tố ảnh hưởng đến tiêu hóa và hấp thu sắt, kẽm cũng tương tự nhau.

Chỉ số phối hợp: suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) của trẻ em < 5 tuổi và tỷ lệ đối tượng có nguy cơ thiếu kẽm khẩu phần. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi > 20%, kết hợp tỷ lệ > 25% đối tượng có nguy cơ thiếu kẽm khẩu phần, được coi là thiếu kẽm có ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng. Khi suy dinh dưỡng thể thấp còi < 10% và < 15% thiếu kẽm khẩu phần được coi là ít có nguy cơ thiếu kẽm.

II. CÁC ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ THIẾU KẼM, CHẨN ĐOÁN THIẾU KẼM VÀ CÁC CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ

1. Đối tượng có nguy cơ thiếu kẽm

  • Trẻ em bị suy dinh dưỡng, đặc biệt suy dinh dưỡng thể thấp còi, suy dinh dưỡng thiếu cân mức độ nặng, trẻ đẻ non, trẻ ăn nhân tạo không được bú sữa mẹ, trẻ hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng, trẻ em tuổi học đường.

  • Phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú.

  • Người nghiện rượu, người ăn chay, đặc biệt là ăn chay trường. Những người bị rối loạn tiêu hóa (viêm ruột, loét miệng, viêm đại tràng). Bệnh thận mãn tính, thiểu năng tuyến tuỵ, tiểu đường...

  • Vùng kinh tế khó khăn, khẩu phần ít thức ăn nguồn động vật, thức ăn nguồn thực vật với ngũ cốc là nguồn cơ bản, khẩu phần nhiều chất ức chế hấp thu sắt, kẽm.

  • Vùng có tỷ lệ thiếu sắt, thiếu vitamin A ở mức ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng.

2. Dấu hiệu lâm sàng thiếu kẽm


Hiện chưa có chỉ số đặc hiệu phản ánh chính xác tình trạng kẽm của cơ thể. Khi thiếu kẽm, không có triệu chứng rõ rệt, nhưng có ảnh hưởng ngay đến sự tăng trưởng và sự chuyển hóa. Một số biểu hiện của thiếu kẽm: biếng ăn, nôn không rõ nguyên nhân, rối loạn giấc ngủ (trằn trọc, khó ngủ, thức giấc, ngủ ít…), chậm phát triển thể lực, giảm trí nhớ, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp), tổn thương da và niêm mạc, chậm lành vết thương (vết bỏng, vết loét), viêm lưỡi, loạn dưỡng móng, rụng tóc, rụng lông, giảm khả năng phát dục và khả năng sinh sản.

3. Dấu hiệu cận lâm sàng: Các chỉ số đánh giá tình trạng kẽm

Bảng 1: Ngưỡng khuyến nghị đánh giá thiếu kẽm (IZiNC-2004)


III. CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG THIẾU KẼM

Chiến lược phòng chống thiếu kẽm tương tự như phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng khác bao gồm các hoạt động toàn diện như sau:

  1. Khuyến khích chế độ ăn đa dạng thực phẩm trong bữa ăn, sử dụng thực phẩm giàu kẽm, thay đổi những thói quen ăn uống có lợi cho hấp thu kẽm…

  2. Bổ sung kẽm vào thực phẩm như bánh quy, ngũ cốc, bột dinh dưỡng, bột mì, hạt nêm… Các sản phẩm được bổ sung vi chất được ghi rõ trên nhãn mác về liều lượng và loại vi chất bổ sung. Cần lưu ý thời hạn sử dụng trên nhãn mác.

  3. Thúc đẩy và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại cộng đồng.

  4. Dự phòng và điều trị bệnh liên quan tới thiếu kẽm (nhiễm khuẩn kéo dài như tiêu chảy, nhiễm giun, bệnh viêm tuỵ, viêm thận…). Phòng chống nhiễm ký sinh trùng đường ruột. Tuyên truyền giáo dục cho người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu khác như phòng chống giun sán, tiêm chủng mở rộng, nước sạch, phòng chống tiêu chảy....

  5. Dự phòng và điều trị thiếu kẽm (tại cơ sở y tế).

  6. Giáo dục dinh dưỡng: Thực hiện truyền thông giáo dục đại chúng, hướng dẫn thực hành để các gia đình biết cách phòng chống thiếu kẽm thông qua chế độ ăn.

IV. TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG THIẾU KẼM TẠI CƠ SỞ

1.  Đa dạng hóa bữa ăn

                         

Thông qua giáo dục truyền thông làm cho mọi người hiểu được và quan tâm tới thiếu kẽm. Giáo dục và phổ biến cho mọi gia đình về phương pháp đa dạng hoá bữa ăn. Phối hợp nhiều loại thực phẩm từ 4 nhóm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày. Chế độ ăn cần cung cấp đủ năng lượng và các thực phẩm giàu sắt/kẽm. Nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý là biện pháp tốt nhất phòng chống thiếu kẽm ở trẻ nhỏ.

Làm tăng khả năng hấp thụ sắt/kẽm nhờ tăng cường sử dụng thực phẩm có nhiều vitamin C như rau xanh, hoa quả. Hướng dẫn và khuyến khích các cách chế biến như nảy mầm (giá đỗ), lên men (dưa chua...) vì các quá trình này làm tăng hàm lượng vitamin C và giảm axit phytic trong thực phẩm do vậy làm tăng hấp thu sắt/ kẽm từ khẩu phần. Thay đổi một số thói quen ăn uống có thể làm tăng hấp thu kẽm từ khẩu phần như uống nước chè 1-2 giờ sau ăn.

        

Thúc đấy, hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ: Tư vấn, hỗ trợ cho bà mẹ cho bú trong vòng nửa giờ đầu sau khi sinh, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi và tiếp tục cho bú tới 24 tháng. Giáo dục dinh dưỡng về nuôi con bằng sữa mẹ cho phụ nữ có thai.

Khuyến khích sử dụng các thực phẩm giàu kẽm gồm: Các thức ăn từ động vật như hàu, cua bể, thịt bò, tôm, thịt, cá. Các thức ăn này không chứa chất ức chế hấp thu kẽm (và sắt).

         

Sử dụng các thực phẩm có bổ sung kẽm tại cộng đồng (hạt nêm bổ sung kẽm, bánh quy bổ sung kẽm, bột mì bổ sung kẽm, mì tôm bổ sung kẽm, bột dinh dưỡng, sữa, cốm bổ sung kẽm...).

Bổ sung kẽm bằng đường uống (tại trạm y tế).

2. Các biện pháp dự phòng và điều trị bệnh giúp hỗ trợ phòng chống thiếu kẽm

  • Tiêm chủng đúng lịch cho trẻ phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, lao, bại liệt, viêm gan B, viêm não nhật bản B tại các cơ sở y tế.

  • Tẩy giun định kỳ cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên, 6 tháng một lần.

  • Tập huấn và tăng cường kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ bệnh.

  • Theo dõi tăng trưởng và phát triển cho trẻ em.

3. Dự phòng thiếu kẽm bằng uống bổ sung kẽm

Cán bộ y tế là bác sỹ sẽ chỉ định liều dự phòng thiếu kẽm cho các đối tượng có nguy cơ thiếu kẽm. Liều lượng: Liều bổ sung dự phòng thiếu kẽm tương ứng với nhu cầu sinh lý hàng ngày.

  • Trẻ từ 7 tháng đến 3 tuổi: 5mg kẽm nguyên tố/ngày.

  • Trẻ từ 4-13 tuổi: 10mg kẽm nguyên tố/ngày.

  • Người lớn: 15mg kẽm nguyên tố/ngày.

  • Phụ nữ có thai 15 - 25mg kẽm nguyên tố/ngày.

Có thể dùng theo từng đợt từ vài tuần đến vài tháng, cho trẻ kém ăn, chậm tăng cân, trẻ không được bú mẹ, trẻ sinh thiếu tháng nhẹ cân, suy dinh dưỡng bào thai, phụ nữ mang thai.

                                                            Nguồn: Viện Dinh dưỡng
Cập nhật: 24/11/2014
Lượt xem: 4530
Lên trên
Đánh giá dinh dưỡng
( Cho người trưởng thành )
Cân nặng
kg
Chiều cao
m
Kết quả B.M.I
Đánh giá
Mặt trời bé thơ - Viện Dinh dưỡng (NIN)
Địa chỉ: 48B, Tăng Bạt Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3971 7090 - Fax : (84-4) 3971 7885 - Email: ninvietnam@viendinhduong.vn
© 2011 mattroibetho.vn. Số đăng ký 180/GP-TTĐT. Cấp ngày 10/10/2011 - Thiết kế website bởi BICWeb.vn™