Magiê là khoáng chất cần thiết cho sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ. Thiếu magiê trẻ sẽ chậm lớn, hệ thống thần kinh và bắp thịt hoạt động không được điều hoà, đưa đến thiếu canxi và phốtpho, gây nên các triệu chứng buồn nôn, chán ăn, mất ngủ, mệt mỏi, đau nhức, run rẩy, co giật tay chân. Nếu nồng độ magiê trong máu giảm nặng, sẽ có triệu chứng yếu liệt cơ, co giật, tăng kích thích, dẫn đến hạ đường huyết, hôn mê.
Xuất hiện nhiều ở trẻ bệnh
Nhu cầu magiê của cơ thể không cao, nhưng tỷ lệ trẻ thiếu magiê không nhỏ. Trẻ bị bệnh thường có nguy cơ bị hạ magiê trong máu. Theo một nghiên cứu thực hiện tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, hạ magiê máu xuất hiện ở trẻ bệnh từ 3 tháng đến 7 tuổi, phổ biến ở nhóm trẻ từ 12 - 24 tháng tuổi.
Thực phẩm chứa nhiều magiê. |
Bao nhiêu là đủ?
Theo khuyến cáo của Viện dinh dưỡng Quốc gia, nhu cầu magiê trong một ngày (mg/ngày) của trẻ nhỏ như sau: Trẻ dưới 6 tháng tuổi: 36mg; Trẻ 6 - 12 tháng tuổi: 54mg; Trẻ 1 - 3 tuổi: 65mg; Trẻ 4 - 6 tuổi: 76mg; Trẻ 7 - 9 tuổi: 100mg
Thực phẩm nào chứa nhiều magiê?
Magiê không được tạo ra trong cơ thể mà chỉ được cung cấp từ thực phẩm. Vì vậy phụ huynh cần quan tâm đến chế độ ăn của trẻ, cung cấp cho trẻ đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng phù hợp với mỗi lứa tuổi. Magiê có nhiều nhất trong các loại đậu như đậu xanh (270mg/100g), đậu nành (236mg/100g) và có mặt hầu hết trong thực phẩm với số lượng nhiều hay ít tuỳ loại, như:
- Thực phẩm nhóm giàu chất bột đường: gạo (14mg/100g), bánh mì (22mg/100g), các loại khoai (30mg/100g).
- Thực phẩm nhóm giàu chất đạm: thịt (20 - 30mg/100g), hải sản (30 - 40mg/100g), trứng (11mg/100g), sữa bò (16mg/100g).
- Thực phẩm nhóm giàu vitamin, muối khoáng: rau mồng tơi (94mg/100g), rau khoai lang (60mg/100g), giá (29mg/100g), chuối (41mg/100g), sầu riêng (32mg/100g).
- Thực phẩm nhóm giàu chất béo: vừng (350mg/100g), lạc (185mg/100g).
Phòng nguy cơ thiếu magiê ở trẻ
Để phòng ngừa tình trạng thiếu magiê ở trẻ, cần cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tập cho trẻ ăn dặm khi trẻ được 6 tháng. Một bát bột (cháo) luôn phải đảm bảo 4 nhóm thực phẩm, cho trẻ ăn cả xác thực phẩm.
Cho trẻ tiếp tục bú sữa mẹ cho đến 2 tuổi và ăn bột (hoặc cháo). Chỉ cho trẻ ăn cơm khi trẻ được 2 tuổi, đã có đủ răng hàm để nhai. Từ 2 - 5 tuổi, cho trẻ ăn ba bữa chính và hai bữa phụ, bữa chính phải đủ chất và lượng, bữa phụ phải là những thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao như sữa, sữa chua, chè đậu,… chứ không phải nước ngọt, kẹo hay bim bim,…
Trẻ lớn hơn 5 tuổi nên tiếp tục uống sữa, bữa ăn luôn phải đủ 4 nhóm thực phẩm, thức ăn phải đa dạng và phong phú.
Trẻ cần được theo dõi sức khoẻ thường xuyên để can thiệp kịp thời khi có dấu hiệu sụt cân hoặc tăng cân quá mức, phòng ngừa nguy cơ suy dinh dưỡng hoặc béo phì. Khi trẻ bị bệnh, cần được các bác sĩ dinh dưỡng tư vấn để có chế độ ăn phù hợp với tình trạng bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa - Suckhoedoisong.vn